Hoàn Cảnh Sáng Tác Ca Khúc ‘Nỗi Buồn Hoa Phượng’ Của Nhạc Sĩ Thanh Sơn

0 7.931

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!

Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng
Biết ai còn nhớ đến ân tình không
Ðường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu
Giờ như nước trôi qua cầu.

Giã biệt bạn lòng ơi
Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi

Buồn riêng một mình ai
Chờ mong từng đêm gối chiếc
Mối u hoài này ai có hay.

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương
Màu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm.

Bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng có thể nói là ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Thanh Sơn, được ông sáng tác vào năm 1963. Theo lời của chính tác giả thì bài này nó đặt biệt hơn những sáng tác khác của ông, ở chỗ là chỉ trong vòng 2 tiếng mà tác giả đã viết xong từ phần lời đến nhạc. Hôm đó, ông đi làm về khuya khoảng 10h30 tối, trời lúc đó nóng nực do vào tháng hạn cho nên tác giả đem cái ghế ra ngoài sân ngồi hóng mát. Thì cái ngẫu hứng sáng tác bài Nỗi Buồn Hoa Phượng nó đến, đến một cách bất ngờ với ông …. và nhạc sĩ Thanh Sơn liền cắm cúi viết ngay những lời đầu tiên của ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng, và hoàn thành liền ngay trong đêm đó.

Nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ thêm, cũng vì trong cuộc đời của tác giả có nhiều kỷ niệm với hoa phượng, thuở đi học vào năm học đệ tứ ông có quen với một cô tên Hoa Phượng. Gia đình cô gái là gia đình công chức từ sài gòn xuống Sóc Trăng quê ông làm việc. Sau một thời gian vài năm, gia đình cô đó trở về lại Sài Gòn. Từ đó nhạc sĩ Thanh Sơn mỗi lần nhìn hoa phượng là lại nhớ tới cô Hoa Phượng, và Cô Hoa Phượng cũng hứa với nhạc sĩ Thanh Sơn là khi nhìn hoa phượng nở thì cô cũng sẽ sẽ nhớ về ông. Để thực hiện lời hứa từ ngày xa xưa đó nên nhạc sĩ Thanh Sơn đã sáng tác ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng này đây.

Trên bìa nhạc bài Nỗi Buồn Hoa Phượng phát hành trước 1975 có để tên tác giả là Thanh Sơn và Lê Dinh. Giải thích về vấn đề này, chúng ta có thể hiểu như sau : Là vì nhạc sĩ Thanh Sơn trước đó có sáng tác bài đầu tay là Tình Học Sinh năm 1962, nhưng ca khúc này thật sự không gây được tiếng vang cho lắm. Cho nên khi sáng tác ca khúc thứ 2 là Nỗi Buồn Hoa Phượng năm 1963, nhạc sĩ Thanh Sơn có đem đến cho nhạc sĩ Lê Dinh xem qua và góp ý (thời gian này nhạc sĩ Lê Dinh là chủ sự phòng sản xuất của Đài Phát Thanh). Nhạc sĩ Lê Dinh sau đó đã đồng ý đứng tên chung ca khúc này để nó dễ ăn khách hơn. Và dĩ nhiên sau đó, qua giọng hát của nữ ca sĩ Thanh Tuyền, bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng đã nhanh chóng đi vào lòng người yêu nhạc thời đó và cho đến tận bây giờ.

Lý An Tổng Hợp.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.