Cảm Nhận Về Ca Khúc “Thân Phận” Của Nhạc Sĩ Lê Mộng Bảo

0 2.519

Tối qua có người, đến nhà xin bỏ trầu cau
Ba me đón chào, chuyện hỏi cưới bàn thật lâu

Em buồn em khóc, biết bao nhiêu
Nhớ anh và thương, anh thật nhiều.
Nhưng lòng giận anh, mình yêu nhau
Cớ sao không tìm nhau.

Me thương em, đến bên giường nằm
Hôn trán em thì thầm:
“Con nhỏ này dại ghê
Mẹ chọn nơi quyền quý
Người ta thế mà chê !

Nhà họ sang giàu lắm
Một bước lên xe hơi
Con khỏi phí cuộc đời

Cưng nghe mẹ đi con
Hai lần hai là bốn
Thực tế vậy mà khôn”

Vắng anh thấy buồn, khóc hoài không ngủ cả đêm
Gió mưa trước thềm, đèn le lói càng buồn thêm

Em là con gái, yêu hôm nay
Biết sao ngày mai, trong cuộc đời
Xin đừng bỏ em, đừng xa em
Dưới cơn mưa trời đêm.

Ca khúc “Thân Phận”, một sáng tác của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, nội dung nói đến thân phận của người con gái trong gia đình thời bấy giờ phải chịu sự sắp đặt, vâng theo lời cha mẹ trong cảnh hôn nhân bị ép buộc, không được lấy người mình thương mà phải lấy người mà người lớn đã chọn. Bài hát như là lời than thân trách phận của người con gái trong cảnh bị cha mẹ ép gả cho nhà giàu, người mình không thương. Còn người mà mình một lòng thương nhớ thì lại không ngỏ lời hỏi cưới để mình trong tình cảnh như vậy. Để rồi người con gái phải trải qua cảm giác của sự đau khổ triền miên, trằn chọc suốt đêm dài để chọn lựa giữa nghĩa và tình.

Ngược dòng thời gian của những năm trước 1945, chúng ta nên hiểu rằng vai trò của người phụ nữ được ví như: “Thân cò lặn lội bờ ao – Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” để ta hiểu được một phần nào mình chứng cho người phụ nữ xưa thường bị gạt ra lề cuộc sống thiết yếu lại đầy tính gia phong cổ hủ. Bị dồn nén vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Vì vậy người con gái khi ở nhà phải một mực vâng lời cha mẹ. Số phận là do cha mẹ sắp đặt sẵn với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không có sự lựa chọn dù cho con mình đã có người thương.

Đến sau 1945, người phụ nữ có tiếng nói riêng, được quyền bình đẳng như nam giới, tam tòng đối với nữ giới không còn đặt nặng. Tòng phụ chỉ đơn giản là lễ phép, hiếu thảo, vâng lời cha mẹ, tòng phụ cũng không còn là ép duyên hay gả bán con gái. Nhưng chỉ là một phần vì công cuộc bình đẳng giới là công cuộc lâu dài không thể tuyệt đối thay đổi được ngay quan niệm của mỗi người, mỗi gia đình. Cho nên, tuy bài hát được viết sau năm 1946 nhưng cũng một phần nào nói lên sự phong kiến của ngày xưa.

Xưa việc dựng vợ gả chồng là việc của ông bà, cha mẹ, làm con nhất là thân con gái thì phải biết vâng lời, phải chịu sự định đoạt duyên phận của mình “Tối qua có người đến nhà xin bỏ trầu cau. Ba me đón chào chuyện hỏi cưới bàn thật lâu”. Người con gái bị ép lấy người mình không thương với những lý do mà người lớn cho rằng nó tốt cho con mình nào là: “mẹ chọn nơi quyền quý, nhà họ sang giàu lắm, một bước lên xe hơi…” và họ cho đó mới là hạnh phúc. Họ tự cho mình cái quyền được đình đoạt số phận con mình mà không cần quan tâm đến cảm nhận cũng như mong muốn của con mình.

Còn với người con gái dù đã có người để mình thương, mình nhớ nhưng cũng hiểu được trong hôn nhân mình không có quyền được lựa chọn, chỉ biết được yêu, được bên cạnh người mình yêu được ngày nào hay ngày đó vì: “em là con gái… yêu hôm nay, biết sao ngày mai trong cuộc đời”. Dù là biết mình không có quyền được chọn lấy người mình yêu, nhưng cô gái vẫn một lòng mong muốn khi mình còn được phép yêu thì được người yêu bên cạnh. Bởi vì khi nghe tin dữ “em buồn em khóc biết bao nhiêu” chỉ mong ngay lúc này có anh đang kề cạnh, mặc dù lòng em vẫn chút hờn giận, trách móc anh, khi em và anh yêu nhau nhưng “cớ sao không tìm nhau”. Để mặc em giờ đây giữa đêm gió mưa, ngồi đây với ngọn đèn le lói làm lòng này thêm buồn khóc thương, giấc ngủ không thành với bao suy nghĩ, chằn chọc. Anh ơi giữa nghĩa với tình em nào biết chọn ai cho vẹn tình chọn nghĩa bây giờ. Chỉ mong anh ngay lúc này “xin đừng bỏ em đừng xa em, dưới cơn mưa trời đêm” như thế. Vì bao cô đơn, lẻ loi đi kèm với bao nỗi buồn thương càng làm lòng em thêm nặng trĩu.

Khi nghe bài hát lòng ta sẽ không khỏi xót thương cho thân phận của người con gái thời xưa. Bị ngăn cấm, bị sắp đặt trong hôn nhân, không được lấy người mình yêu làm chồng, mà phải lấy người mà cha mẹ đã lựa chọn để làm chồng mình. Đau xót thay cho một người con gái khi quyền quyết định hạnh phúc không thuộc về mình, bài hát cũng là tiếng lòng của cả một kiếp người, làm thân phụ nữ trong xã hội xưa.

Lưu Giang.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.