Hoàn Cảnh Sáng Tác Ca Khúc “Bà Mẹ Gio Linh” Của Nhạc Sĩ Phạm Duy

0 3.152

“Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò ơi hò! Hò ơi hò! ….”

Bài hát Bà Mẹ Gio Linh được nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời vào năm 1948, ca khúc này được ông viết theo thể loại truyện ca. Có một điều lạ là lời nhạc in vào năm 1953 của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam là một lời khác và tựa cũng là Bà Mẹ Nuôi thay vì Bà Mẹ Gio Linh. Còn lời thay vì : “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày ….” thì lại là : “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con sống đời dân cầy ….”. Có lẽ cũng giống như ca khúc Quê Nghèo, vì thời cuộc mà nhạc sĩ Phạm Duy phải sửa lời lại  (Quý vị có thể xem lời này ở nhạc bên dưới). Nói về ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Duy kể lại hoàn cảnh ra đời của Bà mẹ Gio Linh như sau :

“Năm 1948. Từ Quảng Bình, tôi tới làng Gio Linh ở tỉnh Quảng Trị. Gặp một bà mẹ có người con đi dân quân bị giặc bắt và bị giặc chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy cái đầu anh dân quân xuống để đem đi chôn. Bà mẹ lẳng lặng lấy đầu con, bỏ vào khăn gói mang về. Tôi kể câu chuyện đó qua một bài dân ca với kết luận là sau khi hy sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà sẽ có hàng trăm người con nuôi là những người đi bộ đội. Bài này nói tới bi hùng chứ không phải nói tới bi lụy.

Câu chuyện trong ca khúc Bà Mẹ Gio Linh này là một câu chuyện có thật, xin chia sẻ cho quý vị được biết rõ hơn như sau : Vào năm 1948, tại Mai Xá, Gio Mai, thuộc Gio Linh, Quảng Trị, lính Pháp có bắt được hai người theo Việt Minh là Nguyễn Đức Kỳ và Nguyễn Văn Phi, lúc đó anh Kỳ là xã đội trưởng. Để đàn áp, và dằn mặt tinh thần dân làng cũng như dập tắt phong trào kháng chiến, thì ngày 16/08/1948 thực dân Pháp đã tử hình hai anh Nguyễn Đức Kỳ và Nguyễn Văn Phi, còn đem bêu đầu ở đình làng, sau đó dời ra bến đò trước chợ để thị uy.

Hay tin, bà Lê Thị Cháu (mẹ anh Nguyễn Đức Kỳ), và bà Hoàng Thị Sáng (mẹ của anh Nguyễn Văn Phi), ra chợ lén bỏ thủ cấp hai anh vào thúng mang về. Thực dân Pháp cho quân lùng sục. Cả hai gia đình đều mang thủ cấp con mình giấu lên “tra” (cái sàn gỗ trên nóc trần nhà, nơi những ngôi nhà dân vùng này ngày xưa làm để cất giữ hạt giống ngô, thóc…). Đợi tình hình yên ổn mới đem đi chôn cất.

Thái Salem tổng hợp.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.