Về Ca Khúc “Người Em Xóm Đạo” Của Nhạc Sĩ Bằng Giang

0 22.977

Ngày xưa tôi có người yêu rất đẹp ở xóm đạo
Những buổi tan trường thường hay tìm nhau
Xây mơ ước ngày sau.

Nhặt cành hoa trắng
Thiết tha tôi cài lên trên áo lụa xinh mầu tím
Say sưa trao nhau kỷ niệm phút giây ban đầu
Tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu.

Một hôm tôi đến tìm em để từ giã lên đường
Gửi lại phố phường chuyện đôi mình thương
Mai xa cách ngàn phương.

Cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa
Qua những vùng xa lạ quá
Quê hương bao la những chiều đóng quân ven rừng
Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa.

Nhưng có ai đâu ngờ một chiều mưa lộng gió
Người em đã ra đi
Không nói lời biệt ly trường xưa giờ vắng bóng
Xóm đạo hết chờ mong.

Ôi xót thương vô bờ giặc về gieo sầu nhớ
Mang theo xác em thơ
Bao ước hẹn ngày xưa
Chuyện vui buồn hai đứa
Giờ còn riêng mình tôi.

Về đây hoa lá cỏ cây cũng buồn theo tháng ngày
Trở lại xóm đạo còn đâu người yêu
Ôi hoang vắng đìu hiu.

Nhặt cành hoa trắng
Xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá
Em ơi em ơi Nhớ hoài nhớ nhau muôn đời
Vì chinh chiến ngược xuôi nên em cách xa tôi rồi

“Người Em Xóm Đạo” là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Bằng Giang. Theo một số tài liệu để lại thì ca khúc này được tác giả cho ra đời vào năm 1970. Và xóm đạo trong bài hát này là xóm đạo nằm ở khu Hố Nai Biên Hòa.

Lời bài hát đơn giản và gần gũi mà chan chứa tình cảm, pha chút chất hùng của nhạc lính mà cũng phảng phất chút bi của quê hương đau khổ. Đó là những mất mát chia ly trong thời binh đao. Mà cụ thể qua bài hát là hình ảnh người lính từ giã người yêu ở một xóm đạo lên đường chinh chiến và đã thành lời giã từ cuối cùng của hai người yêu nhau, bởi lần trở về xóm đạo thì người yêu đã mãi mãi rời xa khi giặc thù gieo lên nỗi đau thương.

Mở đầu bài hát là giây phút hồi nhớ về khoảng trời yêu ngây thơ, trong trắng có anh và em, tình rất đẹp của tuổi học trò, hẹn ước cùng nhau sau những buổi tan trường, cùng xây mơ ước cho ngày sau. “Nhặt cành hoa trắng/ Thiết tha tôi cài lên trên áo lụa xinh mầu tím”, hoa trắng ấy là biểu tượng cho sự tinh khiết, ngây thơ và toàn vẹn, màu hoa dành cho cô dâu ngày cưới. Có lẽ đó là ý nghĩa mà chàng trai muốn bài tỏ và gửi gắm lòng mình đến người con gái khoác trên người màu áo tím của sự thủy chung và gắn bó. Đó là tình yêu đẹp của thuở ban đầu, cho nhau bao kỷ niệm, cho nhau lời mong ước “Tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu”.

Nhưng rồi tình đẹp đành dang dở, phải xa cách ngàn phương khi anh giờ đây “Cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa”, từ giã người yêu, gửi lại chuyện yêu đương nơi xóm đạo thân thương, những bước chân hành quân qua những vùng quê xa hay nơi núi rừng “Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa”.

Bìa nhạc Người Em Xóm Đạo trước 1975.

Để rồi lời giã từ ấy của người lính đã thành lời từ biệt mãi mãi khi người yêu đã ra đi khi “giặc về gieo sầu”. Người nghe có thể cảm nhận được sự xót xa, đau thương cho người con gái, cho tình yêu đẹp của hai người đã mãi ngăn cách nhau. Vì từ nay đã không còn người em gái “Xóm đạo hết mong chờ” người yêu là lính nơi chinh chiến ngày trở về. Và đâu đó ta thấy được cảnh tang tóc, buồn thảm đã bao chùm xuống nơi xóm đạo yên bình ngày nào mà giặc ác đã gây ra, một người con gái, một tình yêu đẹp với bao ước hẹn “Giờ còn riêng mình tôi”, người lính trận cô đơn ngày về.

“Nhặt cành hoa trắng/ Xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá …”. Cũng cành hoa trắng ấy của tình yêu thuở ban đầu với bao điều tươi đẹp mong muốn trao gửi cho nhau, nhưng nay lại thành màu hoa trắng của tiễn biệt người yêu trên nấm mộ xanh. Vẫn tình yêu ấy, nguyên vẹn như thuở nào trao cho người yêu xóm đạo cành hoa trắng ngày nào, vì chinh chiến mà em cách xa tôi nhưng “Em ơi, em ơi! Nhớ hoài nhớ nhau muôn đời”.

Lưu Hương.

Tranh vẽ Người Em Xóm Đạo của Nhạc Vàng.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.