Lời Người Ra Đi, Rằng Muốn Có Một Ngày Về Thì Chiến Đấu Đừng Sờn Lòng
Lời Người Ra Đi bản nhạc vàng thời chiến được hợp soạn bởi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Trần Hoàn, vào khoảng những năm đầu của thập niên 1950. Bài hát nói lên tiếng lòng của những người lính trẻ thời bấy giờ, khi đã khoác áo chinh nhân thì dù ở chiến địa nào, tận sâu trong nội tâm người lính can trường ấy vẫn mang những nỗi niềm riêng, dù mạnh mẽ đến đâu họ vẫn cần tình yêu thương từ hậu phương, nơi có gia đình và những người thân yêu… cũng chính vì thế Lời Người Ra Đi lan tỏa nhanh chóng ở khu 4 và khu 3 trở nên quen thuộc với người dân Nam Kỳ và cả Bắc Kỳ.
Lời Người Ra Đi nói về đoạn cảm xúc của người lính phải giã biệt người vợ mới cưới vài tuần để trở về sa trường. Trong những giây phút luyến lưu chuẩn bị chia tay nhạc sĩ đã xúc cảm viết nên lời bài hát:
Một chiều, anh bước đi
Em tiễn chân anh tận cuối đồi
Nghe dặn lời
Rằng chiến đấu đừng sờn lòng
Rằng sóng gió đừng sờn lòng
Đừng nề gian khổ
Những lời tâm tình đầy cảm xúc kết hợp với giai điệu bài hát vốn đã rất tình cảm tạo nên một bản phối đầy ủy mị buồn thương… đó cũng là lí do Lời Người Ra Đi có giai đoạn bị cấm trình diễn theo chỉ thị của lãnh đạo Bắc kỳ. Khác với Nam kỳ, cán bộ và lãnh đạo của quân đội miền Bắc luôn cho rằng những bài hát tình cảm làm ảnh hưởng đến dũng khí chiến đấu của quân và dân, âm nhạc phải mang tính chất hào hùng thôi thúc như nhạc đỏ chẳng hạn. Tuy nhiên cho đến tận hôm nay, theo ý kiến cá nhân của người viết cho rằng: nhạc vàng vẫn sống và phổ biến nhiều trong dân hơn nhạc đỏ, không riêng vì chất thơ ý nhạc mà nó còn mang cả một thứ mà nhân loại luôn cần đó chính là “tình”, bao gồm tình yêu, tình quân dân và tình người…
Máu còn rơi, xương còn rơi
Bao lớp người tiền tuyến tuôn ra
Ngăn quân thù dày xéo dân ta
Cho một ngày mới
Một nguồn vui tới
Xuân phơi phới
Khi những giai điệu của Lời Người Ra Đi vang lên, như mở ra một khung trời ly biệt của buổi chia ly đầy sầu thương. Đã là người vợ, người yêu của lính người con gái ấy hiểu rằng: máu xương của những người đứng đầu giới tuyến còn tuôn, để ngăn quân thù dày xéo dân ta (người dân Việt Nam nói chung) vì một ngày mới, một nguồn vui mới chờ đón một mùa xuân phơi phới… thì trong giờ phút tiễn biệt này, bao thương yêu nàng góp nhặt lại để dặn dò anh rằng, đã chiến đấu thì đừng sờn lòng, khi sóng gió đừng nề gian khổ. Trên bất cứ con đường nào nếu luôn tin tưởng và vững lòng thì ắt sẽ thành công.
Như giòng sông qua đại dương
Qua bao ghềnh và đá cheo leo
Gió mưa đừng sờn lòng em ơi
Mới tới ngày nắng ấm
Dù xa xôi em nhớ lời
Rằng muốn có một ngày về
Thì chiến đấu đừng sờn lòng
Đừng nề gian khổ, em ơi!
Đoạn chia tay như một lời đối thoại, nhắn nhủ đầy tình cảm của người đi và người ở. Người bước chân ra đi, như dòng sông băng qua đại dương, qua bao ghềnh đá cheo leo biết bao gian khổ hơn thế nhưng lòng anh chưa bao giờ sờn. Anh hiểu rằng phải đi qua những ngày mưa gió thì mới tới ngày nắng ấm. Dù xa xôi cách biệt thì anh vẫn sẽ nhớ lời em, rằng muốn có được ngày về trùng phùng thì chiến đấu đừng sờn lòng đừng nề gian khổ đúng không em?
Ngày nào nghe tiếng chim
Ca líu lo trên cành hoa đào
Em nhủ lòng
Rằng bóng dáng người tình về
Về đến bến đò đầu làng
Là giờ anh về…
Em thầm ghi, câu biệt ly
Ghi tiếng lòng của lớp ra đi
Đem cuộc đời về bến vinh quang
Cho một chiều đến
Một chiều lưu luyến
Sống trìu mến
Một ngày, khi tiếng đạn pháo không còn ta sẽ nghe rõ tiếng chim ca, đến lúc đó em tin rằng bóng dáng người tình sẽ về lại bến đò đầu làng… là giờ anh về lại bên em để nối lại đoạn tình duyên ngăn cách bấy lâu nay. Người yêu của lính là những người con gái hiểu chuyện đến đáng thương, qua các tác phẩm âm nhạc thời chinh chiến nói chung, dường như ta thấy những người yêu lính chưa bao giờ hờn trách, mà họ trân trọng sự hy sinh của các anh, những lớp người ra đi để đem vinh quang về cho cuộc đời… vậy mới có những buổi chiều ly biệt đầy lưu luyến và trìu mến biết bao.
Cho hồn ta dâng tình ca
Cho bao lòng thơm ngát hương hoa
Cho men đời ngào ngạt bao la
Cho ngày về ấm cúng
Ở đoạn cuối, khi giờ phút cách biệt đang đến thì tất cả mọi cảm xúc như vỡ òa, kết hợp giai điệu thôi thúc chợt dâng lên trong ta những luồng cảm xúc buồn riêng. Khi chia xa chúng ta thường hay hứa hẹn và ước mong đến ngày trùng phùng, con người bao giờ cũng thế giữa lúc ngăn cách ta lại nghĩ đến ngày đoàn viên, khi tuyệt vọng người ta vẫn sẽ tự tìm niềm tin để an ủi chính bản thân mình. Cũng như biệt ly sẽ làm nâng giá trị của ngày tao ngộ, ngày biệt ly buồn đau bao nhiêu thì ngày về lại ấm cúng và ngọt ngào bao la biết mấy… cho hồn ta dân tình ca cho bao lòng thơm ngát hương hoa.
Và em ơi em nhủ lòng
Rằng muốn hát bài trùng phùng
Thì em ơi đừng sầu lòng
Đợi chờ anh về, em ơi…
Kết thúc bài hát từng giai điệu và ca từ lại làm nâng giá trị của sự biệt ly lên đến đỉnh điểm. Đến lúc này ta mới nhận ra cả bài hát không hề bi lụy mà giá trị của nó mang lại như một liều thuốc chữa trị từ tâm. Khác với những lời kêu gọi tung hô để vực dậy một người lính, để sự ra đi của anh là gánh nặng để người ở lại chờ đợi là lo lắng và đau thương… thì việc chính anh giải tỏa những vướn bận của mình rằng muốn hát bài trùng phùng thì em ơi đừng sầu lòng đợi chờ anh về… em ơi! giờ đây có lẽ bước chân anh đã nhẹ nhàng nhàng hơn để tung bay trên khắp chiến địa quê hương và em sẽ nhủ lòng đợi chờ anh về… anh ơi!
Biên Soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc dongnhacvang.com
XIN TÔN TRỌNG TÁC QUYỀN
Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn dongnhacvang.com kèm theo link bài viết và tên tác giả. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. KHÔNG được đọc lại bài viết để tạo video trên YouTube… Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense.