Kỷ Niệm Thành Lập “Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương” Trên Bốn Vùng Chiến Thuật

0 1.690

Chỉ trong 10 năm sinh hoạt từ ngày thành lập 3 tháng 9 năm 1965 đến tháng 4 năm 1975, Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương gồm rất nhiều tài danh thượng thặng của nền văn nghệ thủ đô Saigon không quản ngại gió sương, bom rơi đạn nổ, đi khắp miền Nam Việt Nam ủy lạo chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Thay vì an phận thủ thường, chỉ đi hát trong những phòng trà hàng đêm hay trình diễn qua làn sóng phát thanh truyền hình, những người nghệ sĩ tự nguyện gia nhập Biệt Đoàn, cùng trải qua những hiểm nguy của chiến tranh để mang tài năng phụng sự cho đất nước nơi tiền tuyến. Mỗi người nghệ sĩ tự đảm nhận vai trò của một chiến sĩ văn hóa ở địa đầu chiến tuyến, đều đáng được xiển dương cho dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, và kết quả cuộc chiến đã không thuận theo chính nghĩa. Nhân ngày sinh nhật Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương năm nay, Thế Giới Nghệ Sĩ dành số báo đặc biệt và cùng thế hệ lớn tuổi hơn hồi tưởng những công lao đóng góp của một đơn vị văn nghệ đã hết long phụ vụ cho lý tưởng tự do.

Mỹ Chi, Kim Oanh, Giang Thanh, Vân Sơn (Nhóm AVT) – những nghệ sĩ của BĐVNTƯ

Trong khung cảnh thời chiến, một ban văn nghệ quân đội được chính quyền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa xem như ưu tiên hàng đầu. Ngày 1/4/1955, Trung Đội Văn Nghệ Lưu Động được thành lập. Sau đảo chính, năm 1964, một ban văn nghệ ra đời trong Tiểu Đoàn I Chiến Tranh Tâm Lý đóng tại thủ đô Saigon thuộc vùng III Chiến Thuật. Ban này quy tụ hơn 60 nghệ sĩ trong ngành tân cổ nhạc, vũ, kịch, ảo thuật… Đến năm 1965, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đưa ra sáng kiến lập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và sát nhập ban văn nghệ Tiểu Đoàn I Chiến Tranh Tâm Lý vào tổ chức mới. Biệt Đoàn gồm có Ban Đại Hợp Xướng Trung Ương, Ban Đại Hòa Tấu, Vũ Đoàn Dân Tộc, Tây Phương, Ban Hòa Tấu Jazz, Ban Kích Động, Nhạc, Ban Thoại Kịch… đi trình diễn khắp bốn vùng chiến thuật cho các chiến sĩ VNCH và đồng minh cũng như sang các nước lân bang như Lào, Căm Bốt, Thái Lan, Mã Lai… trong tinh thần ngoại giao.

Hàng ngồi từ trái : Mạc Can, Trần Quang, Một diễn viên xiếc, Thành, một bé hâm mộ, Phi Thoàn, Trúc Ly, Kim Oanh, Hạnh Dung, Bích Lê, Mỹ Chi, Dạ Lý Hàng đứng từ trái : Một cô, Tony, Một cô, Đường, Một Anh, Trang Mỹ Dung, Một Anh, Hương Huyền, Gọi, Huỳnh Hoa.

Ca sĩ Dạ Lý, một người sinh hoạt văn nghệ từ những ngày tiền thân của Biệt Đoàn cho đến khi mất nước, đã ghi lại những cảm nhận và lịch sử Biệt Đoàn cùng những quý vị nghệ sĩ từng dự phần trong một bài viết trước đây, được chị bổ túc và cho phép đăng lại trong số báo này nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Biệt Đoàn.

Đồng thời, số báo này cũng cố những bài viết về ban văn nghệ Tiểu Đoàn I Chiến Tranh Tâm Lý trích từ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số 134 phát hành ngày 15 tháng 6 năm 1965 và một bài báo về Biệt Đội Văn Nghệ Trung Ương kỷ niệm đệ nhất chu niên rút trong báo Chiến Sĩ Cồng Hòa số 145 phát hành ngày 1 tháng 6 năm 1966. Hơn nữa, còn những kỷ niệm của Phương Hồng Quế, Phương Linh, Kim Oanh…

Ca sĩ Dạ Lý của BĐVNTƯ và MC Trần Quốc Bảo.

Ca sĩ Kim Oanh, em của ca sĩ Dạ Lý, nhớ lại, chị vào Biệt Đoàn khoảng năm 1967 – 1968, thương quý nhất những lần đi diễn chung với các nghệ sĩ Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến, Phương Hồng Quế, Phi Thoàn, Khả Năng, ảo thuật Mạc Can, ban AVT… Chị kể một kỷ niệm rùng rợn sau Tết Mậu Thân 1968 đi hát ủy lạo ở Huế. Khi Biệt Đoàn đến thì các khách sạn đã đầy ắp người chạy loạn, đành vào một căn biệt thự của Pháp bỏ hoang. Ai ngờ đâu, biệt thự trống vì có… mà, do quá nhiều người chết trong đó, khiến mọi người trong đoàn văn nghệ bị một phen hú vía trong đêm nghỉ lại đây.

Những nghệ sĩ chờ phi cơ để đi trình diễn ngoài tiền đồn.

Sau biến cố 1975, một thời gian các nghệ sĩ Biệt Đoàn như chim vỡ tổ lưu lạc khắp bốn phương trời. Ca sĩ Dạ Lý kể lại, ngày 30 tháng 10 năm 1996, một số đông các anh chị em nghệ sĩ Biệt Đoàn tại hải ngoại đã thành lập Hội Ái Hữu Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương với mục đích tương thân tương ái, mở rộng vòng tay đón nhận những nghệ sĩ từng một thời phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa khắp bốn vùng chiến thuật. Ngày đó, gia đình ca sĩ Dạ Lý và người em Kim Oanh có nhà hàng Pagolac Bò Bảy Món nổi tiếng ở Little Saigon Nam California, đã khoản đãi một buổi tiệc họp mặt. Trong buổi họp, tuyệt đối đa số đã bầu ban chấp hành lâm thời cho Hội, gồm: Chủ tịch danh dự: nghệ sĩ Lữ Liên; chủ tịch điều hành: nghệ sĩ Hương Sắc; ban cố vấn: nghệ sĩ Ba Bé, nhạc sĩ Ngọc Chánh, nhà báo Lâm Tường Dũ; tổng thư ký kiêm thủ quỹ: ca sĩ Dạ Lý; phụ tá tổng thư ký đặc trách ngoại vụ: ca sĩ Phương Hồng Quế; phụ tá tổng thư ký đặc tránh nội vụ: ca sĩ Kim Oanh; ủy viên thông tin và liên lạc: Linh Thư; ủy viên tân nhạc: ca sĩ Xuân Sơn; ủy viên cổ nhạc: nghệ sĩ Minh Phụng; ủy viên kịch: nghệ sĩ Hương Huyền. Tiếc rằng điều kiện sinh hoạt, gặp gỡ không dễ dàng, thêm các nghệ sĩ cao tuổi cũng lần lượt từ trần nên cũng khó duy trì Hội.

Có một điều chắc chăn, dù hơn nửa thế kỷ trôi qua, Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương vẫn để lại dấu ấn khó quên một thời chinh chiến, in dấu qua những vùng lửa đạn bằng lời ca tiếng nhạc trên trang sử oai hùng.

MC Trần Quốc Bảo.

* Ảnh bìa là hình minh họa, không phải hình ảnh chính thức của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.