Cảm Nhận Và Kỷ Niệm Về Ca Khúc Hai Mùa Mưa …..
Nhớ những ngày vừa nhận sự vụ lệnh đổi lên Kontum, Pleiku vào mùa mưa. Mưa kéo dài lê thê lướt thướt, mây mù sương khói thi nhau phủ kín khung trời, gió núi hắt từng hạt nước vô mặt lạnh buốt đến tê tay. Ngồi trong quán cà phê Dinh-Điền nhìn cái phin cà phê cũ rích méo mó nhăn nhúm, nghiêng nghiêng nằm cheo leo trên miệng cái ly. Từng giọt… từng giọt…cà phê bịn rịn buông rơi… Tiếng ca ấm áp truyền cảm đến ngùi ngùi của cô ca sĩ Trang Mỹ Dung, chở theo nhiều mùa mưa ở tận trong rừng sâu núi thẳm đem về vung vãi khắp phố núi cao nguyên heo hút…
Đâu chỉ có hai mùa mưa rồi thôi…? Phải không cô ca sĩ Trang Mỹ Dung? Không có tiếng còi tàu nào giữa đêm khuya chỉ có tiếng súng, tiếng đại bác… Hai đường sắt chạy song song đến tận sân ga là đôi giày “saut” dính đầy bùn đất đỏ đang mơ mộng trên phố núi…! Ngồi trong quán cà phê nhìn hạt mưa bay qua khung cửa sổ…, khói thuốc vàng tay không sưởi nổi tâm hồn. Từng nhịp tim thổn thức u hoài – nhớ về một lần tiễn đưa, một lần hẹn ước!
Những bài hát viết về: Người lính, về tình yêu, về quê hương, đất nước của các nhạc sĩ, ca sĩ miền Nam. Sau ngày “thống nhất” cách mạng gọi một cách, miệt thị, là: “nhạc sến, nhạc vàng, nhạc ngụy” – cấm hát? Cách mạng cấm, nhưng người yêu nhạc từ Nam chí Bắc vẫn ngang nhiên hát… lời ca, tiếng nhạc, giai điệu mượt mà xuất phát từ trái tim đầy tính nhân bản, yêu thương… thấm sâu vào lòng quê hương… Vậy thì tại sao nói nền âm nhạc miền Nam là nhạc: “phản động, là văn hóa đồi trụy”? Bây giờ có còn ai ngồi ngâm nga hát… “Bài ca năm tấn – Sóc bom bo – Anh Ba Hưng…”. Cuối cùng rồi nhà nước cũng đã nhận ra “chân lý” chấp nhận sự thực – cho phép hát! Không cho phép cũng không được, lời ca tiếng nhạc đã vượt không gian, vượt thời gian, bay bổng qua bên kia bờ đại dương – tồn tại mãi mãi! Như vậy, đứng về mặt: “Âm nhạc, Văn hóa văn học, Nghệ thuật, Báo chí…”. Miền Nam tự do đã… thắng! Chúng ta không cô đơn phải không các anh em?
Trang Y Hạ …..