Về Ca Khúc “Bông Bí Vàng” Của Nhạc Sĩ Bắc Sơn

0 2.824

Bông bí vàng ngoài giàn
Công em trồng anh không hái
Trời sa mưa bông kết trái
Từ đó buồn, em buồn …..

Trời mưa ! trên khóm mía lau
Trời rụng giọt mưa, xao xuyến xuyến xao
Nhà anh, giậu đổ bìm leo,
Mà nhà em mẹ cha rào mấy lượt rào.

Hỏi chớ con đường mòn nào, mà hai đứa để gặp nhau
Xui nên ta làm việc nhiều
Kiếm đồng tiền dành mua sắm trầu cau

Trâu cày ruộng gò, trâu thở liền vo
Con trâu ơi thương dùm
Cuộc tình họ đang cần có đôi bạn làm ăn

Bây giờ trầu xanh vườn trầu, cau trổ quày cau
Mà mẹ cha không ngó xuống!
Gió thổi năm non mà mẹ cha chưa mát trong lòng
Hái bông bí em trồng anh đem luộc cầu xin.

Bây giờ trời mưa ngập ruộng, thương muộn còn thương
Cuộc tình duyên trôi theo dòng nước
Bí trổ bông thơm một giàn bông không muốn hái bông nào
Nhớ thương nửa cuộc tình sao nghe ruột quặn đau

Nhạc sĩ Bắc Sơn (1931 – 2005), tên thật là Trương Văn Khuê, ông được sinh ra và lớn lên tại Long Thành, Đồng Nai. Ông được coi là nhạc sĩ của quê hương. Trong sự nghiệp sáng tác của ông để lại hơn 500 tác phẩm mang âm thưởng dân ca Nam Bộ. Ông từng nói: “Tôi thích viết bài hát mang âm hưởng dân ca miền Nam bởi tôi là dân Nam Bộ. Thể loại này lạ lắm: tân không ra tân, cổ không ra cổ”. Ca từ và giai điệu trong các tác phẩm của nhạc sĩ Bắc Sơn luôn gần gũi, hiền hậu và đầy nghĩa tình như tính cách của tác giả, để những người Việt dẫu xa xứ hay đang sống trên quê hương mình càng thấm thía hơn tình người, tình quê giản dị ấy.

Trong các bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ đó của ông, có lẽ người yêu nhạc đã rất ấn tượng với ca khúc “Bông Bí Vàng”. Đó là khúc ca cho những mối tình dở dang nơi chốn miệt vườn. Với giai điệu vô cùng tha thiết và lời bài hát mang lại niềm thương cảm của người nghe cho cuộc tình bị ngăn cách. Tác giả mượn hình ảnh của bông bí vàng, một loại bông vô cùng dung dị, lại thân thuộc và gắng bó với người dân quê, để nói về mối tình của một đôi trai gái dù yêu nhau thắm thiết nhưng lại không được gia đình hai bên chấp thuận.

Mở đầu bài hát như là một lời tâm tư thầm kín từ sâu trong tâm hồn đang buồn và đau lòng của một người con gái. Đó cũng là một lời trách móc sâu xa không biết là có mấy ai thấu hiểu cho lòng này. Cô gái nhìn những giọt “sa mưa” giông ngoài đồng, nhìn “rào mấy lượt rào” mà cha mẹ đã ngăn cách rồi thấy buồn tủi cho tình duyên của mình.

Vào cái thời mà bất di bất dịch với quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, con cái không có quyền chống đối hay cưỡng lại lời của cha mẹ, chỉ có bổn phận vâng lời mà làm theo, nhất là đối với người con gái lại càng cay nghiệt. Thì có hàng trăm ngàn lý do để mà cả hai bên gia đình không chấp nhận mối lương duyên, không để họ đến được với nhau khi “nhà anh dậu đổ bìm leo, mà nhà em mẹ cha rào mấy lượt rào, hỏi chớ con đường mòn nào, mà hai đứa để gặp nhau”.

Để rồi đôi trai gái ấy không biết làm gì hơn ngoài việc cố gắng làm việc, họ làm rất nhiều cho vui lòng cha mẹ “trâu cày ruộng gò”, đôi trâu kia ơi, dù có cực nhọc đến mấy thì xin hãy thương giùm hai đứa tôi, dù có phải cày trên ruộng gò thô cứng đến mức phải “thở liền vo” thì hãy cùng nhau cố gắng. Cố gắng để “kiếm đồng tiền dành mua sắm trầu cau” để hai người có thể tự lo liệu cho tương lai của mình.

Có nào ngờ, dù thành quả của cố gắng khi “bây giờ trầu xanh vườn trầu, cau trổ quày cau”, nhưng cũng không thành vì mẹ cha đâu ai chịu “ngó xuống” để nhìn và thấu hiểu mà thương cảm cho con. Một cái vòng lẩn quẩn khó mà thay đổi được những định kiến xã hội đã kéo dài từ này qua đời khác. Ông bà áp đặt cha mẹ, đến cha mẹ áp đặt lên con cái, cứ như thế tiếp diễn, mà không một ai dám đứng lên đấu tranh, vượt ra ngoài cái chuẩn mực, quy củ từ thời xa xưa nào đó chẳng ai hay biết, để đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Những rào cản đó không chỉ ngăn cách tình cảm của nhiều đôi lứa, mà dường như cũng ngăn cách sự gần gũi và thấu hiểu giữa cha mẹ và cón cái, điều đó cần được loại bỏ.

Với đoạn cuối bài hát, thời gian trôi qua, những cơn mưa giông của cuộc đời đã cuốn đi “cuộc tình duyên trôi theo dòng nước”, mối duyên tình đành dang dở. Nay thì “Bí trổ bông thơm một giàn”, nhưng người con gái ấy vẫn một lòng “nhớ thương nửa cuộc tình” không trọn vẹn ấy, nên cô gái vẫn luyến tiếc mà “không muốn hái bông nào”, đến mức “nghe ruột quặn đau” trong niềm thương nhớ mối tình xưa.

Hương Giang.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.