Đôi Nét Về Nhạc Sĩ Đỗ Kim Bảng | Tác Giả ‘Mưa Đêm Ngoại Ô’
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng sinh ngày 5 tháng 6 năm 1932 tại Huế nhưng quê gốc ở Quảng Nam. Thuở nhỏ ông sống với gia đình ở Đà Lạt & Huế. Thời gian này ông học đàn với Lê Quang Nhạc, nhạc lý với Văn Giảng, nhạc cổ truyền với Nguyễn Hữu Ba.
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng từ nhỏ đã có năng khiếu âm nhạc, ông đã chớm viết nhạc từ khoảng năm 15 tuổi nhưng không hợp ý nên không hoàn thành tác phẩm, đến năm 16, 17 tuổi ông đã sáng tác bài Mục Kiền Liên trong phong trào Phật giáo đang nở rộ ở Huế. Bài được hát một thời gian và sau này được Hà Thanh thu dĩa
Trong thời gian khi ông còn đang theo học lớp Đệ Tam trường Khải Định ở Huế, nhạc sĩ đi xem những kì thi để cảm nhận được những điều vui buồn và nhất là lúc đó Lê Thương đã có những bản nhạc đặt theo nhịp mới như như bài Người chơi độc huyền … đã tạo cảm hứng cho Đỗ Kim Bảng đặt bản nhạc đầu tiên ngoài nhạc đạo ra đó là bài Mùa Thi – bài hát được xem như là bản nhạc gối đầu của những học sinh trước và sau 75. Nhưng viết Mùa Thi xong, ông cũng không làm gì vì ban đầu viết ra cũng chỉ vì niềm vui thích cá nhân là chính. Nhưng Đỗ Kim Bảng đã không ngờ sau khi nhạc phẩm Mùa Thi của ông được trình bày trong dịp phát phần thưởng của trường Khải Định vào mùa Hè năm 1952 đã được giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa là ông Tăng Duyệt để ý, ông đề nghị Đỗ Kim Bảng bán tác quyền cho ông với giá 1000 đồng 1 năm để nhà Tinh Hoa phát hành.
Ngoài ra bài Mùa thi còn được ban hợp ca Thăng Long trình bày tại Sài Gòn trong nhạc cảnh Mùa Thi vô cùng thành công gồm 3 ca khúc Học Sinh Hành Khúc (Lê Thương), Hè Về (Hùng Lân) và Mùa Thi. Sau đó, khán giả Hà Nội cũng bị nhạc phẩm này thu hút sau khi ban Gió Nam ra đây trình diễn. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, Mùa Thi đã được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.
Bài hát Vòng tay giữ trọn ân tình sáng tác khi nhạc sĩ tham gia chương trình Chiêu Hồi do chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa phổ biến, chương trình được sự góp mặt của rất nhiều những tác giả tên tuổi như Hoàng Trọng, Nhật Bằng, Nguyễn Hiền, …Đỗ Kim Bảng đã khéo léo lồng ghép hình ảnh người thiếu phụ ngày ngày mong ngóng người chồng đi xa trở về để viết nên bài Vòng tay giữ trọn ân tình. Tuy nhiên bài hát này khi viết ra thì nó lại giống một bài nhạc tình hơn là một bài tuyên truyền cho nên ông đã nhờ Y Vân đặt thêm lời thứ 2 nữa mang một tầng ý nghĩa kêu gọi người chồng đang lạc lối trở về với mình. Chương trình Chiêu Hồi rất thành công vì đã có gần hai trăm nghìn người Chiêu Hồi trở về với chính phủ Miền Nam.
Bên cạnh việc sáng tác là một người nhạc sĩ, công việc chính của ông là một giáo viên xuất thân từ Cao Đẳng Sư phạm, sau khi đậu tú tài ở Huế, ông cùng một số bạn bè nữa đã ra Hà Nội vừa học Cao đẳng vừa học Văn khoa. Đến năm 1954, ông vào Sài Gòn theo học tiếp năm thứ 2 tại trường Cao Đẳng Sư Phạm và ở lại luôn miền Nam. Năm 1955, ông ra trường và được biệt phái về dạy văn hóa tại trường Võ Bị Đà Lạt.
Qua năm 1960, ông được trả về bộ Giáo Dục và dạy ở trường Trần Lục sau này đổi thành trường Nguyễn Du, dạy cho các học sinh di cư.
Nhạc phẩm Mưa Đêm Ngoại Ô được Đỗ Kim Bảng sáng tác năm 1961 trong những đêm nghe tiếng mưa rơi ngoài song cửa, ông đã cảm tác mà viết thành bài hát này. Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, giám đốc nhà xuất bản nhạc Tinh Hoa Miền Nam đã mua nhạc phẩm này in 1000 bản, nhưng trong suốt một năm chỉ bán được khoảng 300 bản nhạc tờ. Cho đến khi Duy Khánh mua lại nhạc phẩm đó, nhờ biết cách “lăng xê” nên Mưa Đêm Ngoại Ô chẳng mấy chốc đã trở thành nổi tiếng sau khi được phát thanh rất nhiều lần trên các chương trình ca nhạc trên đài phát thanh cũng như đại nhạc hội, Mưa Đêm Ngoại Ô được biết tới nhiều nhất với tiếng hát Hương Lan.
Năm 1963 ông sáng tác bài Bước chân chiều chủ nhật, vì nỗi tịch mịch nhưng lại thanh thản của một người Sài Gòn vào những chiều cuối tuần cùng với nỗi luyến tiếc khi bắt đầu một tuần mới đầy nhộn nhịp.
Đến năm 1965, thêm một nhạc phẩm khác của Đỗ Kim Bảng được gửi đến người nghe và cũng gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt với tiếng hát Duy Khánh. Đó là nhạc phẩm “Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu” ông viết theo cảm nhận luyến tiếc về cuộc đời của một nữ ca sinh.
Đỗ Kim Bảng vượt biên vào năm 1980 sống tại Boston, tiểu bang Massachusetts. Ông tự nhận đùa mình là người “bạ đâu xâu đó”, gặp dịp nào thì sáng tác dịp đó. Ông sau khi ra hải ngoại cũng sáng tác một số bài tình cảm nhưng sau này cũng chưa ai hát vì ông vốn không quan tâm đến mấy việc “lăng xê” hoặc ra demo của các chương trình nhạc hội. Trong thời gian ở Boston, ông chỉ thỉnh thoảng phổ nhạc từ những thi phẩm của những nhà thơ nổi tiếng ở vùng đông bắc Hoa Kỳ như Trần Hoài Thư, Trần Trung Đạo, Hoàng Lộc,… bài tâm đắc nhất của ông là Tháng Ba đi hành quân, thơ của Trần Hoài Thư.
Tuấn Văn.
Các bạn có thể xem thêm buổi phỏng vấn của chương trình The Jimmy Show với nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng.