Nhạc Sĩ Song Ngọc | Chuyện Bây Giờ Mới Kể

0 9.572

Lời nói đầu : Bài viết này được tác giả viết vào năm 2017, lúc nhạc sĩ Song Ngọc còn sống. Nhưng vì vài lý do khó nói nên hôm nay bài viết mới được tác giả chia sẻ đến. Để tưởng nhớ 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Song Ngọc. 14 tháng 10, 2019.

– “Trong những ngày tháng hiện hữu, tôi thường nghĩ về cuộc đời nhiều, người ta hay nói là Thất thập cổ lai hy, thì tôi đến 70 lại cứ ưa suy nghĩ, mà lại nghĩ rất nhiều. Cuối cùng ở cái cuộc đời này, cái gì cũng chẳng là cái gì hết, cái gì cũng là hư không, không có gì là tồn tại, và chúng ta đều phải chấp nhận chuyện đó” – Cố nhạc sĩ Song Ngọc.

Nhạc sĩ Song Ngọc đến với chúng ta là một nhạc sĩ với nhiều ca khúc vô cùng nổi tiếng như “Xin gọi nhau là cố nhân”, “Nó và tôi”, … Ông được biết đến từ cuối thập niên 1960 tại Miền Nam Việt Nam với những ca khúc viết về tình yêu và lính chiến.

Nhạc sĩ Song Ngọc thời trẻ.

– “Tôi bị bệnh ung thư phổi, sau đó là ung thư thận, đều phải cắt hết nhưng may thay chỉ là giai đoạn 1 nên cuộc điều trị trôi qua cũng dễ dàng”

Ông nói thêm, cuộc đời người ta khi sống thì sợ phải chết, nhưng khi mà người ta chết, thành hồn, có thể người ta sẽ sợ phải sống bởi vì sống khổ hơn là chết. Trước khi phẫu thuật, tiêm thuốc mê, ông cảm giác giống như là mình chết rồi – vô cùng sung sướng, đến khi liều thuốc mê đó tan dần, mở mắt, ánh sáng nổi lên rồi thì lại mệt.

– “Tôi có cảm giác lúc bị chụp thuốc mê chưa tác dụng, tôi còn đùa với bác sĩ, rồi mới rơi vào mê mang, tôi chưa bao giờ có cảm giác sung sướng như vậy!”

Sau khi vượt qua cuộc phẫu thuật, ông viết một rất nhiều tác phẩm nhưng chưa tìm được ca sĩ để gửi gấm, chỉ duy ca khúc “Cuộc sống muôn màu” đã được ông cho trình diễn trên sân khấu Asia, giống như lời tâm tình của ông khi từng trải qua rất nhiều thăng trầm suốt mấy mươi năm, thấm thía thêm nhiều triết lý của cuộc sống..

“Cuộc sống là một gia tài. Cuộc sống là một thiên tai
Cuộc sống như chiều hoang vu Ngước nhìn mây nghe đời phai màu”

Theo ông, cuộc sống như một loại gia tài mà Thượng đế ban cho mình, mà cũng là một tai họa cho chính bản thân mình. Từng ngày trôi qua, ông phải tranh đấu, phải lên ti vi nói chính trị, phải xem nhiều thứ làm mệt đầu óc mình, cuộc sống như cả một chuyến tàu mà không biết là hạnh phúc hay là thương đau.

Nhạc sĩ Song Ngọc những năm cuối đời.

Về hiện tượng bây giờ khi trong nước, dòng nhạc Bolero đã ngập khắp nơi, được rất nhiều người hát cũng như được vô số ý kiến cùng chiều cũng như trái chiều quan tâm, ông chia sẻ rằng âm nhạc, thơ văn là chứng nhân của thời cuộc. Vào thời gian nhạc tiền chiến, âm hưởng các loại nhạc Việt Nam rất là tha thiết và mang nhiều tình cảm, gần tựa với nhạc Pháp nhưng vẫn giữ nét riêng của dân tộc. Nhạc xưa vô cùng phù hợp với tâm trạng của người Việt Nam hơn, có thể bộc lộ và thấm thía được tình cảm của người khác. Nhạc bây giờ tuy hiện đại nhưng không chuyên chở tình cảm, tuy vui nhưng lại chưa thể hiện được cái hồn quê dân tộc trong đó. Các nhạc sĩ, nhà thơ văn sáng tác tác phẩm cũng coi như là những chứng nhân lịch sử vậy.

– “Cá nhân tôi đi lính, thì tôi viết bài Chúng mình 3 đứa, Một chuyến bay đêm, Chiều thương đô thị, Tiến đưa, thì nói lên tâm trạng người lính chiến thời đó, còn bài Thư cho vợ hiền, tôi viết lúc tôi nói chuyện với một anh lính khi tôi đi tiền đồn xa, tôi hỏi mấy anh có viết thư cho vợ không thì họ nói nhà không có địa chỉ, làm sao viết được, thành khi tôi viết bài đó, thì tôi nghĩ dạng như Tết năm nay nhìn thấy Xuân đến thì anh cũng viết chơi chơi thôi, anh viết rồi anh bỏ”

Thư biết em chẳng được, vẫn ghi cho đẹp tình.
Mùa xuân này không đến cho chúng mình bên nhau.

Nhạc sĩ Song Ngọc nổi tiếng từ bài Tiễn đưa phổ thơ của nhà thơ Nguyên Sa vào năm 1961, ông tiếp tục sang tác nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với thời cuộc bấy giờ và sau 1975 ra hải ngoại ông vẫn tiếp tục viết nhạc.

– “Sau 75 chúng ta có những dòng nhạc mới, có ông nhạc sĩ nào đó nói trên mấy cái kênh youtube tôi nghe lại là không đi hát nhạc mới mà đi hát bolero là thụt lùi, thì thật ra không có cái nào là lùi cả, cái nào hay thì người ta nhắc nhớ, nét nhạc hiện đại của Việt nam mình tự dưng nó giống Mỹ quá, tình cảm nó diễn tả khó quá, nghe không được không phải là dở. Dòng nhạc nó sẽ chuyển động, cũng có khi sau 40 50 năm nữa, nhạc bây giờ người ta sẽ thấy hay hơn là nhạc ở tương lai của người ta”

Với dòng nhạc mới bây giờ, ông mong rằng về sau này sẽ xuất hiện nhiều nhân tài mới, những cây bút mới đem tình tự dân tộc gói vào dòng nhạc mới mà ông cũng nhen nhóm hy vọng này. Ông lại suy tư chia sẻ

– “Sau khi nghe Hương Lan hát bản Chiều thương đô thị ở chương trình Vietface TV, tôi có nói với vợ rằng hình như tôi sau khi ra hải ngoại đã đánh mất cái gì đó mà khán giả mến mộ, tôi bỏ cái đó mà tìm cái khác, tôi thích nói về cuộc đời, tôi nói về chuyện người đàn bà ngàn năm trước, có lẽ là hơi già rồi, và đồng thời nhạc của Song Ngọc tôi hồi xưa, theo tôi nghĩ là tình cảm chan chứa nhiều hơn bây giờ mặc dầu lúc đó tôi còn trẻ”

Ông viết nhạc từ những năm ông vừa 16, 17 tuổi, nổi tiếng với những bài hát về quê hương, về lính chiến, ông lúc đó vẫn đi con đường sáng tác nhạc cho mọi người nhằm chia sẻ tấm lòng của mình với những bài như Thư cho vợ hiền, Xin gọi nhau là cố nhân, … Nhưng sau khi qua Mỹ năm 1975, xa quê hương, ông thú nhận rằng bản thân có nhiều tâm niệm, lại không cần nhiều sự tung hô nữa, ông bắt đầu viết những gì ông muốn nói. Ông bắt đầu phổ nhạc nhưng bài thơ như Hương đồng gió nội, lại sáng tác thêm dân ca vì nỗi nhớ quê hương da diết Yêu cái đèn cù, Hoa nào anh yêu.

– “Thành khi tới năm 1984, là tại tôi thấy qua bên Mỹ thì đàn bà ít mà đàn ông thì quá nhiều thì mới xuất hiện cái bản Đàn bà, bài hát nói lên tình trạng hiện tại của hải ngoại. Như cái câu tôi viết “Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua. Hay đàn bà lạnh lùng hôm nay” câu đó là có thật khi coi tin trên báo tôi thấy 1984 có ông đó với cô kia gặp nhau buổi tối rồi phải lòng nhau nhưng đến sang hôm sau cô ấy lạnh lùng bỏ đi”

Ông tự nhận mình lười biếng, không muốn phải bộc bạch bản thân, ông “ở ẩn” lặng lẽ ở Houston rất nhiều năm, có những người làm sự kiện hay truyền hình tận 10 năm rồi vẫn không gặp được ông cũng không ai biết ông ở đâu nhưng các bản nhạc của ông vẫn được xướng lên mỗi tháng, mỗi ngày. Ông thích đi trong lặng lẽ, đi bằng nỗi niềm riêng hoặc bằng cảm xúc của mình. Song Ngọc chia sẻ khi vợ ông thấy bản nhạc của ông được phát trên TV nhưng không giới thiệu tên của ông thì thắc mắc, còn ông thì vẫn vậy, vẫn vui.

– “Nếu thuần túy về nghệ thuật thì không có chính trị trong đó mà cũng không có gì có thể chen lẫn trong đó, nghệ thuật vẫn là nghệ thuật, nó cao hết, nó không bị ràng buộc, nó thoát qua được những ảnh hưởng của thời cuộc. Tôi coi như những ca khúc của tôi là thực hiện những đam mê của tôi, tại sao phải chen lấn nữa, anh đã có cái duyên đóng góp rồi, anh mời mọi người thì người ta vẫn nghe vậy là được rồi”

Thanh Thiên.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.