Ca Nhạc Sĩ Chế Linh Và Những Điều Chưa Kể (Phần 1)

0 9.557

Ca nhạc sĩ Chế Linh là một trong những hiện tượng của dòng nhạc Vàng, là nam ca sĩ người Việt gốc Chăm và được xem là tứ trụ của Nhạc Vàng (chung với Duy Khánh, Nhật Trường, Hùng Cường).

Chế Linh tên thật là Jamlen (Trà Len), sinh tại Phan Rang, tên tiếng Việt là Lưu Văn Liên vì từ thời Minh Mạng, người Chăm muốn đi học văn hóa là phải đổi thành tên Việt.

Ông tự nhận con đường văn nghệ của mình khá suông sẻ vì khi bước vào làng văn nghệ đã sớm nhận được những quan tâm, hướng dẫn và chỉ bảo của rất nhiều đàn anh cụ thể như các đàn anh Duy Khánh, Châu Kỳ, Trúc Phương, Mạnh Phát, Thu Hồ, … Con đường khởi đầu lúc nào cũng lắm gian nan, từ một học trò làm thuê từ Phan Rang ra Sài Gòn lạ nước lạ cái, không thông thạo tiếng Việt, ông cố gắng dành dụm tiền đi học và trong lúc đó ông tham dự cuộc thi của đoàn Biệt Chính Biên Hòa do người Mỹ tổ chức nên ông đã theo đoàn này hát (cùng với Trúc Phương, Châu Kỳ, …).Ông tâm sự:

 “Mình cố gắng, bởi vì sinh hoạt trong văn hóa nghệ thuật lúc nào cũng bắt buộc mình phải học hỏi thêm đàn anh nữa, học tiếng Việt, học phát âm sao cho chuẩn rồi mới dám hát. Mình người Chàm ra thành phố thì có nhiều cái không bằng anh em nghệ sĩ người Việt, tiếng nói, ngôn ngữ, văn hóa mình còn không am tường mấy, nên mình cố gằng bằng mọi cách!” .

Thấm thoát 2 năm sau, đoàn Biệt Chính giải thể, không đi hát cho các làng mạc xa nữa. Chế Linh trốn ở lại Biên Hòa cùng Bằng Giang và làm tài xế chở đá thuê ở núi Bửu Long với mục đích là chuẩn bị bài hát và luyện thêm giọng, nhiều bài hát nổi tiếng được ông và Bằng Giang sáng tác trong thời gian này như Đêm buồn tỉnh lẻ viết về tâm sự của 1 người lính, Bài ca kỷ niệm, …

Trong khi Chế Linh chưa quyết định dứt khoác có nên về lại Sài Gòn hay không, hai nhạc sĩ Châu Kỳ và Trúc Phương đã tìm ra chỗ ở của ông và khuyên ông trở về Sài Gòn. Lúc đó ông đã tìm ra được con đường mình cần phải đi rõ ràng khi tham gia vào hoạt động âm nhạc, ông đã yêu cầu họ sáng tác đo ni đóng giày cho riêng mình từ nhạc cho tới lời những nhạc phẩm về lính, không nhắm đặc biệt vào một binh chủng nào, và cần nhất lời ca phải dễ hiểu…

“Mình phục vụ cho tầng lớp bình dân phổ thông không cần cầu kỳ, mà hát bài hát mà họ hiểu được mình muốn nói gì, không cần phải dông dài” 

Vào cuối năm 64, hãng đĩa Việt Nam ký hợp đồng với Chế Linh trong nhiều năm và tên tuổi của ông bắt đầu đến với khán giả, đúng với ý nguyện là dùng tiếng hát mình để đưa lại sự gần gũi và thông cảm giữa hai dân tộc Chàm và Việt.

Bàn thêm về văn hóa của người Chàm, có nhạc sĩ Châu Kỳ có sáng tác bài Tiếng hát dân Chàm, thi sĩ Chế Lan Viên cũng nổi danh nhờ tập thơ Điêu Tàn, ngoài ra còn 1 nhạc phẩm gắn liền với Chế Linh đó là bài Hận Đồ Bàn. Thành Đồ Bàn cách Quy Nhơn không xa, khoảng 1h đi xe về hướng Tây Bắc, Đồ Bàn là tên kinh đô của Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành, khi đầu tiên nghe được bài Hận Đồ Bàn của Xuân Tiên, Chế Linh chia sẻ có lần nhầm tác giả là người Chàm đến khi vào làng văn nghệ mới biết tác giả là người Việt. Bài hát Hận Đồ Bàn được tác giả viết thời Pháp, khi các phương tiện truyền thông bị Pháp kiểm soát kỹ càng nên có những lời tác giả muốn nói với người Việt nhưng không thể nào nói được, vì thế ông bèn lấy người Chàm ra mà nói, nên bài Hận Đồ Bàn là hoàn cảnh người Việt Nam trong tình tiết của người Chàm theo lời nhắc của tác giả. Bài hát này, trước Chế Linh đã có nhiều ca sĩ hát, điển hình là đàn anh Việt Ấn, sau này Chế Linh hát được nhiều người bày tỏ rằng giọng ca ông rất hợp.

Chế Linh bày tỏ lòng biết ơn những nhạc sĩ, thi sĩ đó dù đã ra đi nhưng vẫn để lại trong lòng giới mộ điệu nhạc khắp nơi những niềm yêu thương, quý mến. Vì thế, năm 2007 khi lần đâu về Việt Nam, ông vẫn nhen nhóm 1 ý nguyện là làm sao đem tiếng hát của mình về lại với quê hương đất nước, về lại với cội nguồn, với các khán giả đã mến mộ ông đến ngày hôm này, ngoài ra ông vẫn hàng ngày ước nguyện rằng có đầy đủ sức khỏe để về quê hương, để tạ ơn đất địa đã cho ông hình hài này. Đến năm 2011, ông tổ chức liveshow 30 năm tái ngộ tại Hà Nội, sau đó ông vẫn về Việt nam để du lịch, làm văn hóa cho dân tộc và biểu diễn.

“Trong chuyến về của mình, mình đi làm một số công tác cho các làng mạc của Chàm, mình góp được chút nào thì mình góp, mình là người Chăm, con dân Việt, mình phái có trách nhiệm với quê hương mình, mình tu bổ một số di sản của người Chàm, bởi vì cái đó là cái quý hóa nhất, kể cả Vương quốc Chăm mất rồi nhưng mà tổ tiên đã để lại cho mình ở trên quê hương, đất nước suốt từ Quảng Bình về tới Đồng Nai đó là phần biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nhiều người nhen nhóm muốn tranh đoạt, vương quốc Chàm mất từ 1932 mà tiếng Chàm với cả người Chàm vẫn còn, đã thành 1 phần của Việt Nam nhưng mà lại tranh chấp làm mình thấy vô cùng đau đớn” 

Chế Linh còn tiết lộ sắp tới đây ông sẽ trình bày 1 album nhạc song ngữ Chăm – Việt dể làm quà cho những khán thính giả của mình, góp phần chia sẻ văn hóa nghệ thuật của người Chàm.

Tiết lộ về bài hát Nỗi buồn sa mạc cùng song ca “Hai con lạc đà”, bài hát này thời đầu được viết trong hoàn cảnh Chế Linh buồn và đi xem phim ở rạp đang nói về sa mạc, đến khi gặp Tuấn Lê (Con Nhạc sĩ Hoài Linh), Chế Linh mới chia sẻ tác phẩm chưa hoàn thiện này với lời mời “tiếp sức” sáng tác với đàn em, Hoài Linh sau đó mới hoàn thiện bài này. Bài hát lúc phát hành có bìa là hình 2 con lạc đà đi trên sa mạc nổi danh cùng đôi song ca “Hai con lạc đà” Chế Linh – Giang Tử lúc ấy, Giang Tử lúc đó là 1 người bạn lính, có tài hát hay nhưng chưa có tên tuổi nên khi thâu âm, nhà sản xuất có ý để mỗi Chế Linh hát thôi nhưng ông từ chối vì theo ông, Giang  Tử có giọng trầm rất tốt, có thể bổ sung những khuyết thiếu của chính mình khi không khai thác được giọng trầm. Tuy sau này, hai con lạc đà không còn hát chung nhưng vẫn còn liên lạc mãi đến khi Giang Tử ra hải ngoại họp mặt. Sum vầy không bao lâu, Giang Tử ra đi năm 2014 để lại con lạc đà Chế Linh.

(Còn tiếp)

Thiên Huy.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.