Bolero Nuôi Dưỡng Quãng Đời Tôi

0 2.872

Tôi được sanh ra và lớn lên ở một vùng quê nằm lặng lẽ bên cạnh Sài-Gòn. Bao năm tháng qua đi, cái vùng quê ấy đã có nhiều thay đổi theo sự phát triển tất yếu của thời đại. Con người cũng phải thay đổi để đáp ứng theo sự đổi thay ấy. Trong cái guồng máy cơ học đấy, sau mỗi ngày lao động vất vả, tôi trở về đúng nghĩa với bản thân tôi, tôi hay tìm về những khoảnh khắc thoáng vội để nuôi dưỡng trái tim tôi, để cho con người tôi bớt máy móc và rập khuôn… và bất giác tôi nhận ra có một thứ đã giúp tôi đạt được những điều như thế… đó chính là nhạc Bolero, giòng nhạc mà người dân nghèo quê tôi hay rỉ tai nhau gọi là nhạc Vàng.

Ngôi nhà nơi tôi được sinh ra là một ngôi nhà tranh rợp mát. Thuở ấy, trên cái võng đong đưa, mẹ tôi vừa bán bánh mì vừa ru tôi ngủ. Thuở ấy nào có biết gì, chỉ biết khóc óe lên lúc võng ngừng đưa. Nào có hiểu gì gánh nặng lo âu của Mẹ. Vừa đưa võng, mẹ vừa ru bằng những câu hát đơn sơ ủy mị:

“Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay
Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây?!”
(Mưa Nửa Đêm – Trúc Phương)

Đúng thật là đời không có vòng tay rộng lượng để ôm bớt những nỗi khó khăn tần tảo của mẹ mà lại đày đọa một vóc dáng bé nhỏ gầy guộc ấy phải bươn chải để nuôi 6 người con thành nhân. Rồi ngày qua ngày, những câu hát bolero từ những lúc ru tôi ngủ ấy đã trở thành người bạn đồng hành từ lúc tôi chưa biết gì cho đến bây giờ, tôi đã là một chàng thanh niên đầy ước vọng.

Ai đó đã từng nói rằng người thầy dạy hát cho con đầu tiên chính là người mẹ và những bài hát vỡ lòng chính là những lời ru. Thật đúng vậy, những bài hát vỡ lòng đời tôi chính là những bài hát bolero mượt mà và da diết ấy. Những bài hát, từ thuở nằm nôi, đã gieo rắc và nuôi dưỡng vào tôi tình cảm gia đình chan chứa, tình yêu quê hương từ những gì đơn giản nhất:

“Quê Em hai mùa mưa nắng
Hai thôn nghèo nối liền bờ đê
Từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè…”
(Gợi nhớ quê hương – Thanh Sơn)

Thuở đầu đời, những bài hát ấy chính là những bài học đạo đức dạy cho tôi biết yêu cha kính mẹ, biết thông cảm và chia sẻ nỗi nhọc nhằn, gian truân của cha mẹ. Những bài hát ấy là những bài học đạo đức hiệu quả nhất để gieo mầm trái tim nhân hậu, để phát triển tính bổn thiện trong tôi. Chính vì vậy, không hiểu từ bao giờ, giòng nhạc ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của tôi.

Ngày tháng vô tình trôi đi, tôi đến cái tuổi cắp sách đến trường, cái tuổi “vườn lòng vừa hé hoa yêu đầu…” Khoảng thời gian trung học là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời người. Tại đó có biết bao hỉ-nộ-ái-ố vận mình xoay chuyển, nhất là khi phải đương đầu với nhiều ngổn ngang của cái thứ tình cảm trai gái học trò vụng dại. Một đứa con trai lãng mạn như tôi, hằng ngày cứ phải đi theo từng nhịp đập của con tim để bày tỏ nỗi lòng với ai đó thì thật là khó. Họ vô ý hay hữu tình chẳng hiểu tâm tư tôi. Rồi không có ai bày tỏ nỗi lòng, tôi lại tìm đến với những bản nhạc bolero. Ôi chao! Sao những bản nhạc ấy giống như tấm gương soi thật rõ bóng hình tâm tư của tôi trong đó:

“Nhớ thương ơi sao còn đến tìm, Sao còn đến tìm?
Buồn không tên len hồn trong đêm qua miền âu yếm
Vùng có lá me bay, em một hôm trốn học, theo anh bốn giờ
Bốn giờ anh cho em, bốn giờ thật mong manh nên buồn nhớ xây thành…”
(Nửa Đêm Thương Nhớ – Hoàng Trang)

Thế là từ lúc nằm nôi, đến tuổi hoa niên biết yêu, giòng nhạc nầy cứ len lén vào ngõ lòng tôi để mỗi khi nỗi buồn hay tuyệt vọng âm ỉ trở mình, tôi lại tìm đến chúng. Tôi thấy tôi là nhân vật trong những bản nhạc đó, hoặc giả chí ít chúng cũng nói hộ lòng tôi hoặc chia xẻ với tôi. Tôi thấy đỡ tủi phận. Giai điệu mùi mẫn, những ca từ bóng bẩy, những nét chấm phá rất hay và nhất là chúng thể hiện được đời sống tình cảm của con người chính là những gì làm nên nét quyến rũ của giòng nhạc bolero.

Những bản nhạc bolero còn là những cuốn phim quay chậm đưa tôi ngược giòng thời gian lên xe về với kỷ niệm. Cuộc sống nầy sẽ rất vô vị nếu như không có kỷ niệm. Kỷ niệm vui cho ta hạnh phúc, kỷ niệm buồn giúp ta trưởng thành hơn. Chính vì vậy đã là kỷ niệm thì không nên quên làm gì khi chúng đã trở thành một phần trong đời bạn. Những khi nhớ lại tuổi thơ, nhớ lại cảnh sống êm đềm dân dã của vùng quê “chôn nhau cắt rún”, tôi lại bật nghe:

“Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương…”
(Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè – Bắc Sơn)

Thế đấy! Bolero len vào đời tôi rất giản đơn và tự nhiên thế đấy! Mấy hôm nay trời trở lạnh, tôi càng muốn tìm về những bản nhạc xưa ấy. Những bản nhạc tuy cũ kỹ nhưng không bao giờ phai. Trời mùa đông, những cành cây trơ trọi với tuế nguyệt. Mùa đông thật khắc nghiệt với chúng.Hoa và lá dần rủ nhau bỏ rời nơi đã từng nuôi dưỡng chúng. Mùa đông cũng tàn nhẫn với chúng ta. Chúng mang lại cảm giác lạnh lẽo cô đơn, nhất là những ai có những nổi niềm khắc khoải thì mùa đông lại là chất xúc tác cho cái khắc khoải đấy trở mình. Nhưng rồi mùa đông cũng sẽ qua đi, mùa xuân ấm áp sẽ về. Đó là quy luật tất yếu của đời sống này. Mọi thứ sẽ thay đổi, nhưng tình yêu thương đối với giòng nhạc bolero của tôi sẽ là vĩnh cửu. Giờ đây, trên đường đời tấp nập, một người đơn chiếc chưa tìm được bến đỗ bằng an cho mình, tôi vẫn thấy tôi trong câu hát:

“Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay?”
(Mưa Nửa Đêm – Trúc Phương)

(Trích bài viết của P.T đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 176 phát hành ngày thứ sáu 22 tháng 6 năm 2018)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.