Ca Khúc “Nhật Ký Đời Tôi” Và Nhạc Sĩ Thanh Sơn
Ngược thời gian, trở về quá khứ phút giây chạnh lòng
Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không
Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi
Trong suốt cuộc đời tương lai trả lời thôi.
Một mùa xuân, năm nào hai đứa ngắm hoa đào rơi
Lo cho số phận, lo cho duyên mình sẽ thành một kiếp hoa
Sớm nở tối tàn, đời ai không một lần
Quen biết rồi thương yêu nhau rồi lại xa.
Thôi thế là thôi, là thế đó, dĩ vãng là thơ
Đem thơ về ghép nhạc thành khúc tình ca
Thôi thế là thôi là thế rồi
Hiện tại ước mơ nhiều
Cuộc đời rồi đây biết bao giờ mới được yêu.
Ngày biệt ly chúng mình chưa nói hết câu tạ từ
Năm năm cách biệt, năm năm mong chờ héo mòn tình nghĩa xưa
Nhắc đến thấy buồn, tình kia ngăn đôi đường
Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần thương.
Ca khúc Nhật Ký Đời Tôi là một sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn viết trước năm 1975, bài hát như mang đến ký ức về những mối tình đi qua đời người nhạc sĩ. Là lời ca như ru hồn người vào những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, đưa cảm xúc người nghe vào câu chuyện tình yêu của một thời đã xa. Để rồi từng khoảnh khắc trong tình yêu, dù là nhỏ thôi cũng dệt nên những khúc ca, thành trang nhật ký khắc ghi lại những kỷ niệm đẹp nên thơ đã trải qua trong cuộc đời.
Với nhạc sĩ Thanh Sơn người nghe có thể nhìn vào và đọc được phần nào nhật ký tình yêu trong cuộc đời của người nhạc sĩ qua một vài nhạc phẩm mà ông sáng tác, đã khắc sâu hình bóng người con gái ông đã yêu trong đời. Đó là cuộc chia ly đầy nước mắt với mối tình đầu trong sáng thơ ngây của cậu học trò Thanh Sơn với cô bạn tên Nguyễn Thị Hoa Phượng, khi ấy ông đang theo học tại trường Hoàng Diệu – Sóc Trăng. Thuở ấy, khi tình cảm hai người bắt đầu thân thiết thì Hoa Phượng theo gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Hai người buộc phải chia tay, để lại cho Thanh Sơn sự luyến tiếc qua Lưu Bút Ngày Xanh là những hoài niệm về tình cảm ngây ngô đầu đời, mang nhiều vấn vương và sậu muộn mỗi khi nhớ về.
Buổi chia tay mối tình đầu ấy diễn ra ngay giữa sân trường. Nhạc sĩ buồn mà hỏi: “ Nếu mình nhớ nhau thì làm cách nào”. Hoa Phượng mới bảo: “Chắc chắn anh sẽ còn gặp lại em vì mỗi năm đến mùa hoa phượng nở, anh nhìn hoa phượng anh sẽ nhớ tới em! Bởi tên em là Hoa Phượng mà”. Cuộc chia tay ấy vào năm 1953 và 10 năm sau kể từ lần cuối gặp nhau, một mùa hoa phượng nữa lại về trong ký ức nhạc sĩ. Nhìn hoa phượng rơi, nhớ lại câu nói năm xưa, bóng dáng người con gái tha thướt trong tà áo dài màu trắng tinh khôi, dạo bước dưới sân trường đầy xác phượng, mắt ngấn lệ trong cảm xúc dâng tràn mà ông viết nên bài: Nỗi Buồn Hoa Phượng. Bài hát đã trở thành một sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Thanh Sơn gắn liền với nhiều kỷ niệm của tuổi học trò, trong đó có mối tình trong sáng của đời học sinh.
Sau mối tình không thành thuở thiếu thời, Thanh Sơn phiêu lãng qua nhiều vùng đất để kiếm tìm lại cảm khúc bị đánh mất. Và rồi, cuộc gặp định mệnh tại xứ sở sương mù lại một lần nữa khiến chàng nhạc sĩ day dứt, nhớ nhung qua bài hát Hoa tím ngày xưa. Ông chia sẽ: “Đó là một chuyện tình có thật. Một kỷ niệm của đời tôi. Lúc đó vào năm 1965. Tình yêu của tôi rất tràn trề. Tuổi đời của tôi lúc đó ngoài 20 tuổi. Tôi có quen với một người con gái và chúng tôi có hẹn hò lên Đà Lạt, vào một vườn hoa tím rất đẹp ở Thung Lũng Tình Yêu. Chúng tôi tâm sự rồi sau đó chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa. Tôi thẫn thờ, buồn và thốt lên một câu “Người xưa hỡi thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu”. Ông viết nên ca khúc này với khung cảnh thơ mộng nhưng mang chút buồn, từ giai điệu đến ca từ được cất lên mang đầy sự tiếc thương cho mối tình đã qua, và ông đã xem đó là một kỷ niệm của cuộc đời.
Đi qua năm tháng tuổi trẻ, những mối tình dang dở trở thành chất liệu cho những sáng tác đi vào lòng người, chất chứa những nỗi buồn chôn giấu của nhạc sĩ Thanh Sơn. Những mối tình đi qua cuộc đời ông nó luôn đẹp, trong sáng, và thơ ngây nhưng rồi kết cục đều là tan vỡ vì những tình yêu ấy luôn mang những nỗi niềm:
“Lo cho số phận, lo cho duyên mình sẽ thành một kiếp hoa
Sớm nở tối tàn, đời ai không một lần
Quen biết rồi thương yêu nhau rồi lại xa”.
Cuộc đời vốn là như vậy, được mất, sướng vui, hạnh phúc hay khổ đau, yêu nhau rồi lại xa nhau như một kiếp hoa sớm nở tối tàn, đời ai mà không một lần như thế. Chắc có lẽ, thời gian đi qua, cùng những cuộc tình tìm đến bên ông rồi cũng rời xa ông như thế, mà những ca từ trải nghiệm rất đời từ ông.
“Thôi thế là thôi, là thế đó, dĩ vãng là thơ
Đem thơ về ghép nhạc thành khúc tình ca”
…
Nhắc đến thấy buồn, tình kia ngăn đôi đường
Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần thương”.
Để rồi tình yêu đi qua, thời gian cũng trôi qua, tình yêu có thể dần phôi pha nhưng tất cả đều đọng lại những khoảnh khắc đẹp, cùng bao kỷ niệm một thời sẽ sống mãi trong tâm tư người nhạc sĩ, thành tiếng nhạc lời thơ ghép thành khúc tình ca, để cho nhật ký cuộc đời ấy vẫn mãi âm vang khi ghi thêm một lần thương.
Mỹ Hương.