Những Đồi Hoa Sim Một Trong Những Ca Khúc Nhạc Vàng Hay Nhất Mọi Thời Đại
Có thể nói Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh sáng tác vào năm 1960, là một trong những ca khúc nhạc vàng hay nhất mọi thời đại. Đây cũng là sáng tác nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Dzũng Chinh dựa trên ý bài thơ Màu Tím Hoa Sim của thi sĩ Hữu Loan. Bài hát được viết theo điệu Slow rumba (điệu Boléro), âm giai chủ Rê thứ. Khác với những bài hát phổ thơ, Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh không theo sát nguyên tác của bài thơ mà chỉ dựa trên ý thơ để sáng tác.
Click vào link để nghe bài đọc: https://www.youtube.com/watch?v=cJ3sMLS0onU
Click vào hình để nghe Hương Lan và Duy Quang hát Những Đồi Hoa Sim
Những Đồi Hoa Sim được thu âm lần đầu tiên bởi Phương Dung trong đĩa nhựa 45 vòng của hãng “Asia Sóng Nhạc”, đây được xem là đĩa nhựa bán chạy nhất của hãng và đạt doanh số kỷ lục vào thời điểm đó. Trước năm 1975, bài hát cũng được Thanh Tuyền thể hiện thành công trong băng nhạc “Tiếng hát Thanh Tuyền”. Soạn giả Loan Thảo cũng viết lời vọng cổ cho bài hát này qua phần thể hiện của hai nghệ sĩ Minh Vương – Lệ Thủy… Tiếp theo đó có rất nhiều danh ca thể hiện và đến tận bây giờ Những Đồi Hoa Sim vẫn được ngân vang trên khắp miền Nam kỳ. Nhưng có lẽ, theo quan điểm cá nhân người viết thì những ca sĩ hoạt động trước 1975 là trình bày hay nhất bởi họ là những người đi qua lịch sử, chứng kiến sự thật và họ cũng im lặng chấp nhận thời cuộc trong sự bao dung… nên không một thế hệ nào về sau thể hiện ca khúc này hơn họ được.
Click vào hình để nghe Phương Dung hát Những Đồi Hoa Sim bản thu đầu tiên hay nhất trước 1975
Click vào hình để nghe Thanh Tuyền hát Những Đồi Hoa Sim trước 1975
Click vào hình để nghe vọng cổ Những Đồi Hoa Sim do Minh Vương và Lệ Thủy trình bày
Cùng dựa trên câu chuyện có thật của Màu Tím Hoa Sim, nếu Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” của Phạm Duy, là một khúc hùng ca thì Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh là một bản bi ca đầy luyến tiếc. Màu Tím Hoa Sim là một câu chuyện tự sự, là hồi ký của chính cuộc đời tác giả. Bài thơ nói về cuộc tình bi thương thời chinh chiến, khi khói lửa lan tràn khắp quê hương, người trai phải dấn thân nơi sa trường nhưng lòng vẫn luôn lo lắng cho người vợ nơi hậu phương. Những lần chiến đấu gần sống, kề chết anh lại sợ mình phải bỏ mạng nơi chiến trường thì người vợ mới cưới lại bơ vơ. Thế nhưng vào cái ngày anh háo hức trở về thì nghe tin vợ mình đã không còn nữa.
Để không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì.
Trở thành câu hát kinh điển và lưu danh cho nhạc sĩ Dzũng Chinh, chỉ hai câu ngắn ngủi nhưng đủ và đầy để bao trùm tất cả những cảm xúc day dứt, bi thương và nuối tiếc… Trong cuộc chiến hào hùng ấy các anh, trong đó có cả những người em của anh, và những người anh của cô gái, họ đều đi lính nơi xa xăm để mang bình yên về cho quê hương. Nhưng nỗi xót xa và dày xéo nhất, đó chính là các anh không bảo vệ được người em người vợ của mình. Và có lẽ cũng trong cuộc chiến ấy chính những người em, người vợ và người mẹ là những nỗi bi thương thầm lặng không nguôi…
Click vào hình để nghe Tuấn Vũ hát Những Đồi Hoa Sim
Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt.
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến.
Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay.
Từ nơi chiến trường Đông Bắc đó,
lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi.
Trong miền hồi tưởng, anh nhớ về những kỷ niệm xưa, với hình bóng dịu dàng, thầm lặng của người thiếu nữ tóc búi ngang vai đầy thơ mộng. Những lúc xông pha ngoài trận tuyến nhìn những cánh hoa sim đông đưa trong gió chiều, anh lại nghĩ đến nàng, và màu tím nàng yêu. Từ nơi chiến trường Đông Bắc, khi hoàng hôn tắt sau đồi, anh lại nghĩ về người yêu, và thương cho cuộc đời chinh nhân, mấy ai hẹn được ngày về của lính.
Những chiều hành quân, ôi những chiều hành quân, tím chiều hoang biền biệt.
Một chiều rừng mưa được tin em gái mất chiếc thuyền như vỡ đôi.
Phút cuối không nghe được em nói,
không nhìn được một lần, dù một lần đơn sơ.
Để không chết người trai khói lửa
mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì.
Những chiều hành quân và những chiều hoang tím biệt biệt, lại càng khơi dậy bao nhiêu niềm nhớ về em… anh nghĩ đến những đứa em, những người anh của cô gái cũng đã đi lính nơi xa xăm. Rồi anh lại đi, đi mãi, trên những đồi sim tím, hình bóng của người vợ bé nhỏ vẫn vang về đâu đó, như nhắc về một câu ca dao cũ: Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu… Và rồi, một chiều rừng mưa, tin em gái mất được gửi đến chiến khu, cõi lòng anh tan nát như chiếc thuyền vỡ đôi. Còn gì đau đớn hơn khi với anh và nàng từ lúc quen biết cho đến ngày nàng lìa trần, đôi chúng ta có mấy lần được gần. Và cho đến phút cuối anh cũng không nghe được tiếng em nói, không nhìn được một lần dù chỉ là một lần đơn sơ… Vì sao? vì sao không chết người trai khói lửa mà lại cướp mất người em nhỏ hậu phương, đương tuổi xuân thì?
Click vào hình để nghe Phượng Mai hát Những Đồi Hoa Sim
Ôi ngày trở lại nhìn đồi sim nay vắng người em thơ.
Ôi đồi sim tím chạy xa tít lan dần theo bóng tối.
Xưa, xưa nói gì bên em
một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên.
Nói, nói gì cho mây gió
Một rừng đầy hoa sim nên để chiều đi không hết.
Từ ngày cưới cho đến ngày mất chỉ ngắn ngủi 3 tháng, số ngày nàng sống bên chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày xưa, nàng hay mặc áo tím, và anh cũng thường dẫn nàng đi chơi lên những đồi hoa sim tím, ngẫu nhiên dọc bờ sông nơi nàng chết cũng mọc đầy những hoa sim tím. Rồi ngày anh trở lại nơi xưa, cảnh vật lại trải dài một màu tím, khơi dậy một cảm giác mênh mông, vô tận những ưu hoài… cánh sim tím chạy xa tít rồi lan dần vào bóng tối, anh chết lặng trong tuyệt vọng. Những ngày xưa nói lời yêu thương và hẹn ước bên em, cuối cùng anh vẫn là một người để lỡ bước tơ duyên. Giờ đây chỉ còn anh đi trong chiều tím, mãi không thoát ra được những nỗi sầu, anh chỉ còn biết nói cùng mây gió để gửi những tiếc thương đến em.
Click vào hình để nghe Phương Dung hát Những Đồi Hoa Sim
Tím cả chiều hoang, nay tím cả chiều hoang, đến ngồi bên mộ nàng.
Từ dạo hợp hôn nàng không may áo cưới thoáng buồn trên nét mi.
Khói buốt bên hương tàn nghi ngút trên mộ đầy cỏ vàng
mà đường về thênh thang.
Đồi sim vẫn còn trong lối cũ
Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang mới tiêu điều.
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi, nhưng để lại nỗi đau dai dẳng đến trọn đời người lính. Khi tình yêu đang ở giai đoạn nồng thấm và tươi đẹp nhất, khi những ngày ân ái chưa lâu thì cuộc chia tay lại là chia ly mãi. Chiếc bình hoa ngày cưới, đã vội thay thành bình hương tàn vây lạnh. Anh trở về như cái xác không hồn, anh đến ngồi bên mộ nàng, nhìn khói hương nghi ngút lại nhớ và thương người em gái nhỏ nhiều hơn. Với anh, nàng đã quá thiệt thòi, đến ngày cưới cũng không may được chiếc áo hoa gấm, giờ nàng lại mặc chiếc áo liệm nằm dưới lớp cỏ vàng buốt giá. Nghĩ thế thôi, lại thoáng bao nhiêu nỗi buồn về trên mi…
Click vào hình để nghe Hoàng Oanh và Mai Thiên Vân hát Những Đồi Hoa Sim
Con đường anh về, vẫn mênh mông và thênh thang những cánh hoa sim tung bay trong gió chiều. Đồi sim vẫn còn trong lối cũ nhưng giờ thiếu vắng người xưa ấy, đồi hoang mới tiêu điều… Sau tất cả đồi sim vẫn mãi trong tim người lính, những cánh hoa sim tím vẫn mãi theo anh qua các cuộc hành quân… Sau 1975, bài hát không được phép lưu hành tại Việt Nam. Mãi đến năm 2020, hai ca khúc “Những Đồi Hoa Sim” và “Chuyện Hoa Sim” chính thức được cấp phép phổ biến. Cánh hoa sim xưa qua bao nhiêu trắc trở đã trở lại để chạm vào trái tim người mộ nhạc và nhắc nhớ rằng: Những Đồi Hoa Sim không ủy mị sầu thương mà màu tím ấy tượng trưng cho sự thủy chung và giá trị nhân văn của tình người tình yêu thời chinh chiến./.
Biên Soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc dongnhacvang.com
Có một câu chuyện mà những người từng làm việc ở bộ tư lệnh sư đoàn 9 bộ binh VNCH kể lại cho người viết nghe như sau: Vào khoảng giữa năm 1966, ca sĩ Phương Dung có đến hậu cứ sư đoàn 9 bộ binh ủy lạo trình diễn văn nghệ cho các chiến sĩ, Cô có hát ca khúc Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh và được mọi người nhiệt tình tán thưởng. Dĩ nhiên là buổi trình diễn hôm đó có mặt gần như tất cả sĩ quan ở bộ tư lệnh sư đoàn 9. Tư lệnh sư đoàn 9 bộ binh lúc đó là tướng Lâm Quang Thi đã hỏi ca sĩ Phương Dung có yêu cầu gì hay không? hay đại khái là có mong muốn gì hay không? Sư đoàn 9 sẽ hết lòng đáp ứng. Ca sĩ Phương Dung lúc đó đã có một thỉnh cầu nhỏ là mong tư lệnh sư đoàn cho trung sĩ Nguyễn Bá Chính (Nhạc sĩ Dzũng Chinh) được đi học khóa sĩ quan đặc biệt để Ông có tương lai hơn, và không lâu sau đó, trung sĩ Nguyễn Bá Chính được cử đi học khóa Sĩ quan Đặc biệt tại Nha Trang (Đồng Đế).
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ ở sư đoàn 9 Bộ Binh thì chắc Dzũng Chinh sẽ được yên ổn hơn, vì sau khi tốt nghiệp khóa Sĩ quan Đặc biệt với cấp bậc chuẩn úy, ông ra vùng 2 phục vụ tại Trung đoàn 44 trú đóng tại Sông Mao, Hải Ninh, Bình Thuận thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh, và tử trận năm 1969 tại chân núi Chà Bang.
Nhưng theo tôi nghĩ, đó là duyên số, cái số của cố thiếu úy Nguyễn Bá Chính đã như vậy, thì đi đâu cũng sẽ vậy thôi ……
XIN TÔN TRỌNG TÁC QUYỀN
Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn dongnhacvang.com kèm theo link bài viết và tên tác giả. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. KHÔNG được đọc lại bài viết để tạo video trên YouTube… Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense.
bài này chỉ Tuấn Vũ hát là hay nhất, mấy ca sĩ nữ hát trc k hay