Đôi Nét Về Nhạc Sĩ Y Vũ

2 9.900

Nhạc sĩ Y Vũ là tác giả của rất nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như Tôi đưa em sang sông, Ngày cưới em, Kim, Điên, Hận, Tình hay Những tâm hồn hoang lạnh……

Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội, sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông là em ruột của cố nhạc sĩ Y Vân, từ nhỏ ông đã được anh của mình dạy âm nhạc, nghệ danh Y Vũ được lấy vần theo tên người anh ruột là Y Vân. Sớm quen biết trong giới nghệ sĩ, Y Vũ cùng Mạnh Phát và Huỳnh Anh là bạn nhậu với nhau, nhạc sĩ sống rất thoải mái và phóng khoáng vì thường dùng tiền bán các bài nhạc đi uống và nhảy đầm cùng bạn.

Tác phẩm đầu tay của ông là Tôi đưa em sang sông, ông viết về mối tình đầu với một nữ sinh chung trường, vừa sáng tác xong đưa cho anh ruột xem qua rồi mới xuất bản. Nỗi đau khổ ấy mang đến cho ông những xúc cảm, sau Tôi đưa em sang sông, ca khúc được ông tâm đắc Ngày Cưới Em lại thành công vang dội: “Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen…”

Ông yêu mến những giọng hát ngày xưa như Khánh Ly với bài hát Ngày cưới em, Giao Linh với bài bài Chuyện tình đầu. Trong những năm đầu tiên ra nghề, cũng như các nhạc sĩ khác, ông đi đánh contrabass cho ban nhạc của Y Vân chơi trong đại nhạc hội ở các rạp hát, rong ruổi theo người anh vừa chơi đàn vừa học sáng tác và hòa âm nhưng Y Vũ không dùng việc này để làm nên tên tuổi, chỉ thỉnh thoảng hòa âm cho một vài tác phẩm của bạn thân.

Nhạc sĩ chia sẻ, vì vốn là 2 anh em nên người ta thường nhầm lẫn hình ảnh của cả 2 rất nhiều trên các phương tiện truyền thông như các mạng xã hội và các web, họ thường nhầm lẫn khi lấy hình của nhạc sĩ Y Vũ thay vì Y Vân

“Cái này chú tủi cho vong linh ông anh chú, cái hình người sống sờ sờ thì đi đăng cái hình người đã mất. Thâm chí những chương trình lớn rạp hát Hòa Bình hay những chương trình trên đài cứ để hình chú thành hình Y Vân, chú có lên báo đính chính rồi, mãi sau này báo mới đính chính lại cho chú. Chú cần điều đó vô cùng”

Ông còn nhấn mạnh, vì ông anh Y Vân hút thuốc rất nhiều, thường vừa hút vừa hòa âm, hết điếu này đến điếu khác, nên không bao giờ có thời gian gắn tẩu lọc, còn riêng Y Vũ có thói quen gắn thêm tẩu.

Ngoài sáng tác, Y Vũ còn dạy nhảy đầm, ông mở lớp nhạc và khiêu vũ, ông học khiêu vũ từ sách của Pháp và ôm gối để nhảy, sau đó ông đi vũ trường học thêm nhiều người nhảy với nhau và nhanh chóng làm quen với rất nhiều người bạn vũ sư, những tay nhảy đầm rất giỏi thời bấy giờ.

Năm 1963, Y Vũ thường ra Vũng Tàu nhảy đầm rồi quen với một vũ nữ tên Kim ở vũ trường Blue Star, sau đó họ trở thành tình nhân. Ông lúc đấy đã dẫn cô Kim về giới thiệu cùng gia đình, và cả nhà đều mến thương cô. Thời gian bên nhau, sợ nhạc sĩ Y Vũ phải lo buồn nên Kim đã giấu chuyện là cô bị mắc bệnh tim. Đáng lẽ bệnh này cần tĩnh dưỡng, nhưng vì hoàn cảnh nên hàng đêm cô vẫn phải đi làm kiếm sống nơi vũ trường. Một ngày kia ông đang ở Sài Gòn thì nhận được tin Kim qua đời vì bệnh tim. Trong niềm thương tiếc, ông hồi tưởng lại những ký ức tươi đẹp rồi viết thành bài hát Kim để tưởng nhớ người yêu. Bài hát Kim được xuất bản tờ nhạc ngày 17/7/1965

Trong bài hát có 2 câu nói lên nỗi buồn tủi cho thân phận người vũ nữ Kim, ví như một bông hoa nở trong mùa mưa nên bị dập vùi:

[Em như hoa nở trong mùa mưa. Sống giữa khi trời đất giông tố]

Một bài hát khác viết về thân phận người vũ nữ là Những Tâm Hồn Hoang Lạnh (Thanh Thúy trình bày). Y Vũ cho biết ông có trình độ khiêu vũ tốt nên có nhiều vũ nữ đã nhờ ông kèm thêm cho họ. Sự gần gũi đó đã làm cho ông thương cảm cho hoàn cảnh cuộc sống của những người vũ nữ nơi vũ trường, và viết thành bài hát Những Tâm Hồn Hoang Lạnh để tặng riêng cho họ.

Bài hát này ông viết chung với người bạn thân là nhạc sĩ Trúc Sơn Ngoài ra Y Vũ cũng cho biết ông có hai người bạn nghệ sĩ thân thiết khác là sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa và ca – nhạc sĩ Trường Hải, ông còn thân với ca sĩ Thanh Thúy và ca sĩ Minh Hiếu.

Trước năm những năm 1974, thay vì đi đánh nhạc kiếm sống như những nhạc sĩ khác, Y Vũ chỉ đi nhậu và vũ trường, nếu có làm thêm ban đêm thì chỉ đi làm giúp bạn.

Ngoài những dòng nhạc kích động, mang âm hưởng slow, blue, nhạc sĩ còn sáng tác những ca khúc nói về biển như Thủy thủ và biển cả, Tâm sự thủy thủ – ông viết về tâm sự của những người dân thường đi biển nhưng bài hát lại được coi như viết cho hải quân vì Hùng Cường lúc thâu âm lại mặc đồ lính hải quân.

Nhằm đánh dấu riêng phong cách nhạc của mình, Ông còn có nhưng ca khúc đặc biệt tựa đề chỉ có 1 chữ ví dụ như là Kim, Điên (viết trong tình trạng điên đảo về một mối tình, ông kể rằng cứ lơ ngơ, chìm trong men say, đi lang thang trên đường phố một thời gian dài, sau này dần hồi phục thì mới viết bài điên), Hận và bài Tình. Riêng bài Tình được ca sĩ Lan Ngọc thâu âm bên hãng dĩa Sóng nhạc nhưng không được phổ biến trên mạng.

Khi được phỏng vấn về các hoàn cảnh sáng tác các bài nhạc, ông chia sẻ nhiều khi tức cảnh sinh tình, vô tình đọc các mẩu truyện trên sách, báo, thấy hoàn cảnh người khổ đau là có thể viết được bài tâm sự chứ không phải lúc nào cũng là chính mình trong đó. Ví bài Chuyện loài hoa dang dở được ông viết khi vừa đọc xong một cuốn sách.

Bài hát năm 2000 được ông sáng tác năm 1970, ông tưởng tượng viến cảnh cuộc sống xã hội mấy chục năm sau sẽ ra thế nào rồi phóng tác ra bài đó, sau khi viết xong bài này rồi thì danh ca cải lương nghệ sĩ Thành Được – làm chung với Y Vũ trong biệt đoàn văn nghệ trung ương- có mở lời nhờ nhạc sĩ tập cho mình bài năm 2000 và bài Tôi đưa em sang sông để Thành Được đi hát tân nhạc.

Ông còn nhắc về người vợ cần mẫn của mình, tuy không tham gia vào giới văn nghệ sĩ, nhưng cô rất hay nghe nhạc của ông sáng tác và vô cùng yêu thích bài Ngày mai không có anh do Giao Linh trình bày, mỗi lần cô nghe bài đó đều khóc vì sợ đến cảnh một mình khi mất đi người chồng của mình. Ông có sáng tác bài hát Trôi theo dòng đời tặng riêng cho vợ của mình, người cùng ông chia sẻ những ngọt bùi đắng cay.

Sau 1975, có thời gian ông phải đi làm rừng, làm công trường xây dựng, phụ hồ, sau lại đi bán ve chai, mãi đến năm 90 nhạc sĩ Nhật Bằng mới gọi Y Vũ về làm chung việc hòa âm cho dòng nhạc thể nghiệm trên câu lạc bộ Bến Nghé.  Y Vũ sau này còn làm cho nhà hàng Arnold ở Sài Gòn do một người bạn mở, được chủ nhà hàng cấp cho một căn phòng nhỏ ở tạm qua ngày.

Nhạc sĩ Vinh Sử và nhạc sĩ Dzoãn Bình có đến tận nhà ông khuyến khích ông sáng tác lại, ông viết vài tác phẩm mới và để cho khá nhiều hãng đĩa như Rạng Đông, Kim Lợi, Sài Gòn Audio (Sầu nhớ, Đôi ta, Bốn màu bốn mùa, …)

“Tôi đã về ở quận 12, nhà có một cái vườn nhỏ coi như ẩn dật rồi, mà cũng không muốn hoạt động về nhạc nữa. Sau này có mấy cháu phóng viên hỏi thăm liên hệ tôi mới hoạt động góp vui, chứ sau khi nghỉ ở Arnold là tôi không muốn sống về nghề nhạc nữa”.

Nhật Hà Tổng Hợp.

2 Comments
  1. vũ thành nói

    trang có số ĐT của nhạc sĩ y vũ kg?, cho tôi xin, chú y vũ là thầy dạy nhạc của tôi ngày xưa đã thất lạc nhau từ ngày giải phóng, cám ơn trang rất nhiều.

    1. Phúc Ben nói

      bạn có thể email riêng về dongnhacvang@gmail.com nhé.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.