Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương (Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị)
Gần suốt cuộc nội chiến, ngoài sự chiến đấu và hy sinh của bao chiến sĩ thuộc các Quân Binh Chủng, Lực Lượng Bán Quân Sự của Miền Nam, có một đơn vị cũng đã từng sát cánh, từng đi khắp tiền đồn trên 4 Vùng Chiến Thuật, từ miền hỏa tuyến đến tận cùng của đất nước Việt Nam, mang lời ca tiếng hát, kịch nghệ đến các đơn vị tiền tuyến hầu sưởi ấm, khích lệ phần nào tinh thần của các chiến sĩ ngày đêm băng mình vào lửa đạn, chấp nhận mọi hiểm nguy để giữ một hậu phương được những năm tháng dài yên ấm.
Trên những bước đường lưu diễn, đơn vị đó với danh xưng khiêm nhường của nó đã từng đến tận cầu Hiền Lương, trên dòng sông Bến Hải, thuộc vĩ tuyến 17 ngăn đôi 2 miền đã trở thành 2 đất nước thực tế, rồi từ cao nguyên đến vùng duyên hải từ miền đông đến vùng châu thổ sông Cửu Long… đến những vùng mà các chiến sĩ Miền Nam trấn đóng, chiến đấu và gìn giữ. Thời đó, chỉ trừ đa số các đơn vị trong quân đội biết đến, nghe tới tên, kỷ dư lại là một đơn vị thầm lặng. Nhưng trong nhu cầu cần thiết để yểm trợ tiền tuyến phải đối phó với cuộc chiến, đơn vị này được Quân Đội chú tâm nâng cao tầm vóc mà cả Quân và Dân đều biết. Đó là: Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.
Cốt lõi của Biệt Đoàn này là từ Ban Văn Nghệ của Tiểu Đoàn I Chiến Tranh Tâm Lý trước đó. Thập niên 60, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thành lập thì đơn vị này được phát triển và cải danh là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương để đảm nhận công tác quy mô hơn trong vai trò của những người chiến sĩ Tâm Lý Chiến để trải rộng địa bàn hoạt động đến khắp các tiền đồn, đơn vị; tổ chức văn nghệ trình diễn trong những cuộc liên hoan chiến thắng, khao quân khắp các vùng đất nước.
Công tác này thoạt đầu từ đơn phương sau đến phối hợp với các vùng khi Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cho lập ra mỗi vùng Chiến Thuật có 1 Tiểu Đoàn CTCT với các danh xưng Tiểu Đoàn 10, 20, 30 và 40 CTCT. Riêng tại Biệt Khu Thủ Đô gồm Sài Gòn và Gia Định thì có Tiểu Đoàn 50 CTCT và đơn vị này trú đóng cùng doanh trại với Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương ở Sài Gòn (cùng khu vực với Cục Tâm Lý Chiến, Đài Phát Thanh Quân Đội, Cục An Ninh Quân Đội)
Tưởng cũng cần nhắc lại là ngoài Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, còn có một Ban Văn Nghệ của Bảo An (sau này là Địa Phương Quân) hoạt động song song. Nhưng sau đó, vì để dễ dàng phối hợp trong công nên Ban Văn Nghệ này được sát nhập vào Tiểu Đoàn 50 CTCT và cũng từ đó một đơn vị hình thành với danh xưng cũng được nhiều người biết đến là… Ban Văn Nghệ Tình Thương (còn một số được tăng cường qua Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương).
Vị chỉ huy đầu tiên của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương là Đại Úy Lê Văn Tạo (sau này là Trung Tá Chánh Văn Phòng của Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia), kế tiếp là Đại Úy Ngô Cẩm Đại (sau này là Trung Tá thuộc Sự Đoàn 7 Bộ Binh), rồi Nguyễn Đình Tân, họa sĩ Tạ Tỵ, Phan Gia Lân và vị chỉ huy cuối cùng là Đại Úy Lê Bá Tân.
Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương được tổ chức rất quy mô, quy tụ được rất nhiều nghệ sĩ nổi danh thời đó gồm cả Quân Nhân cùng Dân Chinh, Biệt Đoàn có nhiều bộ môn như Ca, Vũ, Nhạc, Kịch, Cải Lương, Ảo Thuật… với các nghệ sĩ như:
Nhạc sĩ: Anh Bằng, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Ngọc Chánh, Cao Phi Long, Y Vũ, Nguyễn Hữu Sáng, Sáo Thần Nguyễn Đình Nghĩa, Harmonica Tòng Sơn…
Ban Kích Động Nhạc Huỳnh Hoa: Huỳnh Hoa (thổi kèn), Huỳnh Hồng (đánh Trống), Lê Tăng (đàn guitar) cùng các ca sĩ Kiều Loan, Bích Ly, Tony Hiếu.
Ban AVT: Lữ Liên, Vân Sơn, Tuấn Đăng.
Ban Tam Ca Sao Băng: Thanh Phong, Duy Mỹ, Phương Đại.
Ban Tam Ca 3 Con Mèo: Mỹ Hòa, Kim Anh, Uyên Ly (Minh Xuân).
Ban Tam Ca Đông Phương: Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân.
Ban Kịch và Hài Hước: Vũ Huyến, Thanh Việt, Phi Thoàn, Khả Năng, Thúy Liễu, Bích Huyền, Lệ Huyền, Ba Bé, Xuân Dung, Diễm Kiều, Duy Chức, Mỹ Chi…
Ban Ảo Thuật: Lê Hào Tâm, Mạc Can, Hoàng Biểu.
Ban vũ: Vũ sư Nguyễn Thống (Ngọc Hương, Ngọc Hân, Kim Sang, Kim Chương, kim Điệp…), Vũ sư Trịnh Toản, Vũ sư Lưu Hồng (Thu Thủy, Tuyết Nga, Tuyết Hồng, Khánh Hồng, Thùy Linh, Kim Xuân, Kim Thu, Minh Phương, Kim Thư…)
Ca sĩ Tân Nhạc: Duy Khánh, Elvis Phương, Tuyết Mai, Dạ Lý, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Trang Kim Yến, Thiên Trang, Bích Thủy, Xuân Sơn, Trúc Ly, Kim Oanh, Hồng Chi, Kim Tuyến, Phương Linh, Phương Bích Hằng, Kiều Lệ Xuân, Thanh Xuân, Hạnh Dung, Mỹ Dung, Giang Thanh, Trang Mỹ Dung, Lệ Minh, Thu Liễu, Nguyễn Thụy Tường Vy…
Ca sĩ Cổ Nhạc: Thành Được, Thanh Sang, Minh Phụng, Tấn Tài, Hương Sắc, Hương Huyền, Kiều Mỹ Loan, Hoài Thu…
MC: Trần Quang, Ngọc Thu.
Sau những trận đánh kinh hồn đã ghi danh vào chiến sử như Hạ Lào, Dakto, Pleime, Cổ Thành Quảng Trị, Bình Long, An Lộc… Những buổi tiệc khao quân gắn huy chương tướng thưởng được tổ chức không thể nào vắng mặt những chiến sĩ Tâm Lý Chiến của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Vết chân những chiến sĩ này từng in dấu trên các tiền đồn từ Gio Linh, Đông Hà, Thạch Hãn cho đến Bạc Liêu, Năm Căn ở tận mũi Cà Mau, qua đến Thiện Ngôn (Tây Ninh), Neakluong (Campuchia).
Không những chấp nhận gian nan nguy hiểm ở những nơi đạn bay súng nổ, lăn thân vào các hầm trú ẩn khi bị pháo kích, các nghệ sĩ Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương còn đem chuông đi đánh xứ người tại Hội Chợ Osaka ở Nhật Bản, Hội Chợ Thát Luồng (Lào), trong các cuộc tiếp tân ngoại giao của các Tòa Đại Sứ ở Lào, Campuchia, Thái Lan…
Sau ngày 30 tháng tư, anh chị em nghệ sĩ của Biệt Đoàn văn Nghệ Trung Ương bị lưu lạc tứ tán khắp nơi. Những nghệ sĩ quân đội còn ở lại trong nước đã bị rơi vào những tình trạng rất khốn cùng, như trường hơp danh hài Khả Năng vượt biên bằng đường bộ đã mất xác ở Campuchia. Những người còn lại phải sống cuộc đời lưu vong như bao nguời Việt tị nạn khắp nơi trên thế giới. Những chiến sĩ đã qua đời như Anh Bằng, Lữ Liên, Vân Sơn (AVT), Duy Mỹ (Hài Hước), vũ sư Trịnh Toàn, vũ sư Lưu Hồng, vũ sư Nguyễn Thống, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng, ca sĩ Duy Khánh, nghệ sĩ Xuân Dung, nghệ sĩ Tấn Tài, kịch sĩ Ba Bé, nghệ sĩ Vũ Huyến, ảo thuật gia Hoàng Biếu….
Giờ dù đa số tuổi đã cao, tóc đã ngả màu, đang ở mọi nơi, nhưng những nghệ sĩ Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương vẫn thường xuyên liên lạc với nhau để có những dịp họp mặt, quy tụ lại để thăm hỏi an ủi trong những dịp quan hôn tương tế qua hai chị em ca sĩ Dạ Lý và Kim Oanh.
Chúng tôi, những người Nghệ Sĩ Quân Đội, những chiến sĩ Tâm Lý Chiến xin kính lời thăm hỏi thân ái đến các anh chị em chiến sĩ mà chúng ta từng sát cánh bên nhau, hy sinh suốt tuổi thanh xuân trên tinh thần Hậu Phương – Tiền Tuyến.
MC Trần Quốc Bảo