“Bạc Trắng Lửa Hồng” … Đừng Lấy Lửa Thử Vàng Và Lấy Vàng Thử Tình Yêu

0 3.059

Cuộc sống vốn có nhiều gian nan và thử thách. Người xưa có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” có nghĩa là người ta lấy lửa để thử, để kiểm ta, xem tuổi vàng, biết vàng mười hay vàng thau. Lửa cũng chính là những gian nan, thử thách để thử, đo sức mạnh, ý chí, trí tuệ, đạo đức của mỗi người. Lửa thử bản chất con người thuộc vàng mười hay vàng giả. Lại có câu “Lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông” quả đúng không sai. Quả thật cuộc sống này có rất nhiều phép thử và đằng sau mỗi phép thử ấy, có khi người ta chới với nhận ra cái khối màu vàng mà mình đang cầm trên tay hóa ra chẳng phải là vàng mà nó bạc đến độ nào. Bởi thế đừng nhìn vấn đề một cách tương đối và đừng tin vào tình cảm một cách tuyệt đối, đừng buộc mình vào những tảng đá nặng nề của tư duy, để lòng tin không vỡ vụn.

Em đi về với bạc tiền nhung lụa
Tôi âm thầm ôm nhung nhớ nào nguôi
Kỷ niệm ấy bây giờ không còn nữa…
Cuộc tình xưa thôi đã dỡ dang rồi
– Ý thơ Tú-Nhi –

Ở mọi thời đại con người luôn muốn đo lường tình cảm, thử thách tình yêu, bởi lẽ nó là cái gì đó quá mong lung. Người ta không đo lường được tình cảm mà đối phương giành cho mình nên cứ phải nghĩ ngợi nhiều, lo lắng nhiều và thử thách nhiều. Trong mọi cuộc tình, chuyện dang dỡ, dỡ dang là việc bình thường nhưng mấy ai vượt qua được, nếu không tổn thương sao gọi là yêu. Với người bình thường chuyện thất tình, u sầu trong tình yêu đã đau khổ biết dường nào. Còn với những người đa sầu, đa cảm, đa tình, đa vương như nhạc sĩ thì vấn vương một cuộc tình để lại một vết thương lòng và cũng chính từ đó họ cho ra đời một nhạc phẩm hay đi sâu vào lòng người hay chính xác hơn là sự đồng cảm của những người con người cùng vương một chữ tình.

Tình nghĩa đôi mình chỉ thế thôi sao?
Gặp gỡ chi rồi thoáng tựa chiêm bao
Tình anh như áng mây cao
Tình em như ánh trăng sao
Cớ sao mình chẳng được gần nhau?

Cuộc sống kim tiền chia cách đôi ta
Bạc trắng lửa hồng, nên đời thêm xa
Đường anh sương gió bao la,
Đường em thêu gấm, thêu hoa
Đớn đau này muôn kiếp không nhòa

Hẹn ước nhau chi, cho một người ôm mối hận
Nhìn theo một chiếc xe hoa, trăm năm biết có duyên gì
Gian truân nếu có qua cầu
thì hợp tan duyên số mà thôi…

Một bước xa rời muôn kiếp ly tan
Một cánh thiệp hồng khiến người sang ngang
Mười hai bến nước thênh thang
Từ nay đôi nẻo quan san
Khóc cho đời bạc trắng lửa hồng…

Cũng một chữ tình, cùng một phép thử và một vết thương lòng mà một sáng tác nổi tiếng, được nhiều người yêu mến của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân ra đời với tựa đề “Bạc Trắng Lửa Hồng” dưới bút danh Thy Linh. Được biết nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sinh năm 1939 tại Sài Gòn. Năm 1960, ông tốt nghiệp Sư phạm, và về dạy tại Long Khánh, tỉnh Bình Tuy. Những năm 1968 ông đi lính và được điều về Đài phát thanh Quân đội làm việc. Năm 1972, ông được Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa bổ nhiệm về dạy nhạc tại trường Trung học tổng hợp Nguyễn An Ninh, Quận 10. Đấn năm 1978, Sở giáo dục chính quyền mới cho thôi việc, ông xin qua Ngành Bưu điện làm công tác văn nghệ quần chúng cho đến ngày nghỉ hưu.

Trương Hoàng Xuân bắt đầu sáng tác vào năm 1966 và có khoảng 20 tác phẩm được thâu vào băng đĩa thời điểm đó. Lúc thiếu thời khi còn đi học ở trường Petrus Ký, ông thường làm thơ viết nhạc và lấy bút danh Nam Lynh (tên tây của ông là Nalis). Năm 16, 17 tuổi ông có quen với một cô bạn nữ sinh trường Gia Long có cái tên dịu dàng là Thy. Đem lòng yêu mến cô nữ sinh ấy ông sáng tác nhiều thơ ca tặng nàng và bút danh Thy Lynh cũng bắt đầu từ đó. Nhưng sau đó hoàn cảnh cuộc sống đã khiến hai người chia tay nhau, điều đó khiến ông vô cùng đau đớn và sáng tác bài hát “Bạc Trắng Lửa Hồng” để tiếc nhớ về mối tình buồn của riêng mình. Có lần ông tâm sự với người viết rằng, ca khúc này khi sáng tác đã được sự giúp đỡ rất nhiều từ nhạc sĩ Khánh Băng, người đàn anh của ông.

“Tình nghĩa đôi mình chỉ thế thôi sao?” Anh ước gì mình đừng gặp nhau để bây giờ những hình ảnh về em về chúng ta không còn nữa chỉ tựa như một giấc mơ qua “Gặp gỡ chi rồi thoáng tựa chiêm bao”. Anh có tình và em cũng có ý “Tình anh như áng mây cao” “Tình em như ánh trăng sao” nhưng mà đến cuối cùng “Cớ sao mình chẳng được gần nhau? Có lẽ cái tình yêu của ông buổi bấy giờ cũng như bao chuyện tình hoa mộng thời thiếu niên nó đẹp đẽ và trong sáng vô cùng nên mới khắc cốt ghi tâm như vậy. Cô nữ sinh ấy, cô gái mà ông yêu không được miêu tả trong bài hát nhưng thiết nghĩ cô gái ấy rất đẹp. Thế nên anh chàng thi sĩ Nam Lynh ngày ấy mới  trao nàng một tình yêu bao la như áng mây cao… điều này có làm bạn nhớ về mối tình đầu của mình không? rất đẹp đúng không?

Nhưng rồi có cuộc tình nào mà êm điềm như mặt hồ mùa thu đâu nhỉ? Nó sẽ có buồn, có vui, có giận hờn và kể cả trái ngang thì nó mới khắc cốt ghi tâm. Và chuyện tình của chàng thi sĩ Nam Lynh ngày ấy cũng không ngoại lệ, nó dỡ dang rồi, bởi cuộc sống thực tại và xã hội, bởi kim tiền “Cuộc sống kim tiền chia cách đôi ta”. Vào thời bấy giờ, ca nhạc sĩ được cho là “xướng ca vô loài” chính vì thế mà người con gái ông yêu và yêu ông không chọn tình yêu mà lựa chọn kim tiền. Ở đây chúng ta không trách người con gái bởi cũng có bao cô gái yêu một cách mù quáng và họ đau khổ nên việc một người con gái lý trí trong tình yêu cũng không đáng trách. Nhưng xét về tình yêu thì lửa hồng kia đã cho thấy bạc trắng như đời, tình yêu của em không cao bằng lý trí. Em ơi đường em đi giờ “thêu gấm, thêu hoa “còn anh thì “sương gió bao la” đau đớn này em có thấu chăng để cho anh “muôn kiếp không nhòa”.

Bìa Nhạc Bạc Trắng Lửa Hồng xuất bản trước 1975.

Sau mỗi cuộc tình dỡ dang, thường nếu lỗi ở người con trai thì người con gái trách bội bạc và ngược lại thì người con trai trách cô gái sao ước hẹn làm gì để anh ta ôm mối hận lòngHẹn ước nhau chi, cho một người ôm mối hậnBạn biết không nếu không yêu thì đừng hẹn gì cả đừng để người khác nuôi hy vọng rồi dập tắt nó. Nhưng tận cùng của sự đau đớn không phải là sự chia tay trong tình yêu mà chính là người yêu đi lấy chồng mà mình thì vẫn thương thế mới đau. Khi chàng trai “Nhìn theo một chiếc xe hoa” mà nơi đó là người mình yêu cùng với một người khác hạnh phúc cùng nhau… Thôi thì “ trăm năm biết có duyên gì” và tự an ủi chính mình “Gian truân nếu có qua cầu” thì hợp tan duyên số mà thôi.

Những năm sau đó ông đi Lính trong thời gian này ông luôn nhớ về mối tình này và sáng tác bài hát. Lấy tựa đề “Bạc Trắng Lửa Hồng” nghĩa là ông vẫn còn trách móc nhưng ở đây ông trách cuộc sống và đồng tiền chứ không trách người mình yêu, thôi thì… “Một bước xa rời muôn kiếp ly tan. Một cánh thiệp hồng khiến người sang ngang”. Đến năm 22 tuổi ông lấy vợ, và có 6 người con với nhau. Nhưng cuối cùng đời sống hôn nhân cũng không suôn sẻ khi vợ chồng nhạc sĩ bất đồng quan điểm và ly hôn. Ông để lại nhà cửa cho vợ con rồi dọn ra sống ở một ngôi nhà nhỏ… mười mấy năm trôi qua khi giờ đây vợ con ông đã định cư ở nước ngoài ông vẫn sống lẽ loi một mình, bản thân không đụng đến đàn không sáng tác vì ông sợ chạm vào âm nhạc là chạm vào ký ức và những nổi đau của mình…

Tình yêu nào bất đầu điều đẹp nhưng theo thời gian chúng ta phải nhận ra rằng sau giai đoạn yêu đương nồng nàng thì giữa người với người còn lại cái tình là chính. Khi vào cuộc sống hôn nhân thì tình yêu phải biến chất thành tình thương mới tồn tại được. Trong xã hội hiện tại, tôi nhìn thấy chúng ta phê phán những cô gái, chàng trai trẻ tuổi lựa chọn cuộc sống nhàn hạ cho bản thân lựa chọn những con người thừa tuổi và thừa tiền rồi nhân danh tình yêu để che đậy, khiến tôi thấy tình yêu dần biến chất đi, rằng họ đang yêu tiền, yêu bản thân mình, hay yêu thật sự? Và tôi cũng không muốn dùng phép thử lửa, thử vàng để rồi ngỡ ngàng thấy đời Bạc Trắng Lửa Hồng.

Hà Anh.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.