Cảm Nhận Ca Khúc “Chuyến Tàu Về Quê Ngoại” Của Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ

0 4.638

Trên con tàu về lại quê hương
Ta đã qua đồi lau trắng xóa
Ta đã qua rừng cây xanh lá.

Thấy không em hương lúa chín vàng
Mái tranh xưa ru bóng tre làng
Đàn em vui tiếng trống trường tan.

Trên con tàu về lại quê hương
Ta đã qua cầu xưa đổ nát
Ta đã qua dòng sông xanh mát.

Thấy không em vẫn tiếng vui đùa
Vẫn nghe thơm hương lúa đầu mùa
Và hồn ta xanh ngát trời xanh.

Tàu băng băng qua rừng cạn
Tàu đi, đi qua biển cả
Tàu đi, đi qua đồng lúa.
Ngày xưa, ngày xưa ta nhớ.

Tàu đi qua những đêm dài
Về khuya ta hay đòi quà
Mẹ mua cho ta bánh ú
Ngoài xa trăng lên đầu núi.
Mẹ vui với miếng trầu tươi
Tàu ơi! Tàu ơi! Ta nhớ!

Ngày xưa trên những con tàu
Về quê thăm ngoại ngày xuân
Mẹ may cho tà áo mới
Còn thêm bánh pháo đỏ tươi.
Tàu ơi nhớ chăng ngày vui.

Trên con tàu về lại quê hương
Ta đã qua làng xưa em đó
Ta đã qua dòng sông thương nhớ

Thấy không em, quán lá bên đường
Gốc đa xưa ra đón mẹ về
Hồn thênh thang cơn gió chiều quê.

Trên con tàu về lại quê hương
Ta sắp qua từng con phố cũ
Ta sắp qua tuổi thơ ta đó

Thấy không em vẫn đám mây hồng
Áo em xanh giữa nắng hoa vàng
Hồn bay theo những chuyến tàu vui.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 – 2009) là một trong những cây đại nhạc thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Ông chuyên viết nhạc vàng, trường ca và bên cạnh đó ông còn viết thể loại nhạc kịch. Ông cho ra đời hơn một trăm bài hát và có nhiều sáng tác được mọi ngừi yêu thích như Chuyến tàu về quê ngoại, Những ngày xưa thân ái, Thương quá Việt Nam, Thuyền Hoa, Trăng tàn trên hè phố, Bông hồng cài áo… Đa phần các sáng tác của ông gắn liền với những cảnh vật tươi đẹp của quê hương, những tấm lòng yêu quê của những người con trên quê hương Việt Nam, cùng với những ca khúc đầy xúc động dành cho mẹ.

“Chuyến tàu về quê ngoại” là một trong những sáng tác của ông viết về tấm lòng của một người con đang hồi tưởng về quê hương của mình qua chuyến tàu về quê ngoại qua cảnh vật nơi quê nhà và hình ảnh người mẹ, người bà dần hiện lên khi mỗi chuyến tàu đi ngang qua.

“Trên con tàu về lại quê hương
Ta đã qua đồi lau trắng xóa
Ta đã qua rừng cây xanh lá.

Thấy không em hương lúa chín vàng
Mái tranh xưa ru bóng tre làng
Đàn em vui tiếng trống trường tan.”

Ai trong chúng ta cũng có một quê hương để tìm về. Nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ. Nơi có những cảnh vật thân thiết chúng ta gặp hàng ngày “ đồi lau trắng xóa, rừng cây xanh lá, hương lúa chín vàng, hình bóng lũy tre làng” và làm sao quên được tiếng vui đùa của đàn em thơ sau tiếng trống tan trường vang lên.

“ Trên con tàu về lại quê hương
Ta đã qua cầu xưa đổ nát
Ta đã qua dòng sông xanh mát

Thấy không em vẫn tiếng vui đùa
Vẫn nghe thơm hương lúa đầu mùa
Và hồn ta xanh ngát trời xanh.”

Hình bóng quê nhà trên con tàu về lại quê hương lại đưa chúng ta nhìn lại hình ảnh chiếc cầu xưa nay đã đổ nát. Tuổi thơ ai ở nông thôn cũng đã từng đi trên những chiếc cầu ván nhỏ không tay vịnh để đi qua những con kênh, con sông. Đẹp lắm kí ức tuổi thơ được hòa mình tắm trong dòng sông xanh mát cùng tụi bạn trong xóm nhỏ. Dù thời gian có trôi nhanh nhưng những hình ảnh thân quen nơi quê nhà vẫn trọn vẹn đó trong kí ức ta và ru hồn ta về với hình bóng quê nhà.

“ Tàu băng băng qua rừng cạn
Tàu đi, đi qua biển cả
Tàu đi, đi qua đồng lúa
Ngày xưa, ngày xưa ta nhớ.”

Cứ mỗi đoạn đường con tàu băng qua là những hình ảnh thân quen lại ùa về. Ôi! Ngày xưa, ngày xưa ta nhớ. Nhớ quê nhà nơi có hình bóng mẹ đang đi chợ về, nhớ dáng bà đang ngồi khuấy trầu trên chiếc trỗng tre.

“ Tàu đi qua những đêm dài
Về khuya ta hay đòi quà
Mẹ mua cho ta bánh ú

Ngoài xa trăng lên đầu núi
Mẹ vui với miếng trầu tươi
Tàu ơi! Tàu ơi! Ta nhớ!”

Con tàu xuyên suốt chạy qua từng vùng kí ức tuổi thơ. Con tàu chạy xuyên màn đêm đưa ta vào những giờ khuya ngồi đợi mẹ về và trông chờ mẹ mua cho chiếc bánh ú làm quà. Nhớ lắm những đêm trăng sáng không gian yên tĩnh mẹ ngồi tiêm trầu và kể truyện con nghe.

“Ngày xưa trên những con tàu
Về quê thăm ngoại ngày xuân
Mẹ may cho tà áo mới
Còn thêm bánh pháo đỏ tươi.
Tàu ơi nhớ chăng ngày vui.”

Con tàu lại đưa ta trở về với miền nhớ ngày xuân năm nào. Vào ngày tết lòng háo hức vì được mặc áo mới mẹ may cho để đi chúc tết ông bà, được xem bắn pháo ngày xuân , được ăn bánh mứt ngon chỉ có vào ngày tết. “ Về quê ngoại” là niềm vui to lớn của bao đứa cháu sống xa ngoại chỉ mong vào nhưng dịp tết thế này để về thăm bà để được ngồi ăn cơm bên cạnh bà được ngồi bên nghe bà kể chuyện xưa. Những kỉ niệm giờ chỉ còn là hồi ức.

… Nhớ quê cũ …

“Trên con tàu về lại quê hương
Ta đã qua làng xưa em đó
Ta đã qua dòng sông thương nhớ

Thấy không em, quán lá bên đường
Gốc đa xưa ra đón mẹ về
Hồn thênh thang cơn gió chiều quê.”

Trên con tàu về lại quê hương lại đưa ta qua ngôi làng năm xưa nơi ấy nơi có dòng sông thương nhớ với bao kỉ niệm. Quán lá bên đường nên dừng chân uống nước mát của bao người sau những giờ trưa nắng gắt. Gốc đa xưa nơi ta ra đón mẹ đi chợ và cũng là nơi ta cùng chúng bạn chơi trốn tìm quanh gốc đa năm ấy, gốc đa ấy đã che bóng mát cho một góc xóm quê nghèo. Lòng ta nhớ biết bao những cơn gió chiều quê thoang thoảng hương lúa thơm như ru hồn ta hòa và thiên nhiên

“Trên con tàu về lại quê hương
Ta sắp qua từng con phố cũ
Ta sắp qua tuổi thơ ta đó

Thấy không em vẫn đám mây hồng
Áo em xanh giữa nắng hoa vàng
Hồn bay theo những chuyến tàu vui.”

Chuyến tàu về quê ngoại dẫn chúng ta về quê thương thân yêu với biết bao hình ảnh. Con tàu di chuyển dần qua những con phố cũ và tuổi thơ ta chỉ còn lại là bầu trời kỷ niệm. Mọi hình ảnh thân quen giờ chỉ còn là ký ức. Dù chúng ta đang ở đâu và đang bận rộn với những công việc mưu sinh thì chuyến tàu về quê ngoại vẫn còn mãi trong tâm trí của chúng giúp ta giữ mãi những hình ảnh đẹp tuổi thơ nơi quê nhà. Quê hương thân yêu nơi tình thương của cha tấm lòng của mẹ luôn đặt ta lên chuyến tàu ru hồn ta nhớ ấy bóng quê nhà thân thương.

Ngọc Tuyền

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.