Về Ca Khúc “Nó Và Tôi” Của Song Ngọc Và Vọng Châu

0 27.244

Chắc chắn những người yêu mến giòng Nhạc Vàng không thể không biết đến ca khúc Nó và Tôi, đây là một sự hợp soạn sáng tác của nhạc sĩ Song ngọc và Vọng Châu. Nhạc sỹ Song Ngọc đã được tác giả Vọng Châu cho ý tưởng và cùng ông viết bài này …. Vọng Châu ở đây là một cái tên nghe thật xa lạ, thật tình lúc đầu tôi chỉ biết đến cái tên soạn giả Viễn Châu bên vọng cổ, còn Vọng Châu là ai ? Trong một lần trò chuyện cùng gia đình nhạc sĩ Hoài Linh, chúng tôi đã được gia đình của nhạc sĩ Hoài Linh xác nhận Vọng Châu là một bút danh của nhạc sĩ Hoài Linh. Và hai người đã đồng sáng tác rất nhiều ca khúc như : Một chuyến bay đêm, chiều thương đô thị, thiệp hồng anh viết tên em ….

NS Hoài Linh và Song Ngọc.

Tôi, nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà thương mến
Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về
Ngày tôi gặp nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ
Thấy thương nhau nhiều quá…

Qua những câu hát trên, chúng ta có thể hình dung được hai người trai trẻ xa lạ lần đầu tiên gặp nhau tại trung tâm huấn luyện tân binh Quang Trung. Một người quê ở xa rất ra mà như câu hát là “từ lâu lắm chưa lần về”, những người lính sữa này gặp nhau rất dễ thương nhau vì họ đang cùng đồng cảm trong một hoàn cảnh vừa mới xa nhà, xa người thân để lên đường nhập ngũ.

Ba tháng trong quân trường cam go đã chai tâm hồn lính mới
Nó luôn bảo tôi đừng than oán chi cuộc đời
Vì khi nhịp súng vẫn đêm đêm vang vọng mãi
Tao, mày nào được vui.

Lúc mới gặp nhau, đêm đầu không ngủ được, những người lính trẻ còn bỡ ngỡ, lo lắng “đăm chiêu đêm nhập ngũ”. Nhưng chỉ sau ba tháng thụ huấn tân binh, họ đã như chai cứng, nhận ra lo lắng than oán cũng chỉ bằng thừa, vì chiến cuộc vẫn còn đó, thì làm sao mà “Tao, mày nào được vui”.

Những người lính trẻ tại TTHL Quang Trung.

Hôm chia tay hai đứa cùng bùi ngùi
Ngày mai nó, tôi trên ngưỡng cửa cuộc đời
Dặn nhau gắng vui, dù cho vành môi se khô mấy cũng mỉm cười

Hai năm sau mới có thư về
Nhìn con dấu ghi nơi nắng cháy biên thùy
Người quen cho biết tin.
Bạn tôi thân mến đã liệt oanh ngã xuống khắp đơn vị tiếc thương.

Sau thời gian huấn luyện tân binh, thì cả hai sẽ ra đơn vị mới, có thể anh đi bộ binh, tôi theo “thiên thần mũ đỏ” hay cọp biển oai hùng. Lúc chia tay cả hai cùng bùi ngùi rưng rưng nơi khóe mắt, dặn nhau phải cố gắng, đời nhảy dù chỉ biết cố gắng, trai sinh nhằm thời loạn là phải cố gắng. Hãy cố gắng tìm niềm vui sống và luôn mỉm cười lạc quan nơi chiến địa.

Chinh chiến điêu linh, nên thư từ qua lại đôi chút cũng khó khăn, khi nhận được thư của bạn sau một thời gian rất dài, KBC ngoài bìa thư của một tiểu đoàn thiện chiến ở nơi biên thùy xa xăm miền địa đầu giới tuyến. Trong thư cho hay người bạn mình đã vĩnh viễn nằm xuống đền nợ nước một cách anh dũng, cả đơn vị của bạn vô cùng tiếc thương.

Đôi đứa đôi nơi ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối
Chát cay đầu môi chiều khu chiến mưa sụt sùi
Nhìn trong lòng giấy nét quen xưa nghiêng đổ gãy
Nó đi nhưng còn đấy.

Thật là một điều đau lòng khi người bạn mình đã từ lâu mất tin tức, nay biết tin thì lại là tin bạn mình vắn số và ra đi mãi mãi. Trong một “chiều mưa biên giới” thăm thẳm xa xăm, người lính đang đứng ở vọng gác nhưng không thấy lạnh, chỉ thấy “chát cay đầu môi” khi nghĩ đến người bạn cũ của mình qua bức thư cuối, “nó đi nhưng còn đây”.

Nhìn trong lòng giấy nét quen xưa nghiêng đổ gãy.

Muôn lớp trai đi nghìn sau theo dấu chân đi vào thiên lý
Biết bao người xong nợ xương máu không trở về
Người đi vào tối vẫn lưu danh cho đời mãi
Nó anh hùng ngày mai….

Đã ngàn năm nay, dân tộc ta không bao giờ khuất phục trước các cuộc xâm lăng của ngoại ban, những người trai anh hùng của quê hương vẫn quyết liều thân cho sông núi, một đi không hẹn ngày trở lại. Người dân Việt oai hùng ta đã đánh tan biết bao quân xăm lăng để bảo vệ quê hương thân yêu, chính là nhờ những người con nước Việt dũng cảm đã xung phong lên đường bảo vệ tổ quốc, từng đợt tiến lên không ngại gian nguy. Họ chắc chắn luôn là những anh hùng trong tôi, trong bạn và trong cả chúng ta.

“Niềm thương cảm kính dâng những anh hùng đã ra đi vì quê hương đất mẹ” – Chiến hữu Song Ngọc. 

Phúc Ben.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.