Nhạc Sĩ Lê Duyên: Người Có Tiếng Đàn Mandolin Tuyệt Kỹ 65 Năm Trước

0 775

(Trích bài Trần Quốc Bảo trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 181 phát hành ngày 27 tháng 7 năm 2018)

Nhạc sĩ Lê Duyên những ngày trai trẻ thập niên 50

Tôi gặp nhạc sĩ Lê Duyên lần đầu vào đúng 29 Tết âm lịch Bính Tý 1996 tại Saigon. Hôm đó, Ông và nhiều nhạc sĩ khác đến nhận những món quà phương xa do các nghệ sĩ hải ngoại đóng góp trong chương trình Chút Tình Trao Nhau mà tôi là người được Ban Tổ Chức giao nhiệm vụ mang về. Năm ấy nhà cầm quyền đã ra lịnh cấm đốt pháo, nhưng giữa sân vườn mênh mông của khách sạn Hương Việt ở Bình Thạnh, tiếng cười nói ấm cúng vang trời của các nhạc sĩ miền Nam trước 75 đã khiến nhiều người quên hẳn nỗi buồn ngày Xuân đã mất đi một phong tục không thể thiếu. Lúc đó, ai ai cũng cười nói vui vẻ, nhất là người ngồi cạnh ông là nhạc sĩ Đỗ Thu, tác giả bài hát Gửi Về Em, tuy đôi mắt mờ lòa nhưng giọng nói lại hùng tráng sang sảng, kể chuyện không ngừng về những kỷ niệm viết nhạc trước 75. Ai vui thì vui, ai nói thì nói.. riêng ông ngồi lặng lẽ với ánh mắt thật buồn và ít chịu góp lời. Tôi bắt chuyện chào Ông bằng lời khen của một số nhạc sĩ từng nói về Ông: “Thập niên 50- 60, nhạc sĩ Lê Duyên là người đàn mandolin hay nhất Việt Nam”… Ông có vẻ xúc động khi nghe tôi nói những câu này. “Đó là chuyện ngày xưa.. Bây giờ chú già rồi.. Mấy thuở cầm đàn nữa…”.

Câu chuyện chưa ngừng. Tôi nhắc về những bài hát ông sáng tác như Duyên tình sơn nữ từng được Nhà Xuất Bản Ly Tao của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mua để phát hành (bài này Tuyết Mai, Trúc Mai thu dĩa trước 75 và sau đó được thu băng bởi Phương Hồng Quế, Phi Nhung, Ngọc Huyền, Hoàng Châu)… Ông còn một số bài viết chung với Tùng Lâm và Hiếu Nghĩa như Dưới ánh trăng rừng, Trăng quê.. từng được mua bởi 2 Nhà xuất bản An Phú và Tinh Hoa… và riêng một nhạc phẩm của Lê Duyên mà tôi rất thích như Âm Thầm, ca khúc này Thanh Lan đã thu băng trước 1975 trong cuốn cassette Song Ngọc 2 (trước đó hãng dĩa Asia đã thu với tiếng hát Tuyết Mai).

Mãi đến sau này, tôi mới biết được lý do Ông sáng tác bài Âm Thầm xuất phát từ một mối tình tuyệt vọng giữa Ông và nghệ sĩ T.T, một vũ công tài sắc nổi tiếng của ban Liên Minh Phượng. Bài Âm Thầm cũng được Nhà Xuất Bản An Phú mua với giá 1500 đồng, một số tiền khá lớn lúc bấy giờ.

Bìa bài nhạc “Đừng Phụ Gì Nhau” một sáng tác của Lê Duyên và Trường Long (nguồn: Dương Thành Thông tặng)

Buổi gặp mặt lần đầu tiên đó, nhạc sĩ Lê Duyên nhận được món quà 300 dollars. 22 năm sau, Ông vẫn cười vui và nhắc mãi. Quà lúc đó tối thiểu mỗi người 200 đô. Riêng ông có thêm những người khác tặng nên được tổng cộng 300 đô. Không bao giờ quên được vì 100 đô hồi đó rất lớn mua được tới 2 chỉ vàng..”.

Mãi đến 18 năm sau, tôi mới gặp lại nhạc sĩ Lê Duyên lần thứ nhì, trong lần trở về thăm quê nhà tháng 5 năm 2014. Căn nhà đường Phan Đăng Lưu nơi Ông ở nằm cuối cùng trong một ngõ hẹp. Ông xúc động khi tôi giao tận tay 300 dollars của Nhóm Vòng Tay Nghệ Sĩ gửi biếu ông, nhất là trong hoàn cảnh này, vợ chồng Ông không con cái, cô Bích Thuận – vợ ông lại đau yếu liên tục nên hoàn cảnh hai người cứ rơi vào cảnh “người ốm chăm lo người bịnh”, bao nhiêu tiền dành dụm cũng phải đội nón ra đi để lo thang thuốc. Mối tình 60 năm, ôi biết bao những đắng cay lẫn ngọt ngào. Và bây giờ, xin mời bạn đọc, bước vào câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Duyên.

Nhạc sĩ Lê Duyên thập niên 50

Nhạc Sĩ Lê Duyên sinh năm 1933 tại huyện Châu Thành, thành phố Cần Thơ. Ngoài người chị cả đã mất, ông còn 3 cô em gái: Lê thị Nga, Lê thị Bạch Yến, Lê thị Bạch Nga hiện định cư ở Mỹ nhưng vì thay đổi chỗ ở liên tục nên đã mất liên lạc. Thuở nhỏ, dù cha mẹ không ủng hộ chuyện ca hát nhưng vì sống với bà nội nên Ông vẫn lén đi học nhạc. Gia đình Ông theo đạo Thiên Chúa và thường đi nhà thờ mỗi tuần. Nhờ có giọng ca và hát rất đúng nhịp nên Lê Duyên được giao phó hát trong ca đoàn. Ngày ngày đến nhà thờ, Ông phải đi ngang qua một căn nhà ở xóm đạo, nơi đây có một nhạc sĩ thường chơi mandolin. Tiếng đàn réo rắt đó đã mê hoặc lòng Ông từ nào không biết và cũng không ai ngờ rằng, cây đàn mandolin sau này đã gắn liền với một phần đời tuổi trẻ của nhạc sĩ Lê Duyên.

Theo tài liệu của một tờ báo cũ cuối thập niên 50 ghi nhận, “năm Lê Duyên 14 tuổi, ba ông chuyển công tác nên cả gia đình cùng rời Cần Thơ vào Sàigòn. Năm 15 tuổi (1948) tình yêu đối với cây đàn mandolin ngày càng lớn, Ông muốn học đàn nhưng gia đình lại muốn ông học chữ nhiều hơn. Chuyện ngày xưa quan niệm “xướng ca vô loại” nên gia đình kiên quyết không cho Ông theo con đường này, dù vậy ông vẫn ráng để dành tiền mua đàn để học. Vì say mê âm nhạc, Lê Duyên thi rớt 2 năm liền. Dù bị gia đình, bạn bè, thầy cô quở trách nhưng ngược lại trình độ về đàn của Ông ngày càng tiến bộ. Trong thời gian này nhờ một người cô của ông kèm cặp nên ông đã thi đậu vào ban Trung học. Lê Duyên lên Saigon học chữ ở trường Huỳnh Thị Ngà (Tân Định), đồng thời học đàn mandolin của thầy Lương Vĩnh Sanh. Nhờ quá ham thích và luôn luôn cố gắng trau dồi, ít tháng sau Lê Duyên được giới thiệu vào ban Đàn Dây Đan Phú. Năm Ông 20 tuổi (1953), ông gia nhập ban Bốn Phương và trình bày trên làn sóng điện của đài Pháp Á vào trưa thứ ba và thứ bẩy hàng tuần. Bản nhạc mà Lê Duyên sở trường là bản Đàn Chim Xanh của Đan Phú và Từng Chiều của của Lê Thọ Trung được đài Pháp Á thu đĩa để phát luân phiên trước phần tin tức. Thời gian đó, nhiều thính giả đã gửi thư cho đài khuyến khích và khen ngợi Lê Duyên.

Từ trái sang: Lê Duyên . Phùng Trọng . Khánh Băng . Duy Mỹ (ban nhạc Hương Sa của nhạc sĩ Lê Duyên

Sau 1954, ông vào ban Công Dân Vụ và thường đi lưu diễn ở những nơi xa xôi như miền Tây để phục vụ văn nghệ cho dân chúng tại địa phương. Trong ban Công Dân Vụ này, Lê Duyên còn hoạt động chung với nghệ sĩ thổi harmonica Tòng Sơn. Sau khi đã điêu luyện về mandolin và guitar, Lê Duyên còn tranh thủ học thêm một loại nhạc cụ khác đó là piano. Theo ông kể, tất cả những người thầy mà ông thỉnh giáo đều là những người giỏi nhất vào thời ấy. Và người thầy dậy piano, lý thuyết, hòa âm cho ông là một người rất nổi tiếng là ông Hoàng Dung ở đường Mayer (sau này là đường Hiền Vương). Cũng nên nhắc thêm, trong số những người thầy dậy Ông, còn có nhạc sĩ Partilini (người Pháp – nhạc trưởng Đài Phát thanh Pháp – Á) ở Cầu Bông (Đa Kao), thầy dậy Freddi (người Philippines) ở cư xá Trần Hưng Đạo (Q5), thầy dậy kèn clarinette với NS Đức Hưng gần chợ Bàn Cờ và thầy Leddy (người Philippines, ban nhạc phòng trà Lê Lai). Lý do học nhiều nhạc cụ như vậy, nhạc sĩ Lê Duyên giải thích: “Nhạc công thế hệ của tôi phải biết sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ thì chủ mới nhận, phòng những khi phải chơi thay bạn diễn, do đó thế hệ ngày trước xuất hiện nhiều nhạc công giỏi là vậy!”.

Hôm đó tôi nhờ nghệ sĩ Giang Kim mang đến biếu ông một bức ảnh. Ông lặng người nhìn vào tấm hình quý. Bức ảnh của con trai nhạc sĩ Ngọc Minh Hà tặng cho người viết năm 1996 và nay thì tôi gửi về cho Ông nhìn lại những thoáng hương ngày cũ. Bức ảnh theo lời chú thích của nhạc sĩ Ngọc Minh Hà ở phía sau là: “Ảnh chụp tháng 7 năm 1957 tại rạp Thống Nhất với Nguyễn Long, Lê Duyên (mandolin), Ngọc Minh Hà (guitar), Khánh Băng (guitar), Huỳnh Hoa (saxo)”. Lê Duyên cho Giang Kim biết: “Không có bức ảnh này thì chú quên hoàn toàn cái vụ đi đàn ở rạp sổ số Thống Nhất. Mấy đứa trong hình giờ chết hết rồi, chỉ còn có mỗi mình chú… À! Có thể còn Phùng Trọng đánh trống.. nhưng sao không thấy nó trong hình. Nhiều năm rồi cũng không được nghe tin. Giang Kim nhớ chuyển lời cám ơn cháu Bảo nhé. Bức ảnh quý quá..”.


Ảnh chụp tháng 7 năm 1957 tại rạp Thống Nhất với Nguyễn Long, Lê Duyên (mandolin), Ngọc Minh Hà, Khánh Băng, Huỳnh Hoa (Saxo)

Vài tuần sau, tôi gửi về biếu Ông 2 số báo Thế Giới Nghệ Sĩ thực hiện về Nhạc sĩ Lam Phương và danh hài Tùng Lâm. Một buổi trưa tháng 5, tôi gọi về thăm Ông. Lúc đó ở Việt Nam khoảng 12 giờ trưa. Người viết mường tượng nơi Ông ở, buổi trưa không một tiếng động (vì là căn nhà cuối cùng của cái ngõ cụt), nơi mà tôi đã nhiều lần ghé qua những năm về trước. Chỉ khác một điều, giờ tôi không nghe tiếng sủa của con chó mà Ông nuôi làm bạn giữ nhà..

Tác giả nhạc phẩm Duyên Tình Sơn Nữ cho biết: “Buồn lắm cháu ơi… Mình đã già mà nó còn đi trước mình… Chú đã đau ốm, vợ còn bịnh hoạn hơn từ mấy năm nay… Bả mới đi nhà thương về… giờ phải trông coi, không dám rời nửa bước. Tuổi già nhìn lại buồn quá”. Tôi hỏi Ông đã đọc 2 tờ báo viết về Lam Phương và Tùng Lâm mà tôi gửi về chưa? Ông trả lời: “Lam Phương thua chú 3, 4 tuổi nhưng hồi xưa cũng thân lắm… Chú và Lam Phương đi chơi nhạc chung với nhau… Con nhớ cho chú gửi lời thăm LP nhe. Còn Tùng Lâm, nó thua chú 1 tuổi, hồi xưa nó còn khỏe, qua thăm chú hoài… Bây giờ nghe chân nó yếu lắm, không còn gặp được nó, chú nhớ quá… Bạn bè dần dần đi hết, giờ đâu còn ai nữa…”. Chưa nói hết câu, Ông lại nghẹn lời, khiến tôi phải đổi đề tài vì sợ chú bật khóc… “Chú ơi, chú còn nhớ kỷ niệm nào với những người đã gửi quà tháng rồi cho chú không?”… Ông suy nghĩ khoảng vài giây rồi chậm rãi trả lời: “Trí nhớ của chú bây giờ kém lắm… Chú chỉ nhớ đôi nét về nhạc sĩ Bảo Tố có viết 1, 2 bài nhạc và nghe tiếng Thái Xuân hồi hát Anh Vũ, còn cháu Bạch Trúc thì trẻ quá, nhưng chú cảm động vì cháu đó chưa gặp chú mà vẫn có lòng gửi về… Riêng Hoàng Thi Thao, thì…”, nói đến đây Ông lại nghẹn ngào im lặng, “Chú còn nhớ anh Thao hả?”, “Sao mà chú không nhớ? Thao là cháu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, hồi xưa hai chú cháu đi đệm nhạc chung với nhau. Báo chí ngày đó đã gọi nó là thần đồng… Nó kéo đàn violin hay lắm, còn chú thì mandolin, hai anh em người kéo người đàn, bè qua bè lại, khán giả nghe thích lắm con… Chú đâu có ngờ, mấy chục năm rồi mà Thao vẫn còn nhớ đến chú”. Giọng nói của Chú có vẻ mỗi lúc yếu dần… Tôi vội vàng nói: “Thôi, chú đi nghỉ trưa nhé… Cháu sẽ chuyển lời cám ơn của chú đến nhạc sĩ Bảo Tố, chị Thái Xuân, anh Hoàng Thi Thao và em Bạch Trúc…”, “Con giúp chú nhé… và cái người mà chú không bao giờ quên, đó là Phương Hồng Quế.. Thời nào cũng vậy.. Tử tế lắm con ạ. Nhớ cám ơn giùm chú nhe”.

Buổi trưa hôm ấy nơi nhà nhạc sĩ Lê Duyên im lặng như tờ. Tôi có cảm tưởng nghe được tiếng đập thổn thức của con tim khi Ông có dịp sống lại được một quá khứ vàng son vẫy vùng. Tôi hứa với Ông sẽ cố gắng hoàn tất càng sớm càng tốt số báo về cuộc đời Nhạc sĩ Lê Duyên, mặc dù tài liệu trên internet chẳng có được bao nhiêu và buồn thay, một người nhạc sĩ sống một mình lại mang trong người nhiều căn bệnh hiểm nghèo (suy mạch vành, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ), và ký ức Ông giờ này, chỉ còn lại một mầu trắng ngắt. Và số báo này đã được hoàn tất, như những lẵng hoa nghệ thuật đẹp nhất, kính dâng tặng Ông, người có những bài hát thật bùi ngùi cũng như là người có những ngón đàn mandolin tuyệt kỹ của 65 năm về trước.

Trần Quốc Bảo từ Mỹ về thăm nhạc sĩ Lê Duyên ngày 12 tháng 5 năm 2014
Bài viết về nhạc sĩ Lê Duyên đăng trên 1 tờ nhật trình giữa thập niên 50
Nhạc sĩ Lê Duyên thập niên 60

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.