Ca Khúc ‘Hàn Mặc Tử’ Và Câu Chuyện Về Cuộc Đời Của Trần Thiện Thanh
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.
Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tàn nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở giữa trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm trường.
Đường lên dốc đá, nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm, xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất cũng tang thương
Mà khổ đau niềm riêng.
Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, giấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa: kiếp sau ta tròn đôi
Còn gì nữa, thân tàn xin để một mình mình đơn côi.
Tìm vào cô đơn, đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng.
Bài hát “Hàn Mặc Tử” này đã trở nên thật nổi tiếng ở Việt Nam kể từ lúc được ca sĩ Trúc Mai trình bày ở Đại nhạc hội tại rạp hát Thanh Bình, Sài Gòn vào năm 1965. Sau đó bài hát này được phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi cho đến tận ngày hôm nay. Đi đâu cũng nghe người ta hát “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho…” từ nhà hàng, quán cà-phê, bến xe đò, bến phà, các xe bán hàng rong khắp hang cùng ngõ hẻm. Ca sĩ Trúc Mai đã bắt đầu đi hát từ năm 1959. Cô là một trong bốn ngôi sao của phòng trà Hòa Bình, gồm Bạch Yến, Bích Chiêu (chị của Khánh Hà), Thùy Nhiên và Trúc Mai. Giọng hát của cô rất ngọt ngào, đầm ấm. Cô diễn tả bài hát thật nhẹ nhàng, thoải mái như ru nhè nhẹ vào tai người nghe.
Khi sáng tác ca khúc “Hàn Mặc Tử” này cách đây đúng 40 năm (1965-2005), có lẽ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không ngờ rằng sau này cuộc đời ông cũng có nhiều điểm giống như thi sĩ tài hoa bạc mệnh này. Nơi tỉnh nhà Phan Thiết, từ nhỏ Trần Thiện Thanh đã cùng bạn bè dạo chơi ở những nơi mà ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm từng in dấu. Nên ông đã viết: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa, Lầu ông Hoàng đó, thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua”.
Vào Sài Gòn lập nghiệp, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã mang theo ông những kỷ niệm này và sáng tác nên “Hàn Mặc Tử”. Trong khoảng thời gian bắt đầu ca hát và viết nhạc từ năm 1958 cho đến năm 1975, ca sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã cống hiến cho đời những lời ca tiếng nhạc thật tuyệt vời. Tên tuổi và danh vọng của ông đã sáng rực lên khắp mọi nơi. Đã có không biết bao nhiêu thiếu nữ, khán giả ở mọi lứa tuổi yêu nhạc và yêu thương ông tha thiết.
Nhưng kể từ sau năm 1975, thì sự nghiệp của ông dần dần đi xuống, kể cả khi ra hải ngoại, những sáng tác mới của ông cũng không còn xuất sắc được như ngày xưa. Cuối cùng thì ông lại mắc phải một chứng bịnh nan y là ung thư phổi. Những tháng ngày cuối cùng của ông thật là cô đơn, hiu quạnh. Đâu còn thấy lại “ánh đèn sân khấu”, đâu còn thấy lại những khán giả thân thương, những bạn bè xưa, người yêu cũ. Ngay cả bà mẹ già 82 tuổi và cô em gái Như Thủy trong ban Tứ ca Nhật Trường ngày xưa, những đứa con, đứa cháu của ông vẫn còn ở bên Việt Nam nghìn trùng xa cách. Những tuần lễ sau cùng, khi đã tuyệt vọng, ông không chịu nằm trong bịnh viện mà muốn trở về nằm nghỉ nơi nhà riêng. Bên cạnh ông trong giờ hấp hối chỉ có người vợ sau là ca sĩ Mỹ Lan và đứa con trai út mới vừa 3 tuổi, tên là Trần Thiện Anh Chí. Ông đã ra đi trong âm thầm lặng lẽ sau mấy tháng chịu nhiều đau đớn, dày vò vì căn bệnh quái ác này. Cho đến ngày 13-5-2005 thì “trời đất như quay cuồng, khi hồn phách vút lên cao”. Trần Thiện Thanh đã thực sự vĩnh biệt chúng ta khi vừa đúng 62 tuổi đời, là cái tuổi vẫn còn rất trẻ trên đất Hoa Kỳ.
Tuấn Văn (Tổng hợp)