Về Ca Khúc ‘Nửa Đêm Ngoài Phố’ Của Nhạc Sĩ Trúc Phương

0 6.043

Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời..

Để rồi làm sao quên?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư những đêm ngủ không yên ..

Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm,
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm…

Tiếc thay hoài công thôi
Phố đã vắng thưa rồi
Biết rằng chẳng duyên thừa
Để người không gặp nữa
Về nối giấc mơ xưa …

Ngày buồn dài lê thê
Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về
Làm rét mướt qua song len vào hồn
Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi…

Đời còn nhiều bâng khuâng
Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này
Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười
Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi…

Không hề xa lạ, “Nửa Đêm Ngoài Phố” là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của cố Nhạc sĩ Trúc Phương mà hầu như giới mộ điệu Nhạc Vàng đều đã từng thưởng thức qua hơn một lần và đem lòng yêu mến.

Bản tính trầm lặng, giản dị, ưa mộng mơ và buồn sâu trong những cuộc tình dang dở đã khiến cố nhạc sĩ Trúc Phương tài hoa có nhiều cái duyên sáng tác rất nhiều nhạc phẩm để đời.

Bài hát diễn tả tâm trạng buồn thường của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã đi sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ thời bấy giờ, đặc biệt là qua tiếng hát liêu trai của nữ Ca sĩ Thanh Thúy mà nhạc sĩ Trúc Phương thương mến gọi là “Cô Tư” (theo cách bà vú già hay gọi ca sĩ Thanh Thúy)

Nhiều đêm nằm nghe radio hát bài này, mình chợt tự hỏi rằng bất kỳ ai đã từng đi qua một cuộc tình chia ly không trọn vẹn, khi nghe nhạc phẩm này trong những đêm trắng, sẽ cảm thấy như thế nào…

”Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm,
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm…”

Vài dòng hồi tưởng lại của nữ danh ca Thanh Thúy về người nhạc sĩ đa cảm này:

“ Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi Anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.

Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điễm Anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự Anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với Anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…

Đến khi nhạc phẫm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra đời, tên tuổi Anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào, tôi cũng được yêu cầu trình bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân Đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này…

Tôi còn nhớ hoài một lần đi lưu diễn ở Đà Lạt. Vừa hát xong phần mình, tôi quay về khách sạn ngay (khách sạn ở gần rạp hát tôi trình diễn). Tại rạp, chẳng bao lâu, vở kịch chấm dứt, khán giả lũ lượt kéo nhau ra về. Đứng trên lan can nhìn xuống đường, tôi đã chứng kiến được cảnh nhiều nhóm người cùng nhau vừa hát, vừa huýt sáo bài “Nửa Đêm Ngoài Phố”. Bỗng dưng tôi đã cảm động và để mặc hai hàng lệ tuôn. Tôi chỉ là một ca sĩ, hát lên nỗi niềm của Anh mà còn xúc động đến như vậy, nói gì đến Anh, người sáng tác, còn xúc động đến dường nào.

Hăng say trước sự thành công vượt bật của “Nửa Đêm Ngoài Phố”, và để đền đáp lại tình thương của thính giả, Anh đã viết thêm một loạt những nhạc phẫm nổi danh khác. Mỗi lần viết xong một bản nhạc mới, Anh đều chạy đến nhà tôi vào sáng sớm, nhất định phải đánh thức tôi dạy cho được để dợt nhạc.

– “Cô Tư, Anh mới có bài này mới, Cô Tư phải dợt bài này với Anh, để hát cho Anh chứ…” (tôi thứ tư trong gia đình, nên được bà vú lúc bấy giờ gọi là Cô Tư – đến tìm tôi, các Anh đều nghe “Cô Tư còn ngủ”, hoặc “Cô Tư đi hát”… nên đã có nhiều Anh bắt chước Bà gọi tôi bằng danh từ này).

Anh là một người nhạc sĩ đầy nghệ sĩ tính, đầy mộng mơ. Nhạc của Anh rất giản dị, thân thiết, và dịu dàng, ngay cả khi Anh trách móc, giận hờn người yêu cũ hoặc thói đời. Hình như Anh chỉ sống với kỷ niệm, sống cho kỷ niệm. Qua bao nhiêu tác phẫm của Anh, lúc nào cũng thấy có kỷ niệm. Anh quý kỷ niệm, Anh gìn giữ kỷ niệm, và rồi trân trọng trao gửi vào lời ca, tiếng nhạc. Chỉ cần đọc tên bản nhạc, người ta đã thấy được điều này: Buồn Trong Kỷ Niệm, Đêm Tâm Sự, Chuyện Chúng Mình, Hình Bóng Cũ…”

Phúc Ben.

 

 

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.