Về Ca Khúc “Phải Lòng Con Gái Bến Tre” Của Thi Sĩ Luân Hoán Và Nhạc Sĩ Phan Ni Tấn

0 8.409

Bậu sang phà Rạch Miễu, Qua lẽo đẽo theo sau
Đôi bóng trăng trên đầu (ơ hờ), hường như áo cô dâu
Áo Bậu đỏ cánh kiến (ơ hơ), da Bậu vàng phù sa
Mắt ngời xanh nước biển, tim Bậu hồng lòng Qua.

Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre
Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là, Về Sơn Đốc, Ba Tri ?
Guốc Bậu rụng tiếng lá (ơ hơ), thoang thoảng mùi làm duyên
Thoáng mùi thương quá đỗi, mùi tình Lục Vân Tiên.

Đợi ánh trăng lên đầu cầu soi bước em về
Lòng Qua như con nước, lênh đênh vào trong mong nhớ
Vịnh Bến Tre tim bồi hồi, lòng muốn theo người ơi.

Bậu sang phà Rạch Miễu, vô Chợ Giữa nhởn nhơ
Về Trúc Giang đang chờ hay về, Cù Lao Ốc trăng mơ?
Tức bàn chân quấn quýt (ớ hơ), quanh quẩn vòng thủy chung
Bóng dừa vương áo mỏng, in đậm chùm yêu thương.

Bậu sang phà Rạch Miễu, thăm trường cũ Nam Phương
Lư lắc lư xe thổ (ha) mộ .. Chèn ơi quá dễ thương !
Quyết lòng theo bén gót (ớ hơ), năn nỉ hoài hổng nghe
Ước gì đương trắc trở, gặp nụ cười Bến Tre !

Bến Tre, ơi Bến Tre ời !
Có nhớ gã thương hồ
Khua dầm trong nắng đục
Lẩn thẩn sầu bán thơ

Bến Tre, ơi Bến Tre
Bến Tre, ơi Bến Tre !

Ở trên là ca khúc : Phải Lòng Con Gái Bến Tre, một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Ni Tấn, phổ thơ của Luân Hoán. Có một số tài liệu ghi lại hoàn cảnh sáng tác bài hát này như sau : Vào khoảng năm 1979, nhạc sĩ Phan Ni Tấn lang thang về Mỹ Tho chơi, ông ngủ lại Mỹ Tho một đêm. Sáng ra xuống phà Rạch Miễu ghé  xuống Bến Tre để thăm người bạn thân là nhà thơ Luân Hoán, nhưng tiếc là không gặp. Đời nhạc sĩ Phan Ni Tấn năm đó giống hệt lục bình trôi, vì ông mới đi học tập cải tạo về, đang kiếm đường “ra đi”. Thập niên 80 nhạc sĩ Phan Ni Tấn gặp nhà thơ Luân Hoán ở Montreal, Canada. Ông có kể lại câu chuyện về Bến Tre năm 1979, và thế là nhà thơ Luân Hoán làm thơ, nhạc sĩ Phan Ni Tấn phổ nhạc nên ca khúc Phải Lòng Con Gái Bến Tre.

Lời thơ của Luân Hoán :
Ta may mắn được làm thi sĩ
Nhờ đã phải lòng con gái Bến Tre

Bậu qua phà Rạch Miễu
Qua lẽo đẽo theo sau
Tiền Giang sông Cửu rộng
Cứ xem mình của nhau

Áo bậu đỏ cánh kiến
Da bậu vàng phù sa
Mắt bậu xanh nước biển
Tim bậu hồng lòng qua

Phà băng nghiêng sóng vội
Rạo rực hồn mênh mông
Mắt bậu buồn quá đỗi
Thương đời cù lao Rồng ?

Nhớ ai ngó Cồn Phụng ?
Phải lòng ông đạo Dừa
Hay tương tư ống khói
Tàu Nhật chìm năm xưa

Bậu sang phà Rạch Miễu
Ngoay ngoảy về Bến Tre
Qua quyết lòng ở rể
Năn nỉ hoài không nghe

Hổng nghe mà ngoái lại
Hỏi ai cầm đậu lòng
Ngớ ngẩn qua chợ Giữa
Cầu Chẹt Săy, Mỹ Lồng

Bậu về Lương Hòa hả
Hay Lương Qưới, Giồng Trôm ?
Guốc quau rụng tiếng lá
Thoang thoảng mùi hương bần

Bậu về miệt Hương điểm?
Hay Sơn Đốc, Giồng Tre?
Ba Tri nồng muối ngấm
Biển hát đất nằm nghe

Bậu sang phà Rạch Miễu
Bậu qua bắc Hàm Luông
Về Cái Mơn, Thạch Phú
Rừng lá ngút ngàn buồn

Qua đi đi theo bậu
Hát nho nhỏ trong lòng
Thơm thơm mùi măng cụt
Mùi sầu riêng, chôm chôm

Bậu ơi trời dẫu rộng
Nhưng đâu bằng nhớ mong
Sông rạch như gân máu
Man man nỗi mặn nồng

Dùng dằng chi nữa bậu
Tay nắng nắm tay hồng
Mắc cỡ chi giả bộ
Chạm nhẹ hồn vai gần

Tranh vẽ : Phải Lòng Con Gái Bến Tre.

Bậu sang phà Rạch Miễu
Về Càu Móng Tân Hương
Bóng dừa vươn áo mỏng
Đọng xanh chùm yêu thương

Qua theo vào Bình Đại
Qua theo bậu đến cùng
Ghe bầu, xuồng ba lá
Quanh quẩn nẻo thủy chung

Qua theo vào Sóc Sải
Hôn ô rô cóc kèn
Bẻ gai chích máu vẽ
Nụ thơ tình sáng trăng

Thơ thơm thơm mùi nhớ
Mùi khép nép làm duyên
Mùi hơi Nguyễn đình Chiểu
Mùi tình Lục Vân Tiên

Bậu sang phà Rạch Miễu
Về thăm trường Nam Phương
Lắc lư xe thổ mộ
Ớ sao mà dễ thương

Ví dù không ống kính
Tài danh Lê Quang Xuân
Lòng qua thay dương bản
Lộng lẫy nét thân thương

Ví dù bút không bén
Như Nguyễn Thị Ngọc Nhung
Như Phan Thị Trọng Tuyến
Cũng thắm thiết thơm lừng

Qua thương thương bậu quá
Buổi sáng chờ buổi trưa
Buổi chiều đợi buổi tối
Ngày tháng không nhốt vừa

Bậu sang phà Rạch Miễu
Mây nghiêng theo ngập ngừng
Huống chi qua thi sĩ
Không quắn quíu phát khùng

Hờn giận cù lao Ốc
Cáu tức cầu Ba Lai
Hồn theo đuôi hứng bóng
Cớ sao cà lăm hoài ?

Ước chi đôi thần ngỗng
Quậy lòng sông Bến Tre
Cho bậu giật mình sợ
Qua kề vai bao che

Bậu ơi tin qua chớ
Lắng lòng nghe qua thề
Trước thần Phan Thanh Giản
Nếu như mà u mê

Bậu sang phà Rạch Miễu
Tìm ông già Ba Tri
Làm mai cho nhau hả
Đời đẹp, đẹp quá đi

Lòng em phơi dưới nắng
Lòng qua bén gót chân
Lòng qua nương hạt bụi
Được thở được bâng khuâng

Bớ chàng Ngô Nguyên Dũng
Bớ nàng Cao Bình Minh
Ta qua phà Rạch Miễu
Lênh đênh theo giọt tình

Mách giùm ta, quẹo trái?
Quẹo phải? hay thẳng luôn
Giữa lòng ngã ba Tháp
Chân vấp hồn nhớ thương

Bậu ơi đừng khó đễ
Yêu thật hay giả vờ
Coi chừng qua bén rễ
Sang phần đất Mỹ Tho

Dọa chơi cho vui vậy
Thưa cô em Lương Hòa
Gái vườn dừa hết xẩy
Qua cũng nòi tài hoa

Cứng đôi lấy nhau trớt
Đây bánh tráng Mỹ Lồng
Đây bánh phồng Sơn Đốc
Sính lễ lòng gởi lòng

Ngậm nghe trời đất nhớ
Cá bống kèn kho tiêu
Hòn mênh mang khép mở
Mùi ráng nắng lên chiều

Bậu qua phà Rạch Miễu
Qua Mỏ Cày nhởn nha
Trúc Giang đang chờ đợi
Thôi, chúng ta về nhà

Bến Tre Bến Tre hỡi
Vó nhớ gã thương hồ
Khua dầm loang nắng đục
Lẩn thẩn sầu bán thơ

Thơ bán hoài không hết ?
Nên cà đời phất phơ
Bậu ơi ta lỡ dại?
Hay vinh hiển bây giờ…

Đặc biệt, lời có nhắc đến nhiều địa danh nổi tiếng của Bến Tre. Đáng tiếc là theo thời gian, một số địa danh đã trở thành quá khứ hoài niệm vì nhiều lý do khác nhau. Dù còn tồn tại hay không, những cái tên đất, tên sông, tên cồn, tên chợ… đã trở thành “thương hiệu” tạo nên cốt cách, diện mạo của con người Bến Tre. Ví như địa danh “trường Nam Phương” một trường dạy “Nữ công gia chánh” có từ những năm 1950, nơi có nhiều cô con gái đẹp theo học “công dung ngôn hạnh”. Bài thơ ngoài tình cảm nhắn gửi gái trai, còn nặng trĩu những tâm tư với các nhân vật lừng danh của xứ dừa Nam bộ như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, đặt biệt là nhân vật văn chương Lục Vân Tiên và nhân vật dân gian “ông già Ba Tri” hay “ông Đạo Dừa” in sâu vào tâm khảm người dân xứ dừa. Bài thơ còn nhắc đến những cây trái miền sông nước như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng v.v… cùng với “ghe bầu, xuồng ba lá” làm nên một sắc thái rất riêng và sinh động của một vùng quê hiền hòa, hiếu khách.

Phúc Ben (Trong bài viết có tham khảo nguồn từ trang : vangson.info và vanhocsaigon.com)

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.