Về Ca Khúc “Đường Xưa Lối Cũ” Của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ

0 15.929

Trong thập niên 1940, làng âm nhạc Việt Nam thời kỳ ấy, đề tài “Ra đi” và “Trở về”, được các nhạc sĩ tập trung khai thác rất nhiều, luôn là đề tài tạo nên nhiều cảm xúc cho người viết lẫn người nghe. Đó là thời gian mà những cuộc ra đi và trở về nhuốm nhiều đau thương, nhiều nước mắt nhất do tình hình thế sự của đất nước có nhiều biến động.

Riêng khía cạnh “Trở về” hay “Tìm về” trong âm nhạc giai đoạn của thập niên 1940, 1950, người ta ghi nhận được khá nhiều những ca khúc mà tới hôm nay, dù khói lửa đã nguôi, tàn tro đã lắng, nhưng mỗi khi nghe lại các ca khúc ấy, những tâm hồn nhạy cảm vẫn không khỏi bồi hồi, ngậm ngùi tựa một lần thêm chứng kiến, sống lại với xiết bao thương đau cũ.

Những ca khúc mà tự nhan đề đã nói lên tất cả, nói hết nội dung tác phẩm như: Ngày Về của Hoàng Giác ngỡ ngàng vì bạn cũ, vì đường tơ đã siêu lạc chân trời khác, bài hát dù đau thương nhưng tìm về đầy chất lãng mạn; Trở Về của Châu Kỳ lại ít nhiều mang tính tự sự, tha thiết, ngỡ ngàng, đau đớn mang tâm cảnh của một người đi tìm một người, chính xác hơn thì đó là cuộc trở về với hy vọng tái ngộ một tình yêu dang dở; còn với Phạm Duy là thi ca hóa với đặc tả anh thương binh trong Ngày Trở Về; và dĩ nhiên không thể không nhớ đến nhạc phẩm Đường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ.

Với Hoàng Thi Thơ trong nhạc phẩm này, ông trở về để tìm mẹ, tìm em gái. Mà sự trở về này như là một chuyện kể, một hồi ký được viết bằng âm nhạc.

Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.
Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.
Đường xưa lối cũ có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài.
Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai.

Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng.
Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng.
Đường xưa lối cũ có mẹ tôi run run trong hôn hoàng.
Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi lom khom đi tìm con.

Khi tôi về, bồi hồi trong nắng.
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về.
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn.
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng.

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng.
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về.
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời.
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi.
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi.
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi.
Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi.

Chính vì tính “chuyện kể”, “hồi ký” mà nhạc phẩm Đường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ cho tới hôm nay vẫn là những lời nói thay cho tình cảm của nhiều gia đình Việt Nam. Với nét nhạc tha thiết và sự nối tiếc như một hồi kỳ, một câu chuyện kể về chính cuộc đời của người nhạc sĩ, nhưng lại là tiếng lòng của bao người cùng chung số phận, cùng chung tình cảnh ấy.

Đường Xưa Lối Cũ là dòng cảm xúc của người con Hoàng Thi Thơ sau bao năm xa quê, được trở về đứng trên mảnh đất nơi mình sinh ra, nơi có mẹ già và có những người thân yêu. Lòng mừng vui cho ngày trở về, vẫn là trên con đường xưa lối cũ ấy, mọi thứ vẫn in như ngày nào, nhưng mẹ già nay còn đâu, đứa em gái nhỏ nay cũng sang ngang không còn nơi đây. Cảm giác bơ vơ khi tất mọi thứ vẫn còn đây nhưng người thân yêu sao không thấy. Có lẽ đó là nguồn xúc cảm để người nhạc sĩ viết thành nốt nhạc để nói thay cho tiếng lòng mình.

Với lời đề: Viết kính dâng mẹ và tặng em, trong bản phát hành lần đầu năm 1958. Cho ta thấy, tình cảm của một người con dành cho mẹ, một người anh dành cho đứa em gái vô cùng da diết.

Khi tôi về, bồi hồi trong nắng.
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về.
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn.
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng.

Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về.

Nhiều người đã nhằm tưởng với mạch cảm xúc này, cụ thể là “người em sang ngang khi xuân chưa tàn” là ông đang viết về một người con gái tình xưa chốn cũ. Nhưng không, bài hát không hề chứa đựng một chút nào gọi là tình yêu trai gái, mà đó là tình cảm của một người anh trai khi đứng trên đường xa lối cũ để tìm người em gái ruột thân yêu của mình. Còn đây, sự nức nở, nghẹn ngào của một người con khi ra đi và trở về, nhưng không một lần nào nữa được gặp lại người mẹ thân yêu của mình :

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng.
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về.
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời.
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.

Với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, đã xa quê tận 40 năm, từ chuyến hành hương về làng vào năm 1954, cho mãi đến năm 1993 nhạc sĩ mới có cơ hội trở về thăm quê nhà một lần nữa. Ông về làng Bích Khê, đứng trên đất cũ của nhà thờ họ, nhà thờ chi, mà ông đã khóc ròng. Sau chinh chiến với bao đau thương, người mẹ già đã qua đời, người em gái đã sang ngang, người nhạc sĩ ấy đã ít nhất một lần rơi lệ. Từ những giọt nước mắt, mỗi giọt rơi xuống thành một nốt nhạc xôn xao, nghẹn ngào mà nức nở. Và đó đã làm nên một giai điệu, một ca khúc vượt thời gian gắn liền với tên tuổi của Hoàng Thi Thơ.

Mỹ Hương.

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.