Về Ca Khúc ‘Đan Áo Mùa Xuân’ Của Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ
Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ
Là thôi em mong nhớ xuân này chàng có về
Hỏi hoa hoa chẳng nói, hỏi mây mây lặng đứng
Hỏi gió gió ngập ngừng, hỏi nắng nắng ngại ngùng.
Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến
Người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng
Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó
Cho xác chết ngậm cười, cho nước mắt thôi rơi.
Nhớ xuân xưa năm nào
Bên bếp lửa vui, ngồi đan áo cho anh
Đôi mắt anh dịu buồn, nói anh sẽ về
Khi máu sương thôi ngừng rơi.
Để giờ mình em và manh áo xám trên tay
Dù rằng ngoài kia vang tiếng pháo đón giao thừa
Bánh chưng rất xanh, với hoa rất vàng
Mà ngỡ là giấc mơ thanh bình.
Anh sẽ về khi mai vàng trước ngõ
Và lang thang chim én mang sầu về cuối trời
Quà cho em là bướm và hoa thơm cỏ biếc
Với gió mát lưng đồi, với tiếng sáo tuyệt vời.
Anh sẽ về khi không còn tiếng súng
Trời xanh cao tiếng hát, chim trổ nhạc đón mừng
Để hoa xuân lại thắm để môi em lại ấm
Cho áo mới yêu đời cho tiếng sáo thêm vui.
Đan áo mùa xuân, đây là một tác phẩm rất hay của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết về chủ đề mùa xuân. Tác giả đã dùng thời điểm khi mai vàng nở rộ để báo cho người con gái hậu phương biết mùa xuân đang về. Người con gái ấy không biết tin tức về chàng trai của mình giờ thế nào ? nàng chỉ biết hỏi hoa, hỏi mây, hỏi gió, và hỏi nắng. Những chú chim én mùa xuân báo tin rằng chàng vẫn còn đang làm tròn bổn phận người trai thời loạn ngoài chiến trường, không có nàng trong tay, chàng chỉ biết ôm súng, gối đầu trên lá rừng và nhớ về em gái ở hậu phương xa xăm.
Tình yêu của cô gái gửi vào những đường đan áo trên tay và mong rằng mùa xuân tới người yêu sẽ về khi mai vàng lại nở. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tạo một cảm giác nhớ nhung cho người nghe, ông gửi những nỗi niềm đó vào chính ca từ viết lên trong cung bậc cảm xúc của bài hát.
Ở đây có một điều tôi muốn nhắc đến cho quý vị hiểu đó là đoạn :
“Là thôi em mong nhớ xuân này chàng có về”. Có nhiều ca sĩ hát sai thành : “Là em thôi mong nhớ xuân này chàng có về” …. chỉ lộn có một chữ là câu hát thay đổi ý nghĩa ngay.
Vì “thôi em mong nhớ” có nghĩa là thôi rồi em sẽ mong nhớ — còn “em thôi mong nhớ” có nghĩa là em hết mong nhớ.
Nhật Hà.