Chợt Nhớ Về Danh Ca Thái Thanh

0 3.344

Sài gòn; những năm 60′- 70′.
Đài Truyền hình Việt Nam băng tần số 9 ; đóng đô ở đường Hồng thập tự ngang sân Hoa Lư. Lúc này còn phát màu đen trắng, nhưng những chương trình văn nghệ đã phát triển mạnh mẽ. Các nghệ sĩ ca sĩ nổi tiếng nhất, tự đứng ra làm show chuyên biệt hàng tuần đã đông đảo lắm.

Ban thoại kịch Kim Cương, chương trình Trường Sơn của Duy Khánh, show Tiếng hát đôi mươi với Nhật Trường; show kích động nhạc của Mai Lệ Huyền, ban Kịch Sống Túy Hồng Lam Phương, show vĩ đại ca vũ nhạc kịch Hoàng Thi Thơ, Khánh Ly show., đại ban Dạ lý Hương với Hùng Cường- Bạch Tuyết… Làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ thủ đô.

Tại sao tên tuổi nữ danh ca được báo chí phong tặng đệ nhất ca sĩ Việt nam: Thái Thanh, lại không làm chương trình riêng? Vì bà quá bận rồi. Mời được danh ca độc quyền cho phòng trà mình không phải là dễ. Queen bee với ban nhạc Shotgun danh tiếng hàng đêm…. Khi Thái Thanh bước ra sân khấu, khán thính giả đã vỗ tay vang dội không dứt. Họ bao giờ cũng ngồi đến cuối để được nghe ca sĩ cây đinh hát cuối cùng.

Nữ danh ca luôn luôn mặc áo dài, thường hát commence ( hát mở màn) bài Dòng sông xanh ( cổ điển Tây phương, J.Strauss, lời Phạm Duy), lời nhạc vang lộng với tiết tấu valse chập chùng như sóng nước biếc xanh thẫm , nơi kinh thành Châu âu vài trăm năm trước.Ru hồn khách mộ điệu say đắm dêm nay..

⚘Một ca sĩ thành danh nhờ đóng đinh khán thính giả một vài bài hit. Viết về Thái Thanh thật khó; vì hầu hết các bài hát của bà đều là những bài không đối thủ. Danh ca đã hát qua rồi, những ca sĩ nổi tiếng khác cũng không muốn hát lại. Đặc biệt lối hát vừa dân tộc ; âm hưởng dân ca ; chầu văn , thơ sa mạc; ca trù..của bà. Trộn lẫn với phong cách Tây phương ngân dài các quãng trường canh bất tận. Chất giọng nữ kim mỏng lirico soprano. Nghe qua tưởng chói. Thật sự quá ngọt lẫn tình. Với cách sắp chữ nhả hơi thần sầu không ai bắt chước được .

” Tôi yêu tiếng nước tôi.
Từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời..
À ơi…tiếng ru muôn đời..”
(Tình ca – Phạm Duy)

Nghe sang cả mà thấm đẫm hồn dân tộc, ai người Việt nam mà không nức nở tiếng lòng với danh tác này?

???? Thái Thanh tên thật Phạm thị Băng Thanh. Sinh năm 1934 tại Bạch Mai, Hà nội. Bố mẹ là những nghệ sĩ dân gian thực thụ. Các anh trai Hoài Trung( Phạm đình Viêm); Hoài Bắc ( Phạm đình Chương), chị gái Thái Hằng, anh rể Phạm Duy ..đều là những cây đa cổ thụ trong làng tân nhạc Việt nam những năm đầu thế kỷ hai mươi. Theo giòng dân tộc; năm 54 bà theo ban hợp ca Thăng Long của gia đình di cư vào Nam. Bỏ lại sau lưng đất Bắc với những ngày chiến khu gian khổ.

???? Giai đoạn 54- 75.
Hai mươi năm âm nhạc Vietnam càng chấp cánh cho giọng hát huyền thoại này. … đầu thập niên 70 vừa qua tuổi thiếu nhi, tôi cũng đã biết ” mê ” nhạc Phạm Duy – Thái Thanh.

” Trời hôm nay mưa buồn hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay..”
( Tuổi 13- Ngô Thụy Miên)

Đúng ngay tâm trạng của một thằng bé mập ú mà cũng đã biết nhớ nhung vớ vẩn.. Tiếng hát tài tình chinh phục cả tầng lớp trung lưu lẫn bình dân. Đứa con nít cũng biết cũng thương. Chị công nhân thuộc lớp cần lao, mê nghe vọng cổ, nhưng cũng thích nhạc ” sang” hợp ca Thăng Long với chủ bài Thái Thanh..

” Đường về canh thâu.
Đêm khuya ngõ sâu như không màu..”
( Xóm đêm- Phạm đình Chương)

Hẻm nhỏ đêm mưa sụt sùi.. Sao người nghệ sĩ hiểu kiếp nghèo đô thị thế? …Chi.ến tranh đang hồi cao trào. Cả hai miền vào cuộc chiến đầy những mất mát. Khác với miền Bắc chỉ dùng nhạc cổ động. Saigon người nghệ sĩ tùy tâm trải dài tâm tình con người trong thời loạn lạc. Biết ra đi có thể là đi mãi không về, lòng trai thời loạn chấp nhận rủi ro; chỉ chút nặng lòng người ở lại..

” Trả lại em yêu khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát..
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó..”
( Trả lại em yêu- Phạm Duy).

Thái Thanh chuốt từng chữ rất kỹ. Chan nỗi niềm vào từng câu hát. Cái kiểu hát điệu đà, phát âm nối chữ lơ lớ của bà thật là xảo diệu. Có một trên đời. Bài hát làm cô bị khó dễ bên Nha Thông tin một thời gian. Là bài “Kỷ vật cho em”. Nỗi niềm người thương phế binh trở về thành phố. Tan hoang đời bại trận tình.

” Anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuan
Bên người yêu lạnh lùng chai đá..”
( Kỷ vật cho em – Phạm Duy).

Thái Thanh là người nghệ sĩ vị nhân sinh, vì con người.
Không luồn ai hết, đi lên bằng tài năng thiên bẩm và khổ luyện không ngừng .

..???? Thành phố HCM .Năm 1976.
Thái Thanh kẹt lại với năm con nhỏ ( Ý Lan đã lớn nhưng không đi hát). Ủy ban lâm thời thành phố Saigon- Gia định, có mời hát lại nhưng bà từ chối với lý do sức khỏe. Đoàn Kim Cương mời hát lại bà cũng giữ nguyên ý kiến. Duy nhất một lần hát trên đài Giải phóng thành phố bài Quê em , nhạc từ hồi chống Pháp.

” Quê em miền trung du
Đồng xuôi lúa xanh rờn
Giặc tràn lên đốt phá ..”
(Nguyễn đức Toàn)

Và thỉnh giảng một thời gian rất ngắn ở trường Quốc gia Âm nhạc ( cũ) ; rồi thôi. Giai đoạn mười năm ( kế hoạch năm năm lần thứ hai). Cả nước đói khổ ăn độn khoai sắn triền miên. Ai cũng gầy mòn buồn bã. Ca sĩ nổi tiếng cũng phải chung vận nước nổi trôi tiều tụy.
Có hát thì cũng thầm trong lòng, tiếc nuối những yên vui ngày cũ.

” Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ..”.
( Nửa hồn thương đau – Phạm đình Chương)

Hoa Kỳ, Năm 1985, Bà định cư tại Mỹ.
Trong vòng tay cộng đồng dân tộc nồng nhiệt đón chào. Thái Thanh như con chim sổ lồng tự do bay nhảy. Nhưng cuộc sống hải ngoại khác hẳn với những Đêm màu Hồng, Queen Bee, phòng trà Tự Do..hằng đêm xe hơi bóng loáng, y phục sang trọng; nữ trang lấp lánh. Bà trở về ngoài những show diễn xuyên bang ; là người phụ nữ quả cảm với sáu con ( trong đó có hai con bệnh nặng)

” Cô Thái Thanh chắc là ca sĩ Vietnam duy nhất đông con, mà khán giả khắp nơi vẫn tròn mến mộ, không chán”. ( Phương Hồng Quế, báo Kịch ảnh, trước năm 1975).

Ngoài 70; nữ ca sĩ đội tóc giả, áo dài trắng; cặp vở nghiêng che, hóa thân thành cô nữ sinh trung học ngây thơ nũng nịu.

“Em tan trường về Đường mưa nho nhỏ.
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay”
(Ngày xưa Hoàng thị “-Phạm Duy)

⚘”Tiếng hát vượt thời gian” là như thế đấy ..chỉ có bắt đầu không bao giờ có kết thúc. Ý Lan nổi lên nhanh chóng thành sao hạng A hải ngoại; thì Thái Thanh sau bao biến cố cuộc đời, đã mệt nhoài. Sau cái chết của bà Thái Hằng ( vợ ông Phạm Duy), anh ruột Phạm đinh Chương, nhất là con trai út qua đời. Bà đột quỵ nhiều lần. Những năm cuối đời Ý Lan thương mẹ nồng nàn nhưng phải đi hát khắp nơi. Bà Thái Thanh phải vào viện dưỡng lão Age care với bệnh lúc nhớ lúc quên. Những khi tỉnh táo bà đặc biệt bà nhớ tiếc hào quang đỉnh cao: hai mươi năm đệ nhất ca sĩ tân nhạc Sài Thành. Nhớ quê hương da diết, chợ Đại , Kim Sơn , Thanh Hóa ..đất Bắc đã quá xa nghìn năm mây trắng. Bà với tay lấy lọ thuốc nhỏ đầu giường, hát thì thầm như một thứ phản xạ lập trình vô thức..

“Tôi yêu tiếng nước tôi.
Từ khi mới ra đời người ơi.
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À ơi tiếng ru muôn đời. ”
( Tình ca- Phạm Duy).

Sau này khi ý thức hệ trong nước đã thay đổi, nhạc Phạm Duy được trình bày lại với nhiều thế hệ ca sĩ khác nhau.
Những danh ca đàn em nổi danh không kém như Khánh Ly, Lệ Thu vẫn tương kính không ” dám ” hát lại những bài chốt của đàn chị. Các ca sĩ trẻ cũng cố gắng thể hiện phần nào. Làm công chúng hâm mộ càng thêm tiếc nuối một tài năng huyền thoại.

” Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Nước sông Hồng đỏ vì chờ mong”
( Tình ca)

Tấm lòng yêu quê hương đất nước băng qua bao không gian, dừng chân bao quãng thời gian. Nay không còn nữa. Thái Thanh qua đời tại Mỹ ngày hôm qua, vì bệnh già.
Để lại bao nhớ tiếc cho khán thính giả ( lớn tuổi)và đồng nghiệp. Giọng ca nay đã tắt lịm. Nhưng huyền thoại còn sống mãi.

” Nghìn trùng xa cách
Người đã di rồi
Còn gì đâu nữa
Mà khóc với cười..”
( Nghìn trùng xa cách- Phạm Duy)

➕ Vĩnh biệt cô Thái Thanh.
( Tuan Tony,
Sydney ,18/3/20)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.