NGÀY XUÂN KHÔNG THỂ THIẾU “LY RƯỢU MỪNG”

0 1.917

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó.

á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời.

Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình.

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương.

á a a a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình.

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới.

Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi.

Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà.

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới.

Chúng ta vừa bước qua thời khắc đầu tiên của năm mới theo tết phương Tây. Thì không khí cho một cái tết truyền thống cũng dần nóng lên. Những ngày giáp tết, mỗi người bắt đầu tất bật chuẩn bị, người lớn lo sắm sửa, lau dọn nhà cửa, trẻ nhỏ hân hoan, rộn ràng với pháo nổ đì đùng, kẹo mứt, quần áo mới hay phong bao lì xì, và để góp phần cho không khí ngày xuân thêm rộn ràng thì không thể thiếu những giai điệu của âm nhạc.

Mỗi độ xuân về, dù đi bất cứ nơi đâu thì ta vẫn luôn hay nghe những bài hát kinh điển như “Happy New Year” của ABBA, “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (của Minh Kỳ & Lê Dinh), “Tâm Sự Ngày Xuân”(của Hoài An)…trong mấy mùa tết gần đây thì lại “rót” thêm một bài hát bất hủ về nhạc xuân góp phần làm rộn ràng thêm sắc xuân của ngày tết Việt Nam, đó là “ Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (nghệ danh Hoài Bắc, 1929-1991) không có quá nhiều tác phẩm, nhưng nhiều bài hát của ông đã đi vào lòng người yêu nhạc. Ca khúc của ông khá đa dạng, phần nào phản ảnh tinh thần, tâm trạng trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời ông, có khi mạnh mẽ, hân hoan, cũng có khi đớn đau, bi thương. Các tác phẩm của ông thể hiện được cái  hồn quê hương Việt Nam, bản sắc dân tộc đậm đà, gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc đời.

Ca khúc “Ly Rượu Mừng” thể hiện được tài năng của người nhạc sĩ ở chỗ dựa trên thể thức nhạc phương Tây nhưng đậm nét phương Đông, hồn dân tộc. Bài hát được sáng tác trong giai đoạn 1951-1953, từng được xem là ca khúc Tết kinh điển trong lòng rất nhiều khán giả nhưng với nhiều lý do mà ca khúc đã vắng bóng ở nước nhà sau năm 1975. Cho tới tháng 01 năm 2016 bài hát mới được phép hát vang trên khắp mọi nẻo đường quê hương mỗi độ xuân về. Toàn bài hát là giai điệu valse tươi vui, dìu dặt, ca từ hòa quyện, giai điệu được chuyển tông rất nhẹ nhàng, uyển chuyển. Thế hệ 8x trở lên thì có phần lạ lẫm với bài hát, nhưng thế hệ ông bà, cha mẹ của chúng ta thì có lẽ quá quen thuộc.

Scenes of Tet including the flower market; Saigon.
Mừng người vì nước quên thân mình….

Vào những đêm giao thừa trước 1975, trong tiếng trống lân, tiếng pháo đì đùng… giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long lại cất vang bài Ly rượu mừng trên chiếc tivi, chiếc cassette cũ kĩ, đó là phần ký ức đã in sâu vào tâm hồn của ông cha ta, với niềm hân hoan ước vọng xuân an bình.

Có lẽ vì thế từ khi ra mắt đến nay, “Ly rượu mừng” đã được nhiều người xem là ca khúc xuân kinh điển, đủ đầy tình cảm, trọn vẹn yêu thương và những điều tốt đẹp mà người người mong mỏi mỗi dịp tết đến xuân về, dù cho cả ca khúc không hề nhắc đến pháo đỏ, mứt hồng, bánh chưng, bánh tét…

Ca khúc “Ly Rượu Mừng” thuần túy là những lời chúc Xuân cho mọi người và đất nước. Bài hát hoàn toàn không có mô tả cảnh tượng đón Xuân, và không khí của những ngày Tết theo truyền thống Việt Nam. Phạm Đình Chương cố tình gạt bỏ những hình ảnh về Xuân, mà chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất là chúc Tết.

Những lời chúc trong  “Ly rượu mừng” không bỏ quên một ai! Có lời chúc  “Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”. Có lời chúc dành cho người mẹ già mong tin con, cho đôi uyên ương vừa xây tổ ấm, cho anh chiến sĩ nơi chiến trường, và trên tất cả là nước non được hòa bình ấm no.

Cả bài hát chỉ có xuất hiện một chữ “Xuân” duy nhất trong câu đầu, nhưng bài hát luôn được coi là bài hát tượng trưng cho dịp Xuân về, Tết đến. Vì lời chúc tụng là đặc tính độc đáo của Tết Việt Nam.

Tết Việt Nam không thể nào thiếu những lời chúc Tết. Ngày đầu năm người ta gặp nhau thường nói những câu nói tốt lành, những lời may mắn, vì người Việt tin tưởng vào các lời chúc tụng sẽ đem lại may mắn, sự thành công trong tất cả lĩnh vực. Ngay cả ngày nào đi chúc Tết ai cũng được quy định rõ rệt: “Mồng một chúc Tết mẹ cha/ Mồng hai tết vợ/ Mồng ba tết thầy.”

Do đó, tuy không có những mô tả về thiên nhiên  và các hoạt động ngày Tết, nhưng ca khúc “Ly Rượu Mừng” biểu hiện một đặc tính quan trọng nhất trong Tết Việt Nam. Đó là những lời chúc Tết trong các ngày đầu năm. Tết Việt Nam sẽ mất ý nghĩa nếu không có những lời chúc Tết nên “Ly Rượu Mừng” luôn luôn là một ca khúc kinh điển được hát trong dịp Tết hàng năm. Ca khúc còn gửi gắm khát vọng kết nối mọi người dân Việt Nam cùng nâng chén chúc mừng năm mới

Cảm xúc mùa xuân có lẽ mỗi năm một khác biệt, nhưng những ký ức, hình ảnh và hương vị tết quê hương thì không có gì khác biệt, dù ai có đi ngược về xuôi thì năm hết tết đến cũng trở về với quê hương với gia đình, bởi “Ly rượu mừng” lại được cất lên bằng giai điệu valse tươi vui, sống động, và lời ca đơn giản, bài hát thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.

Sakura.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.