MAI LỆ HUYỀN Và Những Kỷ Niệm Khó Quên Với Nghệ Sĩ Hùng Cường

0 42.644

– Hỏi: Hồi xưa, mỗi khi chị và anh Hùng Cường cùng xuất hiện thì ai cũng thấy có vẻ như hai người là một cặp “tình nhân” cả ở ngoài đời chứ không riêng gì ở trên sân khấu? Chị nghĩ sao?

– Mai Lệ Huyền: Bình thường thì sự suy diễn ấy không thể tránh khỏi, bởi nghệ sĩ hát cặp là phải như vậy, lúc nào cũng ríu rít “anh anh, em em” ngọt sớt. Đó là diễn trên sân khấu, còn hậu trường sân khấu nhiều khi gây lộn, cự nự lung tung… xem nhau không ra làm sao cả. Biết nhau quá, làm sao mà yêu nhau cho nổi!

– Hỏi: Biết chị sẽ nói vậy, nhưng vẫn có những mối tình nghệ sĩ chứ?

– Đáp: Nhưng theo tôi, tốt hơn hết là nghệ sĩ đừng lấy nghệ sĩ, dễ vỡ lắm. Lý do là vì, thí dụ anh Hùng Cường cũng có người ái mộ, tôi cũng có chẳng thua. Lấy nhau hay bồ bịch với nhau chỉ làm khổ nhau, chứ chẳng ích gì!

– Hỏi: Nhiều người nói, nghệ sĩ đa tình lắm, yêu được là yêu. Anh Hùng Cường ở gần chị nhiều, chắc cũng có “cơ hội” hơn nhiều người khác chứ?

– Đáp: Tôi có thể nói là anh ấy “chẳng thể có dư thì giờ để yêu tôi”, vì chung quanh anh ấy có quá nhiều người đẹp ái mộ, và chúng tôi chỉ “gần nhau” khi lên sân khấu, xong rồi anh ấy dọt lẹ, còn tôi thì cũng dông ngay. Giữa tôi và anh Hùng Cường là một mối thâm tình tốt, hiểu tính tình nhau, nên vẫn hát bên nhau cho đến giờ anh ấy nhắm mắt, chứ nếu bồ với nhau thì vãn tuồng từ lâu rồi.

– Hỏi: Vậy có cô nào, bà nào ghen với chị vì Hùng Cường không?

– Đáp: Không! Chắc chắn là không, bởi họ còn tìm đến tôi để “hỏi” về anh Hùng Cường nữa là đằng khác. Nếu là “tình địch” thì không thể nào có chuyện này.

– Hỏi: Nếu phải nói điều gì đó về Hùng Cường, một người đã cùng chị tạo nên cặp “Sóng Thần” trên sân khấu. Chị sẽ nói gì?

– Đáp: Tôi không ngần ngại nói anh ấy là một “big star”, vì anh tài hoa về đủ mọi khía cạnh, từ cải lương cho đến tân nhạc, từ tài tử điện ảnh đến sáng tác, từ đùa dỡn duyên dáng đến lấy nước mắt người xem một cách dễ dàng… Anh mất đi, tôi thấy khó có ai thay thế, và đây là một tinh anh kết tụ của đất nước.

– Hỏi: Ai cũng nhìn thấy chị “trẻ mãi không già”, nhất là lúc gần đây lại nhìn thấy chị “quậy” trên sân khấu Asia. Chị có bí quyết sống nào để được như vậy?

– Đáp: Vui, thành thật, và sống hết lòng với những gì mình đang có. Không bi quan trước bất cứ một sự việc gì, và chăm tập thể dục. Anh thấy đó, mấy ông cùng nghề cùng thời với tôi ra đi gần hết như Hùng Cường, Duy Khánh, Nhật Trường, rồi La Thoại Tân, ông nào cũng tiểu đường, thận, phổi… ui cha đủ thứ bệnh tùm lum…

– Hỏi: Té ra các ông ca sĩ chết nhiều hơn, nhanh hơn các bà ca sĩ? Tại sao vậy?

– Đáp: Tại vì chúng tôi còn yêu đời lắm, hổng chịu chết, và lúc nào cũng chăm lo đến sức khỏe. Còn các ông bay bướm sớm và “đa sự” sớm cho nên chết sớm… là thế! Y học đã minh chứng rõ ràng “làm sớm, nghỉ sớm”, làm trễ và nghỉ sớm như tụi tôi nên sống dai hơn là cái chắc! Tôi hay nói đùa với mấy chị cùng tuổi rằng, may mình là đàn bà còn có thứ này thứ kia để “make-up”, chứ mấy ông nằm bệnh sẹp là lòi ra đủ thứ “xấu xa” liền, chẳng dấu vào đâu được cả!

– Hỏi: Lúc nãy chị nói Hùng Cường mất đi khó có người thay thế. Tại sao chị lại bi quan thế? Chắc chị cũng nghĩ thế đối với khả năng của chị?

– Đáp: Như anh thấy, các nhạc sĩ sáng tác trước 1975 hay các ca sĩ cũng vậy, mất là mất, là cụt, là hụt hẫng. Bởi ngày nay các cậu hay các cô trẻ hơn, đẹp hơn, nhưng họ không thể nào diễn tả các dòng nhạc xưa một cách trọn vẹn. Thí dụ người có đi lính thì mới thương đời lính, người đang hát mà B.40 nó nổ cái “đùng” bên cạnh thì mới thấm thía bài ca mà mình đang hát dang dở… Khi tôi hát lại các bản nhạc về Lính, thì tôi nghĩ ngay về những lần đi trực thăng nhảy xuống tiền đồn để hát cho Lính nghe, lúc ấy như có cả tiếng động quần quật của cánh quạt, tiếng súng đại liên dọn bãi, và cả tiếng hò reo của những người lính khi thấy mình dám đến với họ trong lửa đạn…

– Hỏi: Hồi đó ở Saigòn mở radio, truyền hình ra là nghe thấy chị và anh Hùng Cường ca những bản kích động nhạc về Lính. Tại sao cặp đôi này lại được ái mộ đến như thế?

– Đáp: Trong thời buổi chiến tranh dồn dập, sự vui tươi để quên đi bom đạn và cái chết cũng là điều tốt hơn những bản nhạc ủy mị, phản chiến. Tôi nhớ vào năm 1969 khi trở thành một cặp “Sóng Thần” với hát chung với nhau, thì các nhạc phẩm sáng tác “riêng” cho Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đã được người Lính và dân chúng ưa thích, đáng kể như: Gặp Nhau Trên Phố, Lính Dù Lên Điểm, Dù Hoa Lạc Lối, Hờn Anh Giận Em, Đám Cưới Nhà Binh, Hờn Trách.v.v. và riêng tôi còn được các anh nhà báo tặng cho biệt danh “Nữ Hoàng Kích Động Nhạc”.
Đến năm 1980 anh Hùng Cường vượt biển đến được Pulau Bidong và năm 1981 anh tới Mỹ thì ngay sau đó anh Hoàng Thi Thơ đã mở một buổi Nhạc hội để chào đón, và chúng tôi lại “tái hợp” cho đến ngày anh qua đời.

– Hỏi: Có kỷ niệm nào đáng nhớ trong cuộc đời ca hát của chị?

– Đáp: Kỷ niệm thì nhiều lắm kể không hết, nhưng có một chuyện mà rất nhiều người biết đó là Tổng thống Thiệu từng nói: “Anh nói anh là Lính, mà hổng biết Mai Lệ Huyền là ai thì không phải là Lính”. Có lần gặp ông dự khán buổi văn nghệ ngoài trời với lính, ông Thiệu đã yêu cầu tôi hát bản “Tấc Đất Tấc Vàng” trong đó có câu: “Một tấc đất là một tấc vàng, một viên đạn là một chiến công. Anh hy sinh vì dân, thì một viên đạn đồng này phải lập nên chiến công…” Điều này chứng tỏ tôi và anh Hùng Cường rất được giới quân nhân ái mộ.

Nguyễn Vi Túy (Úc châu) thực hiện

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.