Về Ca Khúc Nắng Chiều Và Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn
Những năm gần đây thính giả bắt đầu chuộng lại thể loại nhạc với điệu bolero, cũng từ đó nhiều chương trình truyền hình ra đời tượng trưng cho một dòng nhạc riêng, làm cho người nghe nhận định chưa đúng. Nhạc Vàng TV xin phân tích và chia sẽ đôi chút với bạn đọc gần xa về Bolero và bài hát về Bolero đầu tiên tại Việt Nam. Bolero là một điệu nhạc chứ không phải một dòng nhạc, có nguồn gốc Tây Ban Nha du nhập sang Mỹ Latinh rồi du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 1950. Điệu Bolero bị nhầm lẫn với khái niệm nhạc vàng, nhiều người xem nó như một dòng nhạc riêng biệt và thường gọi là dòng nhạc Bolero hoặc dòng nhạc trữ tình, Bolero. Với giai điệu và tiết tấu âm nhạc chậm rãi, đơn giản nên hầu hết các bài hát theo điệu boléro đều mang đậm chất dân ca, chủ yếu dân ca của Nam Bộ. Nhịp thường ít biến đổi, ít quãng cao, dễ hát, khi hát thường luyến láy, làm cho mềm mại và da diết. Nếu ở quốc tế cha đẻ của Bolero là Jose Pepe Sanchez thì ở Việt Nam nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn chính là người khai sinh đưa điệu Bolero vào âm nhạc miền Nam.“Nắng chiều” bài hát Bolero đầu tiên được ông sáng tác năm 1952 và vang danh một thời không chỉ trong nước mà nó còn được mệnh danh là tình ca Châu Á.
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ.
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương
Nay anh về qua sân nắng
Chạnh nhớ câu thề tim tái tê
Chẳng biết bây giờ
Người em gái duyên ghé về đâu.
Nay anh về nương dâu úa
Giọng hát câu hò thôi hết đưa
Hình dáng yêu kiều
Kề hoa tím biết đâu mà tìm
Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói em nói: “Mến anh!”
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…
Thời bấy giờ “Nắng chiều” như một hiện tượng âm nhạc, khắp thông tin đại chúng điều ca ngợi, người người ngân nga, hơn thế bài hát còn trở nguồn cảm hứng cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Nội dung phim khá hấp dẫn và tình tiếc lôi cuốn kể về mối tình đầy trắc trở của cô thôn nữ dịu dàng tên Hiền với anh chàng Trung úy quân lực tên Thái. Buổi đầu gặp gỡ trên “bến nước xưa” họ yêu nhau thế nhưng cô em họ là Cúc lại phải lòng anh lính và ganh ghét với cô chị. Sau nhiều lần chinh phục nhưng không được anh lính tài hoa đáp lại tình cảm, cô ta đã thuê mướn bọn lưu manh cưỡng bức chị họ nhưng bất thành. Tủi nhục Hiền lên chùa đi tu, khi Thái về thăm, biết được sự việc bèn tìm kiếm người yêu, bằng sự chân thành chàng đã đưa nàng vượt qua những định kiến của bản thân cuối cùng họ lại trở về và hạnh phúc bên nhau. Với sự góp mặt bộ ba nổi tiếng thời ấy là cố nghệ sĩ Thanh Nga, Ca sĩ Hùng Cường, Phương Hồng Ngọc… lại một lần nữa đưa nắng “Nắng Chiều” vang xa nó nằm trong 12 bài nhạc Việt nổi tiếng nhất tại Sài Gòn và Nhật Bản. Ở Đài Loan và Hồng Kông, Thái Lan … bài hát được biết đến với tên “Việt Nam tình ca”, “Tình ca châu Á” và được dịch ra nhiều thứ tiếng phổ biến khắp châu Á. “Nắng Chiều” của Việt Nam cứ thế lan tỏa khắp nơi.
Lê Trọng Nguyễn sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn. Không chỉ là một nhạc sĩ, ông còn là một học giả uyên bác về âm nhạc. Tuy sáng tác không nhiều, nhưng các nhạc phẩm của ông đều giá trị nghệ thuật cao, với giai điệu và lời ca trau truốt, nội dung lôi cuốn. Trước 1954 ông về Hội An sinh sống và dạy âm nhạc tại trường trung học Nguyễn Duy Hiệu. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 5 năm 1945, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở vùng này, gia đình đó có một người con gái… và ông yêu người con gái ấy. Lê Trọng Nguyễn viết bài Nắng chiều ở Huế dành riêng cho nàng. Được xúc cảm và viết trong thời gian 30 phút nhưng ca từ thì như thơ, gợi cho người nghe một khung cảnh như mơ, quá đẹp. Với điệu Rumba – bolero rộn rã hòa trộn ngũ cung và hoạt ảnh gợi nhớ làm cho tổng quan bài hát vừa bồi hồi nhưng lại du dương. Cái nắng của buổi ban chiều quá đẹp, lá hoa về chiều không ủ rủ u buồn mà thướt tha. Nắng xuyên qua dòng nước mới lắp lánh và huyền bí. Chợt nhìn thấy “dáng em gầy gầy” đây là hình dáng của một hoa khôi đất Thần Kinh đi trong vạt nắng ban chiều nên nó càng làm cho không gian nơi đây đã đẹp lại càng thêm đẹp. Làm nhạc sĩ nhớ về người thương của mình một người con gái cũng đẹp không kém “Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm”, “Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương”.
Phải cảm ơn cái nắng của buổi chiều ngày hôm ấy quá lấp lánh và thiên nhiên phải chăng quá hồn hậu và sống động mà cố hương lại hoài tiếc vấn vương “Nay anh về qua sân nắng”,“Chạnh nhớ câu thề tim tái tê”. Nhớ về em gái duyên. Nơi đây thì vẫn đẹp như xưa nhưng lòng anh thì như “dâu úa”, “Giọng hát câu hò thôi hết đưa” vì hình dáng người thương không còn, không biết giờ đây em ở đâu gia đình em đã rời đi ngày ly loạn. Thế duyên nợ của em giờ về nơi đâu đã cập bến nào chưa hay có còn nhớ về anh. Ôi cái hình dáng yêu kiều kề bên hoa tím sao mà đẹp mà lung linh đến thế… để cho thi sĩ biết đâu mà tìm. Hình bóng nàng cũng như vạt nắng tan biến trong chiều buông còn lại một nổi lòng như màn đêm sắp bao phủ. Cái tình cảm thời xưa nó đến rất nhẹ nhàng, nhưng không chớm nhoáng, người xưa không nói yêu mà gọi thân thương là “mến anh” thương anh. Tình cảm không vội đến rồi vội đi mà nó lưu luyến và “Nhớ” hoài đến độ chỉ một cái nắng ban chiều cũng làm bao nhiêu quá khứ và kỷ niệm ùa về. “Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi”, “Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…”
“Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn đẹp về giai điệu, lời hát thì dung dị, không cầu kỳ kiểu cách. Phải chăng vì bình sinh nhạc sĩ vốn là người hiền hòa và giản dị nên dù hơn nữa thập kỷ trôi qua, người ta vẫn yêu mến “Nắng chiều” và Bolero, sau bao biến đổi của không gian và thời gian, bao nhiêu dòng nhạc thể loại âm nhạc hình thành rồi qua đi, có một đoạn người ta chuộng nhạc hiện đại mà lãng quên nó. Ngày nay Bolero như sống dậy một lần nữa xin hãy để nó một lần nữa đẹp một cách thiêng liêng đừng biến chất hay thay đổi giá trị của âm nhạc.
Hà Anh.