Về Hoàn Cảnh Ra Đời Ca Khúc ‘Kiếp Nghèo’ Của Nhạc Sĩ Lam Phương

1 13.585

Sài Gòn năm 1954 cởi mở về mọi mặt, đời sống văn chương nghệ thuật cũng trăm hoa đua nở. Cuộc di cư sau hiệp định Genève đã kéo theo nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tinh hoa vào Nam, quần tụ ở mảnh đất đô thành phong nhiêu.

Năm đó, bà Trần Thị Nho cũng bán mảnh vườn cùng ngôi nhà ở Rạch Giá để về Sài Gòn ở cùng con trai, là nhạc sĩ Lam Phương. Lam Phương lúc đó đang ở cùng với Bác ruột ở đường Đinh Công Tráng, khi hay tin mẹ dắt díu mấy đứa em từ quê lên, ông đã thuê một căn nhà nhỏ tồi tàn ở hẻm Vạn Chài thông ra đường Paul Bert (Nay là Trần Quang Khải).

Vạn Chài là xóm ngụ cư của dân biển tứ xứ vào Sài Gòn lập nghiệp. Tuy nằm ở khu Đakao sầm uất, nhưng xóm Vạn Chài là một xóm ổ chuột phức tạp với những kẻ nghiện ngập và tù tội. Thời này, cảnh sát cũng ngại khi vào xóm này để kiểm tra quân dịch nếu không có trang bị vũ khí cũng như nhân lực đầy đủ.

Xóm nghèo ở ĐaKao ngày xưa.

Nhạc sĩ Lam Phương lúc này mới sáng tác vài nhạc phẩm cũng có chút danh tiếng, nhưng về thu nhập cũng chưa đáng là bao so với đời sống ở phố thị đắt đỏ.

Giữa năm 1954, những cơn mưa Sài Gòn trĩu nặng phủ kín phố phường. Đakao bị ngập úng nặng nề. Dòng kênh nhiêu lộc nước lé đé xóm Vạn Chài vốn được cơi nới bằng gỗ tạm bợ trên kênh. Lam Phương phờ phạc người, đạp xe về xóm trọ, thấy trước hiên nhà, má mình đang loay hoay hứng nước mưa. Căn gác ọp ẹp hiện ra trước mắt những người nhạc sĩ trẻ tuổi như một cảnh sống tối tăm của những phần đời mong manh, trôi nổi. Và ca khúc Kiếp Nghèo cũng được ra đời từ đó

Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh

Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi

Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
Đời gì chẳng tình thương không yêu đương

Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung

Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một khối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai.

Hồ tưởng lại điều này, Lam Phương kể về tuổi mười bảy chứa chan nước mắt :

Tôi viết bài Kiếp Nghèo trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành và lần đầu tiên tôi viết bài kiếp nghèo bằng những dòng nước mắt … Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, tôi bán được bài Trăng Thanh Bình đầu năm 1953, tôi để dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển đến trường học.

Nhà tôi ở Đakao, thường thường muốn về Đakao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản, con đường này cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào … Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm ‘thú đau thương’.

Lúc đó, tôi thấy mình thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi mãi cho tới đi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về kiếp nghèo, về phận bạc của mình.

Nhạc sĩ Lam Phương mất một tuần để chỉnh sửa lời và giai điệu cho kiếp nghèo trước khi công bố ra công chúng thông qua hợp đồng xuất bản tờ nhạc với nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam.

Ca khúc Kiếp nghèo này sớm chinh phục được nhiều tầng lớp thưởng thức, từ bình dân đến thượng lưu. Nó khoác vào sự sang cả của điệu tango và có thể da diết ngân vang ở một hẻm tối Sài Gòn, cũng như quấn quýt dưới đèn màu của những vũ trường sang trọng.

Ca sĩ Thanh Thúy đưa Kiếp Nghèo nhanh chóng phủ khắp Sài Gòn qua song phát thanh và dĩa nhựa. Chưa dừng lại đó, giọng ca Thanh Tuyền nối tiếp đàn chị đưa bản nhạc trở thành bài hát thịnh hành nhất những năm 1960 ở miền Nam.

Chỉ với bài Kiếp Nghèo, nhạc sĩ Lam Phương đã mua được ngôi nhà khang trang cho má mình ở cư xá Lữ Gia. Giá trị ngôi nhà thời điểm đó là 40 cây vàng. Và bài Kiếp Nghèo còn giúp nhạc sĩ thu tiền bản quyền lên tới 1.200.000 đồng.

Tuấn Văn (Trong bài viết có mượn tư liệu từ tác phẩm : Trăm Nhớ Ngàn Thương)

1 bình luận
  1. cù lần nói

    bài hát KIẾP NGHÈO , là một NHẠC PHẨM để đời cho thế hệ mai sau.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.