Về Ca Khúc ‘Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè’ Của Nhạc Sĩ Bắc Sơn

0 4.237

Nắng hạ đi
Mây trôi lang thang cho hạ buồn
Coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng.

Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
Biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau.

Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
Đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa.

Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh.

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương
Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao
Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau.

Xin sống lại tình yêu đơn sơ,
Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
Đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa.

Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh
Dạo quanh, khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh.

Ở trên là tác phẩm : Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, một sáng tác có thể coi là nổi tiếng nhất của nhạc sỹ : Bắc Sơn. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Thanh Niên, nghệ sỹ Bắc Sơn cho hay là viết bản này làm nhạc nền cho vở kịch “Bếp lửa ấm” phát trên truyền hình Saigon vào cuối tháng 11 năm 1974.

Tên bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè đã nói lên tất cả sự mộc mạc của nó với một giai điệu buồn man mác như một lời tâm sự từ cõi xa xăm nào đó. Thường thường thì nét buồn hay rơi vào cảnh mùa thu hay đông thì Bắc Sơn lại để vào thời điểm chớm hạ: “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn. Coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng”. Mở đầu đã khái quát toàn bộ chủ đề của bài hát với không gian mênh mang vời vợi của phút giây chớm hạ. Về điều này, trước đây trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử đã có câu buồn về ánh nắng xôn xao “Chị ấy năm nay còn gánh thóc, dọc bờ sông trắng nắng chang chang”, hay nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm có bài Chiều hạ vàng “Em hát đi cho mây hạ buồn, hạ trắng lang thang…” thực sự làm cho người nghe thấy thổn thức về nỗi buồn xa nhớ kỷ niệm quê hương. Với Còn thương rau đắng mọc sau hè, nhạc sĩ Bắc Sơn với tư duy của một người viết kịch, làm phim nên bài hát cứ dần hiện lên một câu chuyện mở màn không gian miền quê Nam bộ, vào một ngôi nhà nhỏ có hai người già là chị em ruột ngồi nhổ tóc cho nhau để nhớ về kỷ niệm yêu thương một thời đã xa. Từ đây mỗi giai điệu lời ca là một hình rất cụ thể, giản dị mà chứa chan cảm xúc, gợi buồn nhưng điệu lý quê hương đất Nam bộ trở nên sang trọng mà đầy day dứt.

Lý An (Phở Ông Xã Đà Lạt)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.