Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím Câu Chuyện Buồn Thời Binh Lửa Ngập Quê Hương
“Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” là bài thơ do thi sĩ Kiên Giang sáng tác vào khoảng những năm 1957 và 1958. Đây là một trong những sáng tác gắn liền với sự nghiệp và tên tuổi của tác giả này. Ngay khi ra mắt, “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” đã được đón nhận và ủng hộ nhiệt tình từ sinh viên, học sinh miền Nam. Bài thơ trở thành hiện tượng và là nguồn sáng tác cho các thi nhạc sĩ: sau năm 1975 nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc cho bài thơ, nhưng có sửa lại đôi chút và lấy tựa là “Chuyện Tình Hoa Trắng”, trước đó năm 1962, bài thơ được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc lấy cùng tên.
Click vào link để nghe Hương Lan hát Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím
Với điệu Habanera nhẹ nhàng và đơn giản tạo cảm giác buồn man mác, nhờ sử dụng nhiều nhịp ngắn liên tục kết hợp với chất lãng mạn của lời thơ, Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc mang đến cho người nghe một sự đồng cảm. Tất cả như đưa thính giả hòa mình vào bối cảnh chiến tranh tại miền Nam thời bấy giờ, ở nơi đó không chỉ có binh lửa mà còn có những câu chuyện đầy tình yêu và tình người.
Click vào link để nghe Hương Lan hát Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím
Theo lời kể của nhà thơ Kiên Giang, khi ông rời quê nhà tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang lên học trung học ở Cần Thơ lúc đó ông vừa tròn 16 tuổi. Trong thời gian này, ông tham gia làm ký giả cho tờ báo của trường và quen biết Nguyễn Thị Nhiều, cô là bạn cùng lớp đảm nhận vai trò chép báo. Cũng từ đó giữa hai người trẻ đã nảy sinh tình cảm thương mến nhau. Cứ mỗi độ tan học, chàng thi sĩ Kiên Giang lặng lẽ đứng nấp bên giáo đường nơi Nhiều đi lễ, chỉ một nụ cười của người em xóm đạo cũng đủ bình yên cho câu chuyện tình tuổi thanh xuân khắc sâu vào tim người văn sĩ trẻ.
Chiến tranh bùng nổ, hai người chia cách… thoáng một chớp mắt đã mười năm trôi qua, cứ ngỡ câu chuyện tình năm xưa đã đi vào quên lãng, ấy vậy mà cô nữ sinh năm nào vẫn một lòng giữ trọn tình cảm và chờ đợi Kiên Giang quay về. Mãi đến năm 1955, Nguyễn Thị Nhiều lấy chồng, trước ngày xuất giá, bà hẹn gặp Kiên Giang lần cuối để hàn huyên tâm sự và nói hết những nỗi lòng của mình sau bao nhiêu năm chờ đợi… và câu chuyện tình yêu xưa cũng đã khép lại. Đến năm 1957, trong một chuyến đi công tác ở Bến Tre, vô tình nhìn thấy một đám cưới trong xóm đạo, bao nhiêu kỷ niệm của năm xưa như ùa về, thôi thúc Kiên Giang viết ra “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”.
Click vào link để nghe Hoàng Oanh hát Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Từ ngày binh lửa ngập quê hương
Luyến thương chan chứa tình quê mẹ
Sông nước phù sa gợi tình
Lâu quá không về thăm xóm cũ
Để nhìn mây chiều nhẹ im trôi
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Đôi bóng vai kề một lối đi
Thuở ấy, “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” làm trái tim thính giả miền Nam như ngừng một nhịp, bởi nó đã tả đúng tâm trạng của nhiều người. Khi tình yêu đôi lứa phải chia lìa giữa thời đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, cũng từ ấy hoa trắng không còn cài trên áo tím. Bao nhiêu mộng ước của tuổi hoa cũng xin khép lại, nhường chỗ cho những luyến thương chan chứa, tình yêu đôi lứa xin nhường tình quê hương. Lớp lớp người trai đi gìn giữ quê hương, đã rất lâu rồi chàng thi sĩ xưa không về thăm xóm cũ, không còn những ngày được bình yên nhìn mây chiều nhẹ êm trôi… và cũng đã từ rất lâu người trai phiêu bạt muôn nơi không còn nhìn thấy bóng dáng người em gái nhỏ bên giáo đường.
Click vào link để nghe Vũ Khanh hát Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím
Từ khi giặc ruồng qua xóm đạo
Mấy lần anh đến lối quen xưa
Tìm tà áo em thơ
Tìm màu tím tôi mơ
Tìm hàng tre cây đa xiêu đầu làng
Nhớ những ngày bình yên bên giáo đường êm nắng, anh đứng lặng chờ nghe em khe khẽ nguyện cầu, cầu cho trọn đôi ta muôn kiếp không xa lìa. Nhưng kể từ ngày giặc ruồng qua xóm đạo, áo tím và hoa trắng xưa giờ phiêu bạc và tan tác phương trời nào? Mấy lần anh tìm về lối quen xưa để tìm lại những thân yêu xưa, hàng tre và cây đa vẫn im lìm đầu làng nhưng tà áo em thơ và màu tím mộng mơ xưa đâu còn… lối cũ vẫn còn đây nhưng người xưa giờ biết nơi nào?
Click vào link để nghe vọng cổ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím do Lệ Thủy và Thanh Tuấn hát
Pháo hồng đưa chuyến đò sang sông
Áo tím ngày xưa đi lấy chồng
Chuông đổ ngân vang hồn vĩnh biệt
Đưa em về bến đục hay trong?
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Tàn rồi bao kỷ niệm xa xưa
Bao nhiêu năm trôi qua, khói lửa chiến tranh cũng không còn, áo tím xưa đã về lại, nhưng áo tím và thi sĩ vẫn ngăn cách bởi có lẽ họ đã bước trên hai con đường khác quá lâu, những ân tình xưa chỉ còn là những hồi ức đẹp. Chưa kịp hát khúc hát đoàn viên, thì họ lại ngăn cách nhau một lần nữa. Ngày pháo hồng đưa áo tím yêu xưa sang sông, ngày em đi lấy chồng cũng là ngày chuông nhà thờ ngân vang hồi vĩnh biệt. Biết rồi đây, em sẽ về bến đục hay bến trong, thì lòng anh vẫn chúc em hạnh phúc. Hoa trắng không còn cài trên áo tím, mà kết hoa đưa tang cho một cuộc tình, hoa trắng sẽ không cài trên áo tím mà là hoa mừng em hạnh phúc… Bao lưu luyến và tiếc thương cho một cuộc tình lỡ cũng xin đành khép lại, từ nay xin gọi nhau là cố nhân./.
Núi xanh, sông biếc còn rơi lệ
Hoa trắng nay thành hoa cố nhân
Biên Soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc dongnhacvang.com
XIN TÔN TRỌNG TÁC QUYỀN
Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn dongnhacvang.com kèm theo link bài viết và tên tác giả. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. KHÔNG được đọc lại bài viết để tạo video trên YouTube… Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense.