Mùa ‘Giãn Cách’ Và Một “Nỗi Buồn Gác Trọ”

0 2.890

Sài Gòn mùa này mưa nhiều lắm. Đang trong cái nắng oi ả, thì bỗng chốc trời chuyển mây đen, thế là cơn mưa đổ xuống. Mưa hối hả, mưa làm cho con người không kịp trở tay. Và đêm nay cũng thế, mưa xối xả như trút cả bầu tâm sự. Tiếng mưa , tiếng sấm chớp um sùm, kèm theo đó là tiếng xe cứu thương, tiếng còi cảnh sát trong đêm, càng làm lòng người thêm hoang mang, buồn bã. Để che lấp nỗi sợ hãi tôi đi kiếm cái gì bỏ bụng, nhưng trong phòng chỉ còn 2 gói mì, vài trứng hột gà …. mà cái giấy đi đường vất vả lắm tôi mới xin được thì ngày mốt mới có hiệu lực, chán nản tôi quay ra lấy điện thoại nghe nhạc, như muốn che lấp âm thanh ồn ào ngoài kia, “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa” khi lời hát vang lên, hòa quyện với tiếng mưa rơi, trong căn phòng trọ ọp ẹp làm lòng tôi như thắt lại. Tôi bỗng nhớ về những ngày xưa, nhớ về thời tuổi thơ, chiều chiều hay cùng lũ bạn tắm mưa ngoài đường, bị mẹ bắt được la rầy không ngưng, nhớ những chiều ngày mùa cùng cha chạy mưa khi phơi lúa, những bữa cơm ấm áp tình thân…, nhớ khi 18 tuổi lần đầu đặt chân lên đất Sài thành hoa lệ với niềm sung sướng vì được tự do được sống tự lập, nhiều ước mơ hy vọng cháy bỏng. Chính nơi đây cho tôi trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ, lần đầu tiên tôi đi lạc đường, lần đầu kẹt xe 2 tiếng đồng hồ, lần đầu làm việc nhà, lần đầu phải tích góp chi tiêu…và lần đầu nghe những bản nhạc thời thượng qua chiếc radio cũ kĩ. Tôi nhớ mãi bài hát đầu tiên con bạn thân mở cho nghe là bài “Nỗi Buồn Gác Trọ” của nhạc sĩ Mạnh Phát và Hoài Linh, theo như bạn tôi nói vì bài hát phù hợp với hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó, và bài hát đã đi theo tôi suốt quãng đường ở trọ cho đến nay.

Bài hát gắn liền danh ca Phương Dung, lần đầu nghe là bản thu do Cô trình bày năm 16 tuổi. Cho đến hôm nay tôi mới hiểu hết được, tại sao qua bao nhiêu năm không ai có thể hát ca khúc này thành công hơn Cô được, giọng hát của Cô như có ma lực làm xoáy vào lòng người nghe, cái cách Cô nhả chữ chẳng những chuẩn mà còn rất nghệ thuật.

Giống như bạn tôi từng nói năm đó, bài hát là nỗi lòng của những sinh viên ở trọ xa nhà như chúng tôi. Với giọng hát cao vút, trong trẻo, đầy nội lực và giàu tình cảm “ Nhạn trắng Gò Công” đã thể hiện được nỗi lòng của anh sinh viên nghèo sống xa nhà, với nỗi nhớ nhung thầm lặng da diết của anh dành cho người mình thương, được thể hiện qua hình ảnh căn trọ gác xếp cũ kĩ. Nỗi buồn, sự cô đơn còn tăng thêm khi “phố nhỏ vắng thêm một người” bởi người con gái mới đây còn buông tóc thề qua lối nhỏ, nay đã xếp áo vu quy lên xe hoa theo chồng. Sự nhớ mong da diết kèm theo đó là nỗi buồn tủi cho thân phận sinh viên nghèo không dám tỏ lời thương, chỉ đành cam chịu số phận đơn côi. Nỗi niềm tương tư của anh cũng tăng dần khi mỗi mùa qua đi, các thiếu nữ trong xóm trọ điều khoác áo vu quy theo người, chỉ còn lại anh ngồi đếm mùa nhung nhớ. Giọng hát của danh ca Phương Dung làm người nghe mang nỗi buồn rất khác, nhẹ nhàng nhưng lại đau đáu hướng về một thời vàng son dĩ vãng, tiếng ca của Cô đã góp phần thổi hồn cho bài hát thêm phần sống động cho những ca từ.

Tiếng hát của danh ca Phương Dung gần như không thay đổi dù đã hơn nửa thế kỷ hoạt động, đã làm cho căn gác trọ hôm nay còn buồn thương hơn căn gác ngày xưa, nhưng đâu đó từ trong giọng hát của Cô tôi thấy được ánh sáng rực rỡ làm vơi đi bao nỗi buồn bủa vây, nó làm tôi có thêm dũng khí để chống chọi lại nghịch cảnh, để hy vọng rằng điều nhiệm màu sẽ xảy ra trong cuộc sống hiện tại của mình. Cám ơn tiếng ca của Cô Phương Dung, giọng hát của Cô đúng là sự kết hợp hoàn hảo đáp ứng đầy đủ thẩm mỹ nghe nhạc truyền thống của người Việt Nam. Tiếng hát vang vọng và dịu ngọt như ánh trăng rằm của Cô để lại dư âm dài vô tận trong tai nghe của khán thính giả.

Tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Cường.

Gác lạnh về khuya cơn gió lùa.
Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa.
Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt,
Lá vàng nhè nhẹ đưa tưởng như bước lê hè phố.

Có người con gái buông tóc thề.
Thu về e ấp chuyện vu quy
Kết lên tà áo màu hoa cưới,
Gác trọ buồn đơn côi phố nhỏ vắng thêm một người.

Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm,
Nhớ nhung đi vào quên.
Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu?
Gửi hồn chìm vào đôi mắt.
Ái ân chưa tròn để ngàn đời nhớ nhau.

Phố nhỏ đường mưa trơn lối về.
Dâng sầu nhân thế đọng trên mi.
Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ,
Nỗi niềm đầy lại vơi.
Mỗi mùa tiễn đưa một người

Để rồi giờ đây khi nghe giai điệu “Mỗi mùa tiễn đưa một người” bao nhiêu cảm xúc của tôi ùa về, nó vẫn vẹn nguyên như lần đầu tôi nghe Cô hát, hòa với âm thanh bên ngoài càng làm tăng thêm sự bi thảm ở hiện tại, mỗi ngày qua đi thứ tôi chờ đợi được chỉ là tin tức những người xung quanh mình bị nhiễm bệnh ngày một nhiều. Nhìn qua khe cửa sổ tôi bỗng sợ hãi, vùng đứng  dậy mở toang cửa sổ để những giọt mưa hất vào gương mặt cho tỉnh táo, nước mưa ướt đẫm khuôn mặt tôi hòa với nó là dòng nước mắt, tôi òa khóc như một đứa trẻ, từ ngày kẹt lại Sài Gòn do dịch bệnh, đến hôm nay tôi muốn khóc như trút hết nỗi lòng, vì thời gian ở lại càng dài càng mài mòn lý trí tôi, hết chỉ thị này đến chỉ thị khác, rồi tin tức ca nhiễm ngày một tăng, hay nghe tin cùng dãy trọ, đồng nghiệp có người bị nhiễm, nó trở thành những chuỗi ngày khinh khủng, nhớ nhà đến vô cùng, nỗi lo sợ, cô đơn đến tủi thân khi một mình đơn độc, cuối cùng  là sự hoang mang với những tháng ngày chông chênh về tương lai sau này.

Sakura.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.