Về Ca Khúc “Cánh Thư Mùa Hạ” Của Nhạc Sĩ Phượng Vũ

0 5.383

Nếu nói mùa xuân là sự khởi đầu, mùa đông là sự cô độc, mùa thu là sự gặp gỡ, thì mùa hạ là ngày chia tay. Trong cuộc đời mỗi người khoảng thời gian đẹp nhất có lẻ là lúc còn cắp sách đến trường, nhưng thời gian buồn nhất trong năm thì có lẽ là khi mùa hè về, như trong ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn có câu “Mỗi năm đến hè, lòng mang mác buồn”. Khi hoa phượng nở rộ trên góc sân trường, ta chợt nhận ra rằng mùa hè đã đến, là mùa của sự chia tay đang chờ.

Thanh xuân của mỗi người đều mang những giấc mơ trọn vẹn, được đến trường chia tay bạn bè thầy cô rồi gặp lại, nhưng cũng có những người dang dở giấc mơ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hay vì tiếng gọi của quê hương đất nước như anh lính trong ca khúc “Cánh thư màu hạ” của nhạc sĩ Phượng Vũ.

Năm 1965, nhạc sĩ Phượng Vũ theo học Kiểm sự Thủy Lâm chuyên Ngư nghiệp Lục địa tại trường Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Tiếp theo và năm 1966, nhạc sĩ Phượng Vũ trúng tuyển ca sĩ do Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức tại Rạp Hưng Đạo. Hãng đĩa Dư Âm lập tức mời nhạc sĩ Phượng Vũ cộng tác với cả vai trò sáng tác và ca sĩ. Và ca khúc “Cánh thư mùa hạ” được tác giả sáng tác 1970 tại Gò Công, ca khúc là những nổi niềm của anh lính xa quê khi nhớ về mái trường xưa cũng như tình cảm của tác giả đối với trường Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ mà ông theo học. Bài hát với giai điệu đặc biệt, có phần nhẹ nhàng nhưng nhiều hơn là nổi buồn mang mác.

“Hỏi rằng mùa hạ năm nay,
Phương ấy có còn nhiều mây bay ?”

Khi đất nước trong cảnh mưa bom khói lửa, người thanh niên áo trắng đang trong độ tuổi đẹp nhất cuộc đời phải bỏ lại cặp sách, rời xa cha mẹ, bạn bè và cả mối tình thơ ngây vụng dại, để lên đường nhập ngũ. Để khi hành quân dừng chân nơi vùng đất xa lạ, tự cảm thán với bản thân, không biết nơi xưa có còn được bình yên không “Phương ấy có còn nhiều mây bay ?” không biết bầu trời nơi đó có còn xanh với những đám mây bay hay nhuốm màu binh lửa. Hình ảnh người con gái đứng dưới góc phượng đỏ trong nắng sớm “Hoa nắng lung linh phượng rơi ngủ mơ trên vai em ngọc ngà”, đó là hình ảnh bình dị và dễ thương trong lòng người lính, có thể vì để có được những phút giây bình dị ấy mà người trai đã lên đường chiến đấu để bạn bè nơi mái trường xưa, vẫn có thể trải qua được hết giấc mơ của thời áo trắng.

Ôi! lời ca nghe buồn và gia diết làm sao, thương biết mấy người trai chiến đấu nơi chiến trường nhưng có còn bao người thân thương nhớ tới. “Kể từ ngày chia tay đôi nơi/ Bạn bè còn mấy đứa nhắc tới/Em gái yêu ơi có còn nhặt hoa hay đã giã từ cuộc chơi ?”. Bạn bè nơi mái trường xưa không biết còn bao người nhớ tới mùa chia tay năm ấy hay không, hay người con gái ngày xưa không biết có còn đến trường hay đã sang sông. Thân làm trai gánh trên vai bao trách nhiệm và nghĩa vụ của người trai thời loạn, để rồi họ phải gác lại bao tâm tư tình cảm riêng của mình nơi quê nhà.

Cuộc sống với những cuộc hành quân đầy gian nan, cực khổ “Nơi xa xôi đóng quân trên vùng sỏi đá/Suốt năm bốn mùa lửa hạ”. Nhưng họ vẫn vững tin vào một ngày mai tươi sáng “Mong một ngày trời nở đầy hoa/Về trường xưa ngắm lại màu phượng thân yêu”. Khi đất nước hòa bình, họ không mong muốn gì cao xa cho bản thân, chỉ mong muốn được trở về quê hương, để thăm lại những người thân yêu, người bạn cũ nơi mái trường xưa cũ. Dù có ở nơi nào thì lòng người lính vẫn hướng về quê nhà, đối với họ chỉ có nơi mình sinh ra là ấm áp nhất sâu đậm nghĩa tình nhất, cho dù nơi khác có đẹp hơn tốt hơn nhưng vẫn không bao giờ sánh được với nơi chứa đựng biết bao kỉ niệm thời trong sáng ngây thơ, “Muôn sắc hoa dù mỹ miều/Cũng thua màu phượng buồn thật nhiều”.

Muôn sắc hoa dù mỹ miều. Cũng thua màu phượng buồn thật nhiều. (Ảnh của : Khánh Nguyễn)

Đất nước đã trải qua bao nhiêu năm chiến chinh, là bấy nhiêu năm người lính xa quê dấn thân nơi chiến trường, dù trong hoàn cảnh súng đạn tan thương, nhưng mối tình học trò năm xưa vẫn vẹn nguyên trong lòng anh lính “Mấy mùa lửa hạ trôi qua/Thân lính xa nhà còn bôn ba/Nhung nhớ thiết tha phượng rơi ngủ mơ trên vai em ngọc ngà”. Để rồi những đêm buồn vắng lặng hành quân nơi xa, anh lính viết vài dòng tâm sự gởi về quê nhà, để hỏi người phương xa có còn nhớ đến người trai năm nào cùng đứng dưới góc cây phượng sân trường năm xưa “Vài lời gửi cho cô em thôi/Kỉ niệm ngày trước có nhớ tới ?”. Có thể anh lính sợ người con gái e thẹn nói lời thương, nên chỉ cần gởi cho anh cánh hoa phượng trong thư, nó cũng như thay lời người con gái rằng những kỉ niệm xưa vẫn còn sống trong lòng họ. Cánh hoa phượng ấy có thể trở thành động lực và niềm hy vọng đối với anh, để khi ngày mai chiến đấu nơi chiến trường anh sẽ càng vững tin một ngày không xa đất nước sẽ hòa bình, anh sẽ được trở về với người con gái nơi quê xa và sẽ được sống những ngày tốt đẹp như khi xưa “Xin gửi cho tôi cánh phượng màu môi cho tôi sống lại ngày vui”.

Ca khúc với những ca từ mộc mạc chân thành nhưng với giọng ca của ca sĩ Duy Khánh ta như thấy được nổi buồn, sự mất mác của những mối tình thời đó. Cuộc chiến đi qua để lại vô vàn sự đau xót, không chỉ riêng người lính, mà là cả một dân tộc. Người lính với góc nhìn của người bình thường chỉ là người vì dân, vì đất nước mà đấu tranh. Những hình ảnh người lính trên chiến trường ngoài việc đeo balo xuôi ngược bảo vệ quê hương, thì họ cũng chỉ là một con người bình thường với biết bao cảm xúc vui buồn. Mà mấy ai trong chúng ta thấu hiểu được những tâm tư , nỗi mất mác mà người trai thời loạn phải gánh chịu.

Tuy giờ bình yên và nỗi đau đã tạm đi qua nhưng những bài hát về người lính với đủ các thể loại vẫn luôn được sống mãi, vang mãi chưa bao giờ dừng lại. Mỗi lần nghe thấy, lòng chúng ta không giấu được sự tự hào về hình tượng người lính Việt Nam đã anh dũng và hào hùng ra sao. Với tôi mọi thứ vẫn chưa cũ, vẫn sống mãi trong lòng những người yêu nhạc.

Hỏi rằng mùa hạ năm nay
Phương ấy có còn nhiều mây bay?
Hoa nắng lung linh
Phượng rơi ngủ mơ trên vai em ngọc ngà.

Kể từ ngày chia tay đôi nơi
Bạn bè còn mấy đứa nhắc tới
Em gái yêu ơi ! có còn nhặt hoa
Hay đã giã từ cuộc chơi?

Nơi xa xôi đóng quân trên vùng sỏi đá
Suốt năm bốn mùa lửa hạ
Mong một ngày trời nở đầy hoa

Về trường xưa, ngắm lại màu phượng thân yêu
Muôn sắc hoa dù mỹ miều
Cũng thua màu phượng buồn thật nhiều.

Mấy mùa lửa hạ trôi qua
Kiếp sống xa nhà còn bôn ba
Nhung nhớ thiết tha
Phượng rơi ngủ mơ trên vai em ngọc ngà.

Vài lời gửi cho cô em thôi
Kỷ niệm ngày trước có nhớ tới?
Xin gửi cho tôi cánh phượng màu môi, cho tôi sống lại ngày vui.

Sakura.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.