Nhạc Sĩ Lam Phương Qua Đời …..

1 1.861

Theo thông tin Ban Quản Trị Nhạc Vàng vừa nhận được, thì nhạc sĩ Lam Phương, cây đại thụ của nền âm nhạc tự do miền Nam Việt Nam, đã qua đời vào tối 22/12 tại Cali, ở tuổi 83.

Từ nhiều năm nay, ông phải ngồi xe lăn, sức khỏe ngày càng yếu. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng hoạt động, qua việc nhận những cuộc phỏng vấn hay ghi hình ở tư gia và những lúc có thể. Lần cuối cùng người viết liên lạc với nhạc sĩ Lam Phương cách đây khoảng nửa năm thì tình hình của nhạc sĩ rất yếu, ông vừa bị té giường trong một lần ngủ vào ban đêm, và ông đã được bác sĩ cảnh báo rất nhiều lần về vấn đề này.

Nhạc sĩ Lam Phương vốn là người gốc Hoa, theo gia đình lưu lạc đến Rạch Giá, gia đình rất khó khăn. Năm 10 tuổi, ông được gửi lên Saigon để đi học, may mắn lại gặp được hai nhạc sĩ hướng dẫn là nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ Hoàng Lang. Năm 15 tuổi đã bắt đầu sáng tác.

Vài năm sau, cái tên Lam Phương đã gây sóng gió trong làng âm nhạc miền Nam. Nhiều ca khúc của ông như Kiếp Nghèo, Giọt Lệ Sầu, Chiều Hành Quân, Khúc Ca Ngày Mùa… được người mộ điệu săn tìm mua các nhạc bản và gửi thư liên tục yêu cầu trên đài phát thanh.

Nhưng đỉnh điểm là năm 1970, khi ông đến Đà Lạt, cảm tác từ ngọn đồi nghĩa trang thành ca khúc Thành Phố Buồn, thì Lam Phương thật sự trở thành ông hoàng về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tên tuổi của ông trở thành một phần lịch sử của âm nhạc miền Nam Việt Nam, cũng như hoàn toàn bước khỏi cuộc sống khó khăn trước đây. Bài hát này đem lại cho nhạc sĩ Lam Phương số tiền đến hơn 12 triệu đồng tiền miền nam thời đó. Một ví dụ nhỏ cho biết, chiếc xe Honda đời mới nhất nhập nguyên thùng từ Nhật về Việt Nam, chỉ trên dưới 30.000 đồng.

Thế nhưng sau tháng 4-1975, ông phải bỏ lại tất cả, một lần nữa cùng gia đình ra biển, đến Mỹ định cư. Cuộc sống kể như làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng cùng một gia đình phải lo toan.

Và rồi, sức sáng tác của ông một lần nữa lại bùng lên với những bài hát như Chiều Tây Đô, Tình Hồng Paris, Tôi Sẽ Đi, Cỏ Úa, … chinh phục khán giả từ hải ngoại đến thế hệ trẻ trong nước. Ông thật sự là một tài năng hiếm có, và đáng kính trọng trong ký ức âm nhạc của người Việt Nam.

Ban Quản Trị Nhạc Vàng rất đau lòng vì sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương, xin chân thành gửi lời chia buồn với gia đình và cũng như nguyện cầu cho nhạc sĩ Lam Phương sớm vãng sanh cõi vĩnh hằng ….

 

1 bình luận
  1. Trí nói

    Tôi gửi: Nhạc sĩ Lam Phương.
    .
    Tôi, không hiểu vì sao, mỗi lần nghe những bài hát của Nhạc Sĩ Lam Phương, lòng tôi luôn bồi hồi xúc động. Lúc tôi 14 tuổi, tôi rất thích nghe bài hát Tình Bơ Vơ đi vào lòng người sâu thẳm.
    Lúc tôi 15 tuổi học lớp, tôi đã rất thích nghe bài hát Kiếp Nghèo.
    Lúc tôi vào ĐH năm ba, tôi rất thích bài hát Thu Sầu và Trăm Nhớ Ngàn Thương.
    Lúc tôi học ĐH năm cuối, tôi cực kỳ rung động bởi điệu nhạc du dương của bài hát Chờ Người.
    Cả gia tộc dòng họ của tôi, ai cũng đều thích nghe nhạc của Lam Phương.
    Xin hết lòng cảm ơn nhạc sĩ.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.