Cảm Nhận Về Ca Khúc ‘7000 Đêm Góp Lại’ Của Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng
Với người yêu nhạc, ta thấy rằng từ thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, đã có rất nhiều nhạc sĩ viết về cái móc của con số 20 năm. Quay về dòng lịch sử, ta nên nhớ rằng, các cuộc chinh chiến nổ ra từ thập niên 1940, và bắt đầu lan rộng từ giai đoạn 1954 – 1955, cho đến thập niên 1960, thì dân tộc ta trải qua các cuộc chinh chiến hơn 20 năm.
Một con số được nhiều nhạc sĩ đưa vào trong bài hát của mình như nhạc sĩ Duy Khánh đã viết: “Hơn 20 năm chinh chiến điêu tàn, đau xót vô vàn…” trong bài Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, sáng tác vào khoảng năm 1965-1966; nhạc sĩ Anh Bằng nhắc đến 20 năm trong bài hát Ngoại Ô Buồn sáng tác vào khoảng năm 1967: “Hơn hai mươi năm lửa binh tàn phá vùng ngoại ô lắm khổ đau…”. Còn với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng qua bài 7000 Đêm Góp Lại, nếu ta làm một phép tính nhân chia cộng trừ thì cũng ra con số gần 20 năm. Với lời đề tựa: 7000 đêm, gần hai mươi năm. Thời gian đó đủ cho ta sự trưởng thành, đủ cho ta sự… già nua…
Hai mươi năm cũng là cái mốc của một đời người: Tuổi 20 của thanh xuân, của thời trai trẻ, là cái tuổi để trưởng thành. Đó cũng là ý nghĩa trong hai bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trong nhạc phẩm: 7000 Đêm Góp Lại.
Bảy ngàn đêm góp lại thành lời tường tận tình đời.
Qua bảy ngàn đêm, những người trai thành sử rạng ngời.
Những người em thấm ngọt son môi.
Tại sao lại là 7000 đêm, phải chăng qua 7000 đêm là hai mươi năm đủ để những người trai thành sử rạng ngời và những người em thấm ngọt son môi. Qua 7000 đêm, những chàng trai, cô gái sẽ trưởng thành, sẽ tiếp nối trận đường phía trước của các bậc cha ông ta. Hai mươi năm đủ cho một người có sự chính chắn và có sự trưởng thành từ trong cách suy nghĩ cho đến hành động để có thể gánh vác trên vai những trọng trách của thời cuộc.
Bảy ngàn đêm ta biết yêu rồi.
Em về với người, cho chị thêm vui.
Anh lớn khôn rồi, anh ra chiến trường cho mẹ anh thương.
Ôi! Cả thời gian, tóc mẹ bạc màu, áo chị sờn bâu.
Đêm qua đêm súng ru em ngủ, còn đâu nồng nàn.
Bảy ngàn đêm giấc ngủ chưa tròn.
Giấc ngủ hao mòn, cơn mơ thành bại, mắt còn đỏ hoe.
7000 đêm đi qua, là cả thời gian đã làm tóc mẹ bạc màu, áo chị cũng sờn bâu. Là 7000 đêm súng rủ em ngủ, giấc ngủ hao mòn chưa bao giờ được tròn, vì tiếng súng giặc thù vẫn còn đó thì tiếng oán hờn ngày đêm vẫn còn vang nơi nơi, vì cơn mơ thành bại vẫn chưa dứt thì bao nước mắt đau thương vẫn còn đeo bám và bao thế hệ phải tiếp tục ra sức gồng gánh.
Những vành môi khép lại chờ người dành trọn nụ cười.
Ôi! Bảy ngàn đêm, những người anh bày tỏ tình đời.
Những người em hết dạ thương tôi.
Bảy ngàn đêm ta biết yêu người.
Dẫu về với người chưa trọn đêm vui.
Qua phút êm đềm, nay ta đã thành duyên nợ trong tim.
7000 đêm, cũng là hai mươi năm để biết tình đời lần đầu, rồi qua những phút êm đềm nào đó sẽ nuôi dưỡng tình đầu ấy để kết thành duyên nợ. Ta thấy rằng đó là tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ, dẫu biết rằng về với người chưa được trọn đêm vui vì vẫn đang trong thời ly loạn nên niềm vui chưa trọn đã phải ra đi để làm tròn trách nhiệm với quê hương.
Ta trở về đây, tóc mẹ bạc màu, áo chị sờn bâu.
Đêm thiên thâu với em ru ngủ bằng câu chuyện tình.
Bảy ngàn đêm mắt tỏ canh mờ.
Giấc ngủ mong chờ qua cơn thành bại bây giờ là đây.
Để rồi khoảnh khắc hiếm hoi người lính trận trở về đây đoàn tụ với những người hậu phương thương mến, nhìn những người thân yêu vì chờ đợi, lo lắng mà trở nên héo mòn. Được bên cạnh người mình thương mà trở thành đêm thiên thu dài bất tận. Khoảnh khắc trở về đoàn tụ ấy thì bao khó khăn, gian khổ, thành bại của chinh chiến dường như đã tan biến, mà thay vào đó là sự trân trọng, tận hưởng trọn vẹn thời gian ít ỏi bên cạnh những người thân yêu của mình sao bao ngày xa cách.
Trường Giang.