Ca Sĩ Hoàng Oanh | Chuyện Bây Giờ Mới Kể

0 10.628

Qua nay trên Facebook các trang và các nhóm về nhạc rộn ràng chúc mừng sinh nhật của ca sĩ Hoàng Oanh. Cũng hơn 40 năm rồi, kể từ lần cuối nghe ca sĩ Hoàng Oanh hát trực tiếp ở Sài Gòn, kỷ niệm mấy chục năm mà cứ như ngày hôm qua. Thôi, để khỏi lòng vòng, chúng ta nói về nhân vật chính của bài viết này nhé.

Ca sĩ Hoàng Oanh là danh ca được khán thính giả yêu mến từ trước 1975 và vẫn tiếp tục được yêu mến sau khi ra hải ngoại. Cô được xem là một trong những giọng ca trụ cột cho trung tâm Asia và cũng đóng góp nhiều lần cho các trung tâm khác như Thúy Nga.

Cô khởi đầu đi hát sớm, lúc mới vừa 5 tuổi cha cô thấy con mình có giọng và có khiếu đã dạy nhạc cho cô, lúc đó ông có mở 1 lớp nhạc dạy cùng với nhạc sĩ Lê Thương ở tư gia, cô học chung với học trò của cha mình, sau đó cô có đạt được một số giải thưởng hát ở đài.

Năm 1958 lúc 12 tuổi, Hoàng Oanh được tăng cường hát thêm cho ban Tuổi Xanh của Phạm Đình Sỹ và Kiều Hanh sau khi đàn chị Mai Hương và Bạch Tuyết vừa rời đi ra hát cho ban người lớn, cô hát cùng với ban Tam Vân : Bích Vân, Ngọc Vân, Phước Vân. Hoàng Oanh chỉ ở ban Tuổi Xanh cho đến năm 1960 thì cô gia nhập qua ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức tại Đài phát thanh Sài Gòn. Ngoài ra năm 1958 cô còn được chọn tham gia ban thiếu nhi của Đài Quân Đội của nhạc sĩ Lê Đô. Điều đặc biệt mà Hoàng Oanh ít chia sẻ đó là cặp song ca chính ở các ban của thiếu nhi lúc đó là Hoàng Oanh và Tuấn Ngọc (Kim Chi và Quốc Thắng), họ thường song ca 2 bài Gió hiền và bài Thuyền trăng.

Ảnh Hoàng Oanh, năm 10 tuổi

Tham gia ban Việt Nhi chừng vài năm, cô đã được mời chuyển qua các ban ca nhạc người lớn như ban của Hoàng Trọng, ban Tiếng thời gian, ban Dương Thiệu Tước, ban Phó Quốc Lân, ban Hồ Gươm …và các ban ngâm thơ khác.

Nhạc sĩ Lê Thương là bạn thân của cha Hoàng Oanh, ông có biết Hoàng Oanh ngâm thơ và cũng thích giọng thơ của cô nên ông giới thiệu thâu âm bài thơ Ngậm ngùi (Huy Cận) ở hãng dĩa Sóng Nhạc và bài Đẹp Hậu Giang (Kiên Giang). Cô chia sẻ lần đầu tiên thâu dĩa không phải là hát mà là ngâm thơ, vì lúc đấy cô còn nhỏ cho nên thường được biên soạn cho những bài tả cảnh, trong sáng ví dụ như khi ngâm bài Đi chơi chùa Hương với Hồ Điệp, Hoàng Oanh chỉ ngâm đoạn đầu tả cảnh. Cô có ngâm thơ trong ban Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng, cô có nhắc đến hôm ngâm thơ, cô phải đi học văn hóa về trễ tận 6h chiều và chạy gấp lên đài thâu vừa kịp bài cuối cùng.

Khi ở trong ban ngâm thơ, người Hoàng Oanh ngưỡng mộ là cô Hồ Điệp, khi nghe các cô chú ngâm thơ, Hoàng Oanh cũng tập ngâm theo và sau đó đúc kết lại và tự tạo cho bản thân mình một lối ngâm riêng. Ngoài Tao đàn cô còn tham gia ban ngâm thơ Thi nhạc giao duyên, ban Tiếng thơ.

Trái với khi hát đại nhạc hội, ít tiếp xúc nhiều với đồng nghiệp, cô chia sẻ khi cô thâu thanh trên đài phát thanh gắn bó với mọi người rất nhiều vì khi thâu thanh, ai vào hát thì những người khác đều phụ họa cho những người đó và thay phiên qua lại, cảm giác như một gia đình vì tất cả đều làm chung việc và hỗ trợ cho nhau. Lúc đó cô còn nghĩ hát người ta nghe tiếng là đủ, không cần lộ mặt cho nên sau nhiều lần từ chối kí giả phỏng vẫn báo chí, có nhiều người nói cô hát nhưng không muốn cho người ta thấy mặt, mãi đến năm 1966 thì cô hát đài truyền hình, lúc đó cô mới lộ mặt.

Có thời gian đầu thập niên 60, hầu hết trên các đài phát thanh và đài truyền hình đều có tiếng hát của Hoàng Oanh từ nông thôn cho đến đô thành, cô là ca sĩ chủ lực của Đài phát thanh và có mặt ở hầu hết các ban lớn của Đài, vừa ban nhạc vừa ban ngâm thơ. Ngày đó, vì Đài phát thanh phủ sóng toàn miền Nam nên tên tuổi của cô vụt sáng, những bài hát cho đến ngày hôm nay khán giả vẫn còn nghe đó là hãng dĩa Việt Nam với bài Nếu một mai anh biệt kinh kỳ (Hoài Linh) năm 1963, các bản nhạc thâu dĩa của cô vẫn luôn nằm trong danh sách các bản Nhạc Vàng được yêu thích cho đến hiện nay: Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng), Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Minh Kỳ – Hoài Linh), Đôi Bóng (Lê Dinh – Anh Bằng), Ai Cho Tôi Tình Yêu (Trúc Phương), Sao Chưa Thấy Hồi Âm (Châu Kỳ), Chuyện Tình Lan Và Điệp 1 (Mạc Phong Linh – Mai Thiết Lĩnh), Cánh Buồm Chuyển Bến (Hoài Linh – Minh Kỳ),…

Hãng dĩa ngày xưa thâu thanh thường sẽ hẹn tất cả thành viên ban nhạc, ca sĩ, nhạc sĩ tề tựu cùng 1 ngày để bắt đầu thâu nên nếu gặp bất cứ lỗi nào thì phải thâu lại hết, cho nên thời gian thâu 1 bài  rất lâu. Có một lần kỉ niệm khi cô bị cảm, nghẹt mũi nhưng giờ hẹn thâu đã sắp xếp xong nên cô vẫn phải đến hát, bài Sương lạnh chiều đông là bài cô vẫn nhớ như in vì lúc đấy cô bị nghẹt mũi nhưng vẫn phải thâu. Nhưng cũng nhờ cái giọng ‘nghẹt mũi’ ấy, mà bài hát thành công rất vang dội.

Khi có vô tuyến truyền hình, cô xuất hiện trong nhiều chương trình như Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng, ban được nhạc sĩ Hoàng Trọng đặt may áo đồng phục và chia thành nhiều nhóm, nhóm lớn là Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà, sau đó đến Mai Hương, Như Thủy, Quỳnh Giao, sau đó mới đến nhóm của Hoàng Oanh và Tuyết Vân (chị của Quốc Dũng), Phương Hồng Hạnh và Bạch Lan. Cô còn tham gia Chương trình Hoa Thời Đại của Phạm Mạnh Cương cùng với xướng ngôn viên Như Hảo, thời đó còn được phát hình trên trực thăng, cô còn tự thiết kế áo của mình để mặc. Như Hảo có lần make up cho Hoàng Oanh khi chụp ảnh.

Chia sẻ về phong cách vừa ngâm thơ vừa hát, cô có bộc bạch rằng ngày xưa, có những bài hát tác giả đã viết sẵn đoạn thơ trên đầu để ngân như bài Hòn Vọng Phu. Cô  cảm thấy ngâm thơ góp phần đưa nhịp cảm xúc của bản thân cũng như của người nghe tăng lên cho nên sau đó cô tự tìm thêm thơ mở đầu cho những bài hát của mình. Sau này mỗi bài hát của cô đều có một vài câu thơ ngâm trên đầu như bài Chuyến đò vĩ tuyến, cô tìm một đoạn của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

“Khi ngâm thì 4 câu không đủ ý nên phải ngâm 1 đoạn, mà ngâm 1 đoạn thì lại sợ dài quá không biết người ta có nghe mình không”

Trước 75, ngoài thâu dĩa và đi hát, cô còn xuất bản 1 tập nhạc có tên là Công chúa ngày xưa với phần nhạc của nhạc sĩ Mai Châu.

Hoàng Oanh và Mai Châu 1972

Vào năm 1974, Duy Khánh có cho thực hiện cuốn băng Akai “Tiếng hát Hoàng Oanh” , cùng năm đó Hoàng Oanh cũng phát hành cuốn “Tiếng hát Hoàng Oanh số 2” bên ngoài băng là bút kí của thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng vào tháng 11 năm 1974. Hoàng Oanh có chia sẻ nhỏ, trong Asia số 14 chủ đề Yêu thì cô có hát cùng ca nhạc sĩ Duy Khánh liên khúc Lính, có những chỗ cô hơi ngượng ngùng và không tự nhiên, vì ngày xưa ở Việt Nam, cô kêu  Duy Khánh là chú vì là đi trước và lớn tuổi hơn, nhưng đến bài đấy phải gọi là anh nên cô ngại.

Sau biến cố năm 75 gia đình cô rời ra hải ngoại, Hoàng Oanh bắt đầu hát rất nhiều trong khoảng thời gian đó, có lần trong trại tị nạn, cô hát bài Đêm tàn bến Ngự cùng với ngón đàn của ông Đào Duy Anh đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của những người dân tha hương, nhớ quê hương đất nước”Nhớ chăng non nước hương bình, có những ngày xanh, lưu luyến bao tình”. Thời gian đầu Hoàng Oanh ở cùng gia đình ở tiểu bang New Jersey, gần nhà với Xuân Thu, đến năm 1990 Hoàng Oanh dọn qua Cali.

…..

Chúc mừng sinh nhật cô Hoàng Oanh và chúc cô luôn an lành bên gia đình và hạnh phúc.

Trọng Văn. (Trong bài viết có mượn một số hình ảnh từ Facebook Ca Sĩ Hoàng Oanh

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.