Luận Bàn Về “Xướng Ca Vô Loài” Trong Thời Đại 4.0

0 503

Quá trình đô thị hóa và công nghệ 4.0 đã diễn ra một cách ngoạn mục, con người có thể sẽ không lường trước được xã hội phát triển như thế nào trong tương lai. Hơn 40 năm về trước, các công ty viễn thông cũng không thể tưởng tượng được rằng mạng xã hội sẽ khiến dịch vụ tin nhắn của họ chỉ còn lại chức năng nhận mã xác nhận. Máy ảnh kỹ thuật số làm sao có thể tưởng tượng rằng, smartphone sẽ đẩy lùi nó… Xã hội phát triển đòi hỏi con người cũng chạy theo công nghệ, không riêng thanh thiếu niên những người trung và lão niên cũng tiếp cận công nghệ một cách nhanh chóng. Mỗi cá nhân dường như có ít nhất cho mình một tài khoản, mạng xã hội trở thành một thế giới thu nhỏ, ở đó người ta tiếp nhận và lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, ở đó người ta thỏa sức chia sẻ những thông tin và quan điểm của cá nhân chỉ bằng một thao tác click.

Thuở xưa, một làng xã chỉ có một cái tivi hay vài ba cái radio để nghe nhạc hay xem cải lương. Một nghệ sĩ lương từng chia sẻ cát xê một đêm hát của mình bằng cả mấy cây vàng, đó cũng là thời hoàng kim của nghệ thuật. Thời đó người người lặn lội tụ hợp ở một nhà giàu trong xóm để chờ xem tivi phát vở tuồng nào đó… còn ngày nay cái tivi phát biết bao chương trình tin tức, ca nhạc, phim ảnh, game show mà người ta còn không muốn xem. Muốn nghe gì, xem gì chỉ cần mở cái điện thoại ra bật chế độ nhận diện giọng nói là cần gì có nấy, thậm chí đời tư của anh nhạc sĩ hay cô danh ca từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành đều đầy đủ. Cũng chính vì thế mà ngày nay khán thính giả đều có những yêu cầu cao về nghệ thuật và người làm nghệ sĩ đời tư và nhân cách cũng phải tốt. Một anh danh hài nổi tiếng có những hoạt động đời tư không tốt, hay cô hoa hậu mới đăng quang có những phát ngôn không đúng mực thì 1 giây sau đó có nhiều nhóm an ti xuất hiện với hàng triệu lượng tham gia.

Thời xưa, người ta gọi người làm nghệ thuật tiêu biểu là nghệ sĩ là xướng ca vô loài, không phải là người ta có định kiến gì với nghề này mà họ có định kiến về nếp sống của những người hành nghề này. Quan niệm Nho giáo xưa, phụ nữ chưa chồng phải “khuê môn bất xuất”. Một đoàn hát nhiều người, lưu diễn khắp nơi, sống chung lộn xộn với nhau, sớm muộn gì cũng lửa bén rơm. Thông thường người làm nghệ thuật thường khó bền trong hôn nhân. Quan niệm “Xướng Ca Vô Loài” có vào thời vua Lê Thánh Tông, Vào thời ấy, trong dân tỏ ý khinh miệt, coi thường người làm nghề hát múa. Trong xã hội phong kiến ấy, những đào nương, kép hát, ca nữ, xướng nhi…, đều không có địa vị và không được coi trọng. Hơn thế nữa, con cái nhà ca xướng không được đi thi, quan lại bị cấm lấy vợ xướng ca.

Trong xã hội xưa được phân ra thành 4 giai cấp chính: Sĩ, nông, công, thương. Trong đó: Sĩ là giai cấp đầu tiên, được xã hội trọng vọng. Sĩ là từ để chỉ tầng lớp trí thức, có học, có hiểu biết. Nông là chỉ những người nông dân làm ruộng. Công là chỉ những người làm nghề thủ công nghiệp. Thương là những người hoạt động buôn bán. Với 4 tầng lớp như thế, những người làm nghề ca hát không thuộc tầng lớp nào, nên mới có câu “xướng ca vô loài”. Câu nói ấy như công xiềng đeo bám mãi vào đời người làm nghệ thuật xưa, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ, nên người nghệ sĩ xưa thường cố gắng giữ mình trong sạch làm nghệ thuật một cách chân chính để xóa bỏ định kiến ấy… nên đời nghệ sĩ đáng thương và đáng được yêu.

Năm 1945, sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Mỹ thuật ngày ấy là ông Hoàng Xuân Hãn đã làm một cuộc cách mạng văn hóa, đưa hát xướng vào chương trình bậc trung học. Từ đó, hát xướng trở thành môn học bắt buộc, và nghề ca hát chính thức thoát khỏi cái nhục vô loài. Ngày nay, có nhiều trường đại học dạy âm nhạc, kịch, tuồng, chèo, cải lương, với đủ bộ môn xướng ca… những nghệ sĩ xuất sắc được tặng danh hiệu, huân chương. Xướng ca vô loài, trở thành quan niệm cổ xúy lỗi thời.

Bỏ qua chuyện quá khứ, khi nền nghệ thuật được đào tạo chính quy như một ngành nghề, tiêu biểu là các trường đào tạo sân khấu nghệ thuật chính quy ra đời. Người làm nghệ thuật mong muốn được khán thính giả coi trọng và xem nghệ sĩ như một ngành nghề, thì dĩ nhiên để đạt được điều đó, quy luật cơ bản đầu tiên là người nghệ sĩ phải xem khán giả là khách hàng. Mối quan hệ giữa người làm dịch vụ và khách hàng phải được tôn trọng lẫn nhau, cũng như người bán và người mua. Nhưng dưới ánh hào quang sân khấu những tràng vỗ tay và ca ngợi của khán giả, đôi khi làm người ta mắc bệnh nghệ sĩ. Ví như có cô ca sĩ trẻ phát ngôn là do fan tự nguyện làm này làm kia cho mình và không có quyền yêu cầu cô phải thế nọ thế kia… rồi khán giả nói mình là khách hàng mình nuôi nghệ sĩ… thế là trên mạng xã hội xảy ra cuộc hỗn chiến hằng ngày. Khi có một người nghệ sĩ làm hay phát ngôn không đúng mực thì người ta đem Xướng Ca Vô Loài ra tranh luận, vậy định kiến đó có thật sự được xoá bỏ? Chính đều đó làm ta lại càng thương những người làm nghệ thuật chân chính.

Ngày nay không phải ai hoạt động nghệ thuật cũng được gọi là “nghệ sĩ”. Nghệ sĩ là người tạo ra sản phẩm nghệ thuật bằng phong cách riêng, có cả cái tâm và cái tầm, hội đủ các yếu tố thanh, sắc, tài. Ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhạc công, vũ công, soạn giả, biên kịch, đạo diễn… đều là những người hành nghề nghệ thuật nhưng không phải ai cũng là nghệ sĩ. Một bài hát một ca sĩ hát hay, khiến người nghe nhớ và sống theo thời gian thì đó là một nghệ sĩ. Nhạc sĩ sáng tác ít nhất một ca khúc được nhiều thế hệ tán thưởng, nhạc sĩ đó là một nghệ sĩ. Một vai diễn trong một vở diễn nào đó, chỉ diễn viên đó mới vào vai thành công trở thành kinh điển thì diễn viên đó là nghệ sĩ. Tuy nhiên, chất lượng nghệ thuật ngày nay đang có nhiều vấn đề, người làm nghệ thuật chỉ lo kiếm tiền mà không chăm sóc, nuôi dưỡng nghề, những tác phẩm “mì ăn liền” không để lại dấu ấn, không tạo ra nghệ thuật. Và với thói quen của một số người Việt thích tâng bốc, tung hô lẫn nhau, người ta phong tặng danh hiệu bừa bãi như ông hoàng này nữ hoàng nọ… làm lạm phát nghệ thuật. Không có nghệ thuật và khán giả lấy đâu ra nghệ sĩ. Hai chữ “danh tiếng” đã nằm sẵn trong nghệ sĩ rồi, cần gì phải tung hô.

Tóm lại, Công nghiệp 4.0 cho phép chuỗi giá trị thông minh và tích hợp kỹ thuật số cung cấp các khả năng gần như vô hạn. Người làm nghệ thuật cũng như dịch vụ cần nâng cấp bản thân nhiều hơn, bởi thông điệp mà họ truyền tải sẽ lan rộng và nhanh chóng, người tiếp cận là cả một xã hội có cả người già và trẻ em. Nên từng tác phẩm nghệ thuật phải mang giá trị truyền cảm xúc, nhân văn và ý nghĩa. Hãy xem khán giả là khách hàng của bạn hãy để xướng ca như một nghề cao đẹp, bởi người làm nghệ sĩ cũng là cái gương soi sáng chính mình và xã hội chứ không phải vô hướng, vô loài. Hãy để lại tên tuổi và danh tiếng của mình trong làng nghệ thuật, vì một sai lầm nhỏ cũng khiến bản thân mang tai tiếng cả đời. Đó là những quan điểm và ý kiến riêng của Dòng Nhạc Vàng, mong nhận được những chia sẻ và ý kiến riêng của quý vị độc giả gần xa về quan niệm trên. Chúc mọi người một ngày thu tươi mát và vui vẻ.
Biên Soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết của dongnhacvang.com

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.