NHỚ RAU ĐẮNG ĐẤT VÀ CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ

0 1.179

Tôi năm nay đã ngoài 60, qua cái tuổi mà người ta thường gọi một đời người. Dạo này, tôi hay ngồi nhớ lại những chuyện xưa, những gì đã đi qua đời mình. Con cái thì đã lớn, đứa đi lập nghiệp phương xa, đứa theo chồng về xứ người, chỉ còn 2 vợ chồng già hủ hỷ sớm hôm. Vợ chồng tôi có một sạp nhỏ trước nhà, sáng vợ tôi bán cháo cá lóc rau đắng, trưa thì bán trà đá đường đều là những món quen thuộc của thôn quê miền tây, anh chị em miền tây nghe là khoái chí hít hà ngay. Vợ tôi nấu cháo thì khỏi chê, lại thêm rau đắng tôi trồng dọc con sông sau nhà nên tươi tốt vô cùng, con sông này cách nhà tôi có 3 bước chân thôi nhà ngay mé sông mà, nên tôi trồng nhiều cây trái, mận, bần, mít, chuối, chùm ruột, rồi rau xanh các loại… để con cháu ở xa về chơi có cái mà ăn. Vợ chồng tôi bán đắt lắm hổng biết do cháo ngon rau tươi, hay bà con thương vợ chồng già mà ủng hộ nên mới 7h sáng là hết sạch, mấy đứa cháu về chơi cứ trách không bao giờ ăn đươc cháo của ngoại. Rồi đến chiều muộn vợ tôi đốt bếp, đun nước, pha trà, tôi thì rủ mấy ông bạn già quanh sớm ngồi tán dốc, hay tập hợp mấy đứa nhỏ trong sớm lại để kể chuyện tiếu lâm, mấy đứa nhỏ khoái lắm hay gọi tôi là truyện ông hai, còn mấy đứa lớn hơn xíu thì kêu tôi là bác ba phi… vì chúng cho rằng tôi kể chuyện xạo, nhưng thật ra đó là những câu chuyện thật của đời tôi đấy bạn à nhưng tôi hay kể với giọng hài hước để thu hút bọn trẻ nên phần đông người ta cho đó là những câu chuyện bịa… vì thật ra đời cũng như truyện mà chuyện là đời đấy thôi.

Được biết đến trang Nhạc Vàng và lần đầu tiên chia sẻ rất mong nhận được sự quan tâm và giao lưu với những bạn yêu nhạc. Hôm nay xin được phép nói về rau đắng và phân tích 1 số ca từ hình ảnh trong bài “Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè” hay nói đúng hơn là chia sẻ của một ông cụ già nghĩa quân xưa cho các bạn trẻ và bạn đọc về những hình ảnh mà có lẽ các bạn ít nhìn thấy hay đã lâu rồi không nhìn thấy… Xin hãy lưu giữ chúng trong tim mình và gửi lại cho đời sau, tôi muốn các bạn nhớ và con cháu các bạn những em nhỏ ở Việt Nam hay Hải Ngoại đừng quên những thứ mọc mạc của quê hương mình. Dù chúng ta có phát triển đến mức nào cũng nên hoài niệm và lưu giữ bạn nhé. Có lẽ lớp trẻ hôm nay khi nghe “Rau Đắng Mọc Sau Hè” đều khó hình dung ra tác giả của nó, bởi ông đã xa rời vườn rau đắng chứa chan quê hương lâu rồi. Nhưng tôi còn đây để kể cho bạn nghe.

Ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, được danh ca Hoàng Oanh hát năm 1974, rồi thực sự nổi tiếng vang dội khi được Hương Lan hát lại vào thập niên 1980. Lấy cảm hứng từ một bài thơ rất dài của thi sĩ Nguyệt Lãng viết năm 1972. Bài thơ đó mang tên “Rau Đắng Đất”. Là một nghệ sĩ điện ảnh tài năng, người ta ít nhắc đến vai trò nhạc sĩ của ông, mặc dù trước đó ông có một khối lượng tác phẩm, ca khúc nổi tiếng như: Em đi trên cỏ non, Còn thương góc bếp chái hè, Sa mưa giông… và đặc biệt Còn thương rau đắng mọc sau hè, được ra đời vào thời điểm này rất nhiều người Việt xa quê hương nên đã khơi niềm xúc động lớn trong lòng tác giả.

Nắng hạ đi
Mây trôi lang thang cho hạ buồn
Coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng
Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
Biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau

Một chiều nắng ấm của mùa hạ, nhìn mây trôi lang thang rồi lòng chợt buồn hanh, tháng 5 lúa nặng bông, tháng 6 thu vén mùa màng rồi đốt đồng, thực ra quang cảnh này khiến tác giả buồn là do hình ảnh của đôi chị em già ngồi nhổ tóc bạc cho nhau mới làm cho mùa hạ buồn mới làm ray rức lòng người nghe. Chứ việc nắng hạ sẽ làm nông dân vui vì dễ và thuật tiện cho việc đốt đồng, và việc đốt đồng cũng không phải nhìn khói bay là buồn đâu nhìn xa xa thì man mác chứ đến gần thì nhốn nhào vì ở đấy một số đông người nông dân sẽ tụ lại để bẫy chuột vì chuột là món khoái khẩu của dân miền tây, sau vụ mùa họ thường xúm xích lại lai rai. Khi đốt đồng mục đích tái tạo lại đất và trong lúc này chính khói, lửa sẽ làm những bầy chuột trú ngụ và ăn lúa chạy tán loạn và người dân sẽ giăng lưới đánh trọn ổ. Một điều khác liên quan đến lời hát của bài Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, đó là xuất hiện những tranh cãi xung quanh lời hát như thế nào mới là đúng. Cụ thể là câu:

Coi cỏi đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng…

Hay là:

Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng…

“coi cỏi” hay là “coi khói”?

Khi nghe lại bản thu âm năm 1974 của ca sĩ Hoàng Oanh, là người đầu tiên hát bài hát, chúng ta có thể nghe được cô hát là “coi khói”. Còn nghe lại các bản thu âm sau năm 75 của ca sĩ Hương Lan, Phương Dung, chúng ta nghe được thành “coi cỏi”. Theo tôi cả hai đều đúng vì cỏi là loài chim đồng. Mùa nắng, thì trốn vô mấy đống rơm, mỗi lần dân quê miền Tây dọn dẹp đồng cho mùa vụ tới hay đi đốt đồng thì chim cỏi sặc khói bay ra. Việc đốt đồng sẽ có “Khói”, có chim “Cỏi”.

Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng dừa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh

Tiếp theo, lời của bài hát thì ngọt ngào tha thiết và lãng mạn đến vậy. Nhưng ở đây tôi sẽ nói một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Người đàn ông già ngồi buồn nhớ về những ngày phiêu lưu của mình, những ngày còn trẻ với đầu ba vá. Thường vào thời tôi còn nhỏ những hình ảnh này quá quen đi, cái đầu ba vá lỏm chỏm, tắm mưa, rồi uống nước bằng miểng dừa chẻ đôi gắn thêm cây làm tay cầm thì thì tha hồ mà múc nước. Tụi nhỏ chạy quanh mấy cái lũy tre rồi chơi đủ trò đến mệt thì tản ra chạy ù về nhà chén bát cơm nguội, húp ngụm canh… mà chu cha canh rau đắng mới nhớ và thèm làm sao.

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương
Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao
Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau

Có lẽ năm tháng qua đi với biết bao sự đổi thay, bạn sẽ không nhì thấy “Chái bếp hiên sau” và hình ảnh này chỉ dễ dàng nhìn thấy ở những ngôi nhà xưa, chái bếp cũ… Hồi trước, ở nông thôn miền Tây nhà cửa đa số đều được làm bằng lá dừa nước, một gian nhà lớn ba căn và bên hông nó luôn luôn có một gian nhà nhỏ liền kề, mà người ta gọi nôm na là cái chái bếp. Nhà tôi hiện tại vẫn còn những hình ảnh này, chỉ khác mái lá đã được thay bằng mái tôn. Vì là không gian nhỏ để tập hợp nấu nướng, ăn uống xum vầy nên nơi đây chứa đựng bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi thơ, Đặc biệt là trong những những ngày lễ, tết hay giỗ cái chái bếp hiên sau vẫn là nơi ấm áp nhất. Nơi biết bao con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ nhũng mâm cơm được làm từ gian chái bếp một thời lam lũ, gian khó ngày đó.

Chái bếp ở chùa
Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau. Ảnh của : hoamulanvn

Xin sống lại tình yêu đơn sơ,
Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa

Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh,
Khung trời kỷ niệm chợt thèm
Rau đắng nấu canh …

Trở về với Rau đắng là loại rau đồng quê quen thuộc của rất nhiều người. Có hai loại rau đắng đất và rau đắng biển, hai loại này có vị khá giống nhau. Là loài cây thân thảo mọc bò trên mặt đất, thân và cành mọc tỏa tròn gần như sát mặt đất. Chúng sống quanh năm, có thân nhỏ nhiều đốt, lá nhỏ mọc so le, có bẹ chìa. Hoa nhỏ màu hồng tím, mọc tụ lại khoảng 1 – 5 hoa ở kẽ lá. Mùa hoa khoảng tháng 5 – 6, cùng với mùa dọn đồng nên những hình ảnh và loại rau này được đề cập cùng lúc để gợi nhớ. Rau đắng có vị hơi đăng đắng nhưng khi đem nấu canh với cá đặc biết là cá lóc thì trở nên ngọt ngào một cách lạ lùng bởi thế ai đã từng ăn sẽ thích thú vô cùng và khó mà quên nên nhớ lắm chứ, thèm lắm chứ thèm cái mùi vị quê nhà mới đúng. Với những người xa quê thì mùi vị của một món ăn quen thuộc nó còn là mùi vị của quê hương… còn với tôi rau đắng thi vị lắm nó là mùi của tình yêu gia đình và kỷ niệm!

Xin sống lại tình yêu đơn sơ, thuở nào dù cho những người già như chúng tôi giờ đây muốn thấy lại chính mình thấy lại quê hương với những hình ảnh thân thuộc xưa chỉ là giấc mơ nên xin được giữ khung trời kỷ niệm ấy cho riêng mình…

Hai Tứ

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.