Về Ca Khúc “Ngựa Phi Đường Xa (Kỵ Binh Việt Nam)” Của Lê Yên Và Phạm Đình Chương

1 6.739

Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Tiến lên đường cát trắng trắng xoá
Tiến lên đường nắng chói loá lóa
Cánh đồng lúa in sắc chân trời mây mây xanh lam

Ngựa phi ngoài xa thật mau
Lúc nguy nàn ta yêu thương nhau
Giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu
Nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào.

Kìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ
Sát bên dòng suối chảy lừ đừ
Cờ tung gió bay đùa bay phất phới.

Kìm từ từ rừng trầm gió ngàn vù vù
Vó câu dồn cát bụi mịt mù
Đường xa tấp vui bầy chim đón chờ.

Ngựa phi trên lưng ngựa hung hăng
Trên cánh đồng mênh mông
Cất tiếng lên chúng ta cười vang.

Ngựa phi trên lưng ngựa phi mau
Trong sương mờ đêm thâu
Lao mình trong nắng mưa giãi dầu.

Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Ngựa phi đường xa …
(*Lời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương)

Ông Lê Yên sáng tác bài này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và ông lấy tựa lúc đầu là Kỵ Binh Việt Nam, thời đó còn sử dụng ngựa rất nhiều trong hành quân cũng như vận tải vũ khí đạn dược ….

Sau năm 1954, theo một số tài liệu thì ca khúc này bị cấm ở Miền Bắc, lúc đó nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam và có sửa lời ca khúc này lại, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt lại tựa là Ngựa Phi Đường Xa và được ban Thăng Long trình diễn rất thành công. Tuy nhiên trên sheet nhạc vẫn để dòng “Trích ở nguyên tác : ‘Kỵ Binh V.N.’ Của Lê Yên – Phạm Đình Chương tu soạn”

Tuy có viết lại lời nhưng NS Phạm Đình Chương vẫn để nguyên tác là Kỵ Binh VN của Lê Yên

Còn dưới này là lời trước 1954 của NS Lê Yên :

Ngựa phi ngựa phi đường xa
Tiến trên đường cát trắng trắng xóa
Tiến trên đường nắng chói chói lóa
Cánh đồng lúa in sát chân trời mây mây xanh lam

Ngựa phi ngựa phi vượt lên
Tiến lên đường chiến đấu cố gắng
Hát lên lời “Quyết chiến-Quyết thắng”
Dành cơm áo xây đắp cho tự do vững bền

Ghìm từ từ ngọn đồi dốc chiều từ từ
Suối chân đèo nước chảy lừ lừ
Cờ tung gió bay vượt lên phất phới.

Đồi chập trùng sườn đồi vó ngựa ngập ngừng
Tiến trên đường thoáng rộng tưng bừng
Đàn chim trắng đang tự do vẫy vùng

Đèo cao ta mau vượt phăng phăng
Qua núi rừng băng tới có xá chi suối sâu đèo cao
Giật cương ta cho ngựa ta phi ta cho ngựa ta lao
Lao mình trong nắng mưa dãi dầu.

Giật cương nào phi thật mau
Quyết phen này chí khí chiến đấu
Thắng quân thù cố chấp khát máu
Đền nợ nước xây đắp cho ngày mai thêm vinh quang.

Vượt lên đi, vượt gian lao
Vượt lên đập tan mọi mưu mô
Vượt gian lao vượt lên đi
Dựng xây hòa bình ngàn muôn năm

Rất may mắn là chúng tôi còn kiếm được 1 bản thu năm 1954.

“. . . Trải qua hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” vẫn căng đầy sức sống trong lòng người Việt ở mọi nơi.

Với tiết tấu nhanh và giản dị của nhịp 2/2, ca khúc này được viết ở âm thể Fa Trưởng, một dạng âm thể phổ biến, vẫn thể hiện được tiếng vó ngựa phi dứt khoát và oai hùng. Ca từ bình dị nhưng vẫn sâu sắc, đầy hình tượng và có vần điệu như thơ. . .” Mở đầu:

“Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Tiến lên đường cát trắng trắng xoá
Tiến lên đường nắng chói loá lóa
Cánh đồng lúa in sắc chân trời mây, mây xanh lam”

Những hình ảnh rất quen thuộc và bình thường: cát trắng, nắng chói, đồng lúa, nhưng vẫn có gì đó “độc đáo” khiến người ta hình dung bóng ngựa lao nhanh đi xa… Từ những hình ảnh quen thuộc đó, tác giả dẫn đưa người nghe vào một thế giới khác thuộc tinh thần:

“Ngựa phi ngoài xa thật mau
Lúc nguy nàn ta yêu thương nhau
Giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu
Nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào.”

Hình ảnh Việt Nam nổi lên khi tác giả dùng cụm từ “giống Tiên Rồng”. Dân Việt được mệnh danh là con của Rồng, cháu của Tiên, dù gian khó nhưng luôn hăng say và nỗ lực phấn đấu vì Nước Việt mến yêu …. Điều khiển ngựa không phải là dễ, phải luyện tập phi ngựa, phải có nghệ thuật và phải khéo léo cầm cương mới khả dĩ điều khiển ngựa theo ý mình, nhất là đối với những con ngựa chứng. Giai điệu đoạn nhạc này trầm xuống, thể hiện sự chú ý và nỗ lực của nài ngựa:

Kìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ
Sát bên dòng suối chảy lừ đừ
Cờ tung gió bay đùa bay phất phới.

Kìm từ từ rừng trầm gió ngàn vù vù
Vó câu dồn cát bụi mịt mù
Đường xa tấp vui bầy chim đón chờ.”

Cả một cánh đồng mênh mông hiện ra như một bức họa, một kiệt tác: Ngựa phi khiến cát bụi mịt mù dọc theo dòng suối chảy êm đềm, trong khi gió vi vu lay ngàn cây xanh lá. Một bức họa đồng quê rất trữ tình và thơ mộng, đậm nét quê hương!

Đoạn tiếp theo có giai điệu cao như lúc ngựa hí vang và chồm lên, rồi phi nước đại:

Ngựa phi trên lưng ngựa hung hăng
Trên cánh đồng mênh mông
Cất tiếng lên chúng ta cười vang.

Ngựa phi trên lưng ngựa phi mau
Trong sương mờ đêm thâu
Lao mình trong nắng mưa giãi dầu.”

Ngựa vẫn dai sức phi ở mọi nơi, trong mọi thời tiết, dù ngày hoặc đêm, bất kể không gian và thời gian. Sức ngựa bền bỉ như vậy phải là ngựa giỏi lắm. Và nài ngựa cũng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.

Câu kết lặp đi lặp lại 4 chữ “ngựa phi đường xa” diễn tả vó ngựa tiến xa dần: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi đường xa”. Ngựa cứ phi nhanh, phi xa,… không hề biết mệt mỏi. Mỗi chúng ta cũng như ngựa vẫn hí vang và chồm lên để vượt qua mọi nghịch cảnh.

Thái Salem Tổng  Hợp (* Có mượn một phần bài viết của tác giả Trầm Thiên Thu đăng trên ThanhLinh.net)

1 bình luận
  1. […] hát cổ động thể thao viết lời mới theo giai điệu trích từ “Ngựa phi đường xa” (Kị binh Việt Nam) của nhạc sĩ Lê Yên và Phạm Đ…. Ca từ do Thiện Duyên soạn lời theo nguyên tắc bài hát hợp xướng có xét tới […]

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.