“Tha La Xóm Đạo” Và Nhà Thơ Vũ Anh Khanh

1 31.982

Vào giữa thập niên 60 thịnh hành thể loại nhạc phổ thơ hoặc nhạc kể chuyện như: Đồi Thông Hai Mộ, Màu Tím Hoa Sim, Hai Sắc Màu Ti Gôn v.v… thật thiếu sót nếu không nhắc đến 2 bài hát Tha La Xóm Đạo và Hận Tha La được phổ từ bài thơ Tha La xóm đạo của tác giả Vũ Anh Khanh, bà thơ này được ông lấy cảm hứng từ câu chuyện thực thời bấy giờ. Ông sinh tại Mũi Né trước thuộc quận Hải Long, nay thuộc Phan Thiết, Bình Thuận. Trước năm 1945, ông vào ở Sài Gòn và làm báo, viết văn. Là một cây bút chuyên viết thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Những tác phẩm của ông phần lớn được in trong năm 1949 tại Sài Gòn, với số lượng phát hành lớn, bên cạnh đó ông còn sáng tác thơ, nổi bật có bài Chiến sĩ hành, Tha La xóm đạo… Năm 1956 ông từ Quảng Trị trốn vào Nam, khi đang bơi giữa dòng Bến Hải, Hiền Lương thì bị bộ đội Miền Bắc phát hiện và thủ tiêu.

Nhà thơ Vũ Anh Khanh.

Vào năm 1950 Vũ Anh Khanh là viễn khách lạc bước đến Tha La sau ngày trở về ông liền viết bài thơ “Tha La xóm đạo” gồm có 92 câu. Bằng lời thơ dung dị và truyền cảm của mình ông đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện buồn về xóm đạo Tha La trong thời khói lửa. Nhịp thơ nhẹ nhàng như lời tâm tình, đã làm rung động biết bao tâm hồn con người, từ đó nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc từ thơ ông và lấy ý tưởng từ đây mà sáng tác biết bao ca khúc vang danh như: Năm 1964 nhạc sĩ Dzũng Chinh là người đầu tiên phổ nhạc cho “Tha La xóm đạo”, sau đó một năm, nhạc sĩ Sơn Thảo phổ thành bài hát mang tên “Hận Tha La”, và cũng trong năm này nhạc sĩ Anh Tuyền phổ thành ca khúc mang tên “Vĩnh Biệt Tha La”. Ngoài ra, soạn giả cải lương Viễn Châu cũng đã viết ca khúc tân cổ giao duyên “Tha La xóm đạo”. Xin giới thiệu đến quý vị bài thơ :

Đây Tha La xóm đạo,
Có trái ngọt, cây lành.
Tôi về thăm một dạo,
Giữa mùa nắng vàng hanh,
Ngậm ngùi, Tha La bảo:

– Đây rừng xanh, rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.

Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng

Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng.
Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!

Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?
Ai đưa đón?
Xin thưa, tôi lạc bước!

Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.

Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
Tha La hỏi: – Khách buồn nơi đây vắng?
– Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!

– Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.
Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!

Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã ch.ết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa.

Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.

Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch.
Gặp cụ già đang ngắm gió bâng khuâng
Đang đón mây xa… Khách bỗng ngại ngần:
– Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?

Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng: “Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!

Người nước Việt ra đi vì nước Việt
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi, đau đất nước lầm than”.

Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
Ngày hiu quạnh. ờ… Ơ… Hơ … Tiếng hát,
Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:

Tha La hận quốc thù, Tha La buồn tiếng kiếm.
Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh
ờ… Ơ… Hơ… Có một đám Chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy:

– Lạy đức Thánh Cha!
Lạy đức Thánh Mẹ!
Lạy đức Thánh Thần
Chúng con xin về cõi tục để làm dân…

Rồi… cởi trả áo tu,
Rồi… xếp kinh cầu nguyện
Rồi… nhẹ bước trở về trần…
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!

Người hãy ngừng chân,
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ đám mây tang,

Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi cho bẽ bàng!
ờ… Ơ… Hơ…ờ… ơ Hơ… Tiếng hát;

Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!

Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay…
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:

– Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tha La dâng ngàn hoa gạo

Và suối mát rừng xanh
Xem đám Chiên hiền thương áo trắng
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh…

Xóm đạo Tha La nằm tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Xóm đạo này được thành lập vào khoảng năm 1863 nhờ sự cho phép và khuyến khích của người Pháp. Được biết vào cuối thời Minh Mạng có một nhóm giáo dân độ hơn trăm người được cha Cosimo Trí dìu dắt, chạy nạn tới Tha La, khai hoang và lập nên một xóm đạo ven rừng, tại đây họ xây dựng cuộc sống bình yên có trái ngọt, cây lành, đồng thời cố gắng bảo tồn gốc đạo và niềm tin. Khắp vùng xã An Hoà xưa hầu như đều có dấu chân của họ, thắp sáng cả một rừng lá âm u giữa rừng bằng ngọn đuốc của niềm tin và ý chí và vẽ nên một bức tranh thơ mộng.

Sau năm 1863, khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Nam Nam kỳ việc truyền đạo Chúa được càng được khuyến khích và giúp đỡ. Giáo dân Tha La đông hơn và họ đạo Tha La được chính thức thành lập, trực thuộc Toà Thánh La Mã ngày càng phát triển mạnh mẽ và vững vàng. Tuy nhiên “Người nước Việt ra đi vì nước Việt” họ là những con Chiên của chúa “Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy” “Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy” Con chiên đó sẽ không bị ai bắt nạt. Con chiên đó rất hiền. Nhưng Chiên đó chỉ hiền với Chúa chứ không hiền với Ma, hiền với cái đúng chứ không hiền với cái sai. Chiên đó nghe và làm theo lời Chúa, chứ không nghe và làm theo lời Thế gian. Chiên đó tỉnh táo không mê muội “Tha La vắng vì Tha La đã biết” “Thương giống nòi, đau đất nước lầm than”. Thanh niên Tha La tham gia kháng chiến ở đất Nam Kỳ bởi vì “Tha La hận quốc thù, Tha La buồn tiếng kiếm” dù với họ người pháp có ơn truyền giáo nhưng họ chỉ làm theo lời và tiếng gọi của quê hương mình, rõ ràng và dứt khoát không nhập nhằng giữa tình cảm và lý trí “xếp kinh cầu nguyện” “Rồi… nhẹ bước trở về trần…  đặt tình yêu tổ quốc lên trên hết.

Với ý thơ mãnh liệt mà lời thơ nồng nàn và nhịp thơ nhẹ nhàng, gần gũi làm cho hồn thơ dễ đi vào lòng người. Không những thế ta còn có dịp nhìn quang cảnh thiên nhiên đẹp dịu dàng ngất ngây “đây mênh mông xóm đạo với rừng già” một địa danh đẹp, một xóm đạo được tổ chức tốt, nhà cửa khang trang, thánh đường cổ kính nguy nga. Trải qua bao năm tháng khói lửa, chiến cuộc tàn phá, nhà thờ đã được trùng tu lại với lối kiến trúc đơn giản, không mang nặng nét cổ điển của Tây phương, lại được bao bọc xung quanh bằng những tàn cây cổ thụ bóng mát, làm gợi nên hình ảnh man mác như một bức tranh buồn làm cho viễn khách phương xa u hoài và tưởng nhớ một thời đã qua. Tha La hẹn rằng “Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!” chờ ngày yên bình hãy đến đây, khi những thanh niên ngày nào ra đi vì chí hùng trở về họ sẽ xây dựng lại mãnh đất yêu thương để dâng cho lữ khách “Có trái ngọt cây lành” “Tha La dâng ngàn hoa gạo” “Và suối mát rừng xanh” những con Chiên ngày nào rũ áo ra đi lại mang áo trắng xưa cấp sách đến trường và phát triển tri thức trở lại “Xem đám Chiên hiền thương áo trắng” “Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh…” Tha La vẫn muôn đời hiền hòa với giống nồi và đẹp trong lòng lữ khách, luôn ngạo nghể và hiên ngang.

Phạm Tứ

Nhà thờ Tha La ngày nay, ảnh của Lê Anh Khoa.
1 bình luận
  1. Nguyên Lê Nhân Quyền nói

    THA LA XÓM ĐẠO, VŨ ANH KHANH ƠI !

    Dọc theo dòng Bến Hải
    Phía bắc cầu Hiền Lương
    Tôi đi lẩn khuất
    Vũ Anh Khanh ơi!
    Giọt máu nào
    Trái tim Anh năm xưa
    Hóa thành viên hồng ngọc
    Dưới đáy nước cô đơn
    Cho tôi nhìn thấy
    Từ khi Cộng sản hạ sát Anh
    Đâu chỉ có ‘Nửa Bồ Xương Khô’
    Sọ người gom lại
    Cả đồi cả núi
    Máu nước mắt
    Như triều sông
    Dâng lên
    Dâng lên
    Dâng lên không ngớt.

    Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
    Kính chuyển quý bạn hữu, quý bạn đọc, quý diễn đàn :
    Youtube mới
    NGƯỜI SỐNG SÓT TRỞ VỀ ,
    Ca khúc NGUYỄN VĂN THÀNH – DÂN CHỦ CA – Trình bày AN MINH
    Phổ từ bài thơ ‘’ KẺ SỐNG SÓT ‘’ của NGUYÊN HOÀNG BẢO VIỆT
    ******************************************************************************************************************************
    Người Sống Sót Trở Về – Nguyên Hoàng Bảo Việt – Nguyễn Văn Thành – An Minh
    KẺ SỐNG SÓT Đêm đã xuống Trên đường trốn về Nam Tìm sao để định hướng Con chim Việt còn nhớ cành. Sau lưng tôi Bạn bè ở lại Giữa trại tù tập trung Nào ai biết Dù màn sắt hay màn tre Ngục hình của Cộng sản Ngàn lần hơn Lao Bảo Trăm lần hơn Côn Nôn Luật rừng …

    https://www.youtube.com/watch?v=M2elFD_M-Bg

    Người Sống Sót Trở Về
    Danchuca phổ từ bài thơ “Kẻ Sống Sót” của Nguyên Hoàng Bảo Việt.

    KẺ SỐNG SÓT

    Đêm đã xuống
    Trên đường trốn về Nam
    Tìm sao để định hướng
    Con chim Việt còn nhớ cành.

    Sau lưng tôi
    Bạn bè ở lại
    Giữa trại tù tập trung
    Nào ai biết
    Dù màn sắt hay màn tre
    Ngục hình của Cộng sản
    Ngàn lần hơn Lao Bảo
    Trăm lần hơn Côn Nôn
    Luật rừng thời trung cổ
    Khổ sai và tẩy não
    Chung thân
    Chết đói và tuyệt vọng
    Muôn năm
    Xích xiềng và liềm búa
    Khua vang
    Khua vang
    Khua vang trong trí nhớ.

    Mỗi hột cơm khô
    Là một giọt máu
    Anh em đã nhịn ăn
    Cho tôi mang theo
    Và nguyện cầu
    Cho tôi được sống
    Tự do
    Cho tôi được hát
    Tình ca
    Cho tôi được viết
    Bài thơ
    Gởi đi thế giới
    Nhân danh anh em.

    Rùa thần nào đã nâng đỡ
    Lúc tôi bơi qua Lô Giang
    Sao không nghe nữa
    Những tiếng hò khoan
    Những mái chèo trăng
    Đôi bờ im vắng
    Sương khuya
    Núi rừng Việt Bắc hoang vu
    Bâng khuâng nhìn tôi đi
    Trốn về Nam.

    Dọc theo dòng Bến Hải
    Phía bắc cầu Hiền Lương
    Tôi đi lẩn khuất
    Vũ Anh Khanh ơi!
    Giọt máu nào
    Trái tim Anh năm xưa
    Hóa thành viên hồng ngọc
    Dưới đáy nước cô đơn
    Cho tôi nhìn thấy
    Từ khi Cộng sản hạ sát Anh
    Đâu chỉ có ‘Nửa Bồ Xương Khô’
    Sọ người gom lại
    Cả đồi cả núi
    Máu nước mắt
    Như triều sông
    Dâng lên
    Dâng lên
    Dâng lên không ngớt.

    Tôi vẫn đi trong bóng tối
    Không nhìn thấy
    Một con người
    Đi trong mưa gió
    Với tiếng vọng về từ biển
    Xa xôi
    Trị Thiên Nam Ngãi Bình
    Lửa máu
    Năm nào miền Trung di tản
    Giặc pháo đuổi không nương tay
    Trẻ khóc thiếp ôm xác mẹ
    Chị cúi xuống hôn em lần cuối
    Bà lão lạc đàn cháu mồ côi
    Run rẩy hoảng hốt
    Trận cuồng phong Maoist Stalinist
    Đã thổi qua quê hương
    Nhổ bật rễ tình cảm truyền thống
    Vùi dập hoa thơm vườn văn hóa
    Kéo dân tộc giật lùi
    Về thời kỳ đồ đá
    Xô triệu người ra biển
    Bao nhiêu đến được bến bờ
    Trên những ghe thuyền mục nát
    Trôi giạt ngoài đại dương
    Quên sau được
    Việt Nam đau thương ơi!

    Cả nước bị chiếm đóng
    Máu dân tô màu cờ đảng
    Rũ xuống những đồn canh
    Lạng Sơn đến Cà Mau
    Quân phản trắc
    Rước giặc về
    Bao vây Tổ quốc
    Giày xéo mộ Quang Trung
    Đấu tố Mẹ Âu Cơ
    Theo sau quan thầy Sô-Viết
    Lính đánh thuê Cuba Đông Đức
    Làm nhục em gái chúng ta
    Giặc tưởng Kaboul khi đến Huế
    Cao nguyên Đà Lạt là rừng núi Angola
    Đi nghênh ngang giữa Sài Gòn
    Như lúc chúng tiến vào Prague
    Lúc chúng hỏa thiêu Budapest
    Lúc chúng đàn áp anh em ta
    Ở Đông Bá Linh và Poznan
    Bọn công an nhân dân
    Làm sấm làm sét
    Làm giông làm gió
    Làm vua
    Ở từng quận từng phường từng phố
    Tôi nhìn tận mặt quân phi nghĩa
    Tội ác ngàn năm cũng không quên.

    Con nai bình nguyên
    Bám sát chân tôi
    Người và thú
    Cùng bị săn đuổi
    Từ Vàm Cỏ Đông
    Nhìn về thành phố
    Sài Gòn đâu đã ngủ
    Tối tăm giờ giới nghiêm

    Tôi đếm
    Bấy nhiêu sao
    Bao nhiêu ánh mắt
    Bao nhiêu dòng lệ
    Mưa tuôn ướt xối
    U hoài
    Trên những pho tượng đá
    Vẫn đứng đợi
    Người sống sót trở về
    Từ Auschwitz hay Sibérie xa xăm
    Từ Vientiane hay Phnom Penh gần gũi
    Từ trại tù tập trung con tin
    Trên đất nước Việt Nam tan vỡ…

    Đằng sau những cánh cửa sổ
    Khép vội trước mũi súng sát nhân
    Sài Gòn đâu đã thất thủ
    Thầm thì những lời ru con
    Thay cho tiếng nói
    Giặc đã cưỡng đoạt
    Trên tháp chuông trơ vơ
    Thập tự giá phô tấm lòng nhân ái
    Dưới mái chùa hiu vắng
    Hạnh từ bi nở ngát tòa sen
    Bóng đen bầy quạ dữ
    Bay vây quanh.

    Tôi đếm
    Bấy nhiêu ngọn nến
    Bao nhiêu nhánh mặt trời Tự do
    Sẽ mọc lại.

    Tôi đếm
    Bấy nhiêu giọt sương long lanh
    Bao nhiêu chuỗi cười ròn rã
    Bao nhiêu lớp người nô lệ
    Sẽ đứng lên.

    Nguyên Hoàng Bảo Việt (1978)
    * Trích tập thơ Dấu Tích Phượng Hoàng do Bạn Văn Paris Pháp xuất bản 2008

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.