Chuyện Đi Tìm Một Nhánh Sim Rừng

Về Câu Chuyện Đi Tìm Một Nhánh Sim Rừng

0 15.378

Cách đây vài tháng, tình cờ tôi có đọc một bài báo có tựa “Tác giả của Những đồi hoa sim chế.t trên những đồi sim “ của Phạm Tín An Ninh. Bài báo có đưa lên chi tiết về thân thế, cuộc đời và sự ra đi của nhạc sĩ Dzũng Chinh, người đã viết nhạc phẩm “Những đồi hoa sim”_ Một trong những nhạc phẩm khá quen thuộc với những người yêu âm nhạc Việt Nam…. Cũng nên lưu ý rằng trước bài viết này, cũng có khá nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau, viết về ông. Nhưng có thể, những tin tức mà ông Phạm Tín An Ninh đưa ra, là đầy đủ và rõ ràng nhất, bởi lẽ một phần những thông tin ấy được thu thập từ chính người chị ruột của nhạc sĩ , hiện đang sống tại Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Dzũng Chinh  tên thật là Nguyễn Bá Chính, quê quán tại Bình Cang, thôn Võ Cạnh , thành phố Nha Trang. Ông  sinh ngày 18-12-1941 ( Tân Tỵ) , là sĩ quan quân đội với cấp bậc chuẩn úy, tạ thế vào ngày 12-01-1969 ( Kỷ Dậu) hưởng dương 29 tuổi. Một tài hoa của nền âm nhạc Việt ra đi quá sớm  và trong lứa tuổi còn sung sức để có những nhạc phẩm khác để lại trong lòng công chúng. Theo bài báo của tác giả Phạm Tín An Ninh, ông mất trong một trận phản phục kích tại chân núi Chà Bang (xã Phước Nam-huyện Thuận Nam- Tỉnh Ninh Thuận) cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng 25 Km , về hướng Đông Nam. Những di sản âm nhạc ông còn để lại nền âm nhạc Việt khá ít ỏi, nhưng hầu như tất cả đều có tính phổ quát, do dễ hát và dễ đi vào lòng người. Tuy thế vẫn có một số bài cũng khá kén chọn ca sĩ để bộc lộ đúng ý niệm của tác giả và người nghe cũng được chọn lựa cho việc thấu cảm. Điển hình một số nhạc phẩm của ông là :

Những đồi hoa sim ( Phỏng thơ Hữu Loan),
Hai màu hoa ( Dzũng Chinh- Bùi Tuấn Anh)
Tha La xóm đạo.
Đêm dài chưa muốn sáng
Lời tạ từ
Hoa trắng tình yêu

Nhạc phẩm “ Màu tím hoa sim” được xem là nhạc phẩm thành công nhất của ông,  xuất hiện trước công chúng vào những năm 1961, 1962..được phổ tác từ thi tác “ Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan, một người lính Việt minh phục vụ trong đại đoàn 304 ( miền Bắc) trong cuộc kháng chiến chống Pháp,, xuất ý từ câu chuyện có thật của tác giả. Tác giả thổ lộ tình cảm của mình, một người lính tiền phương, đối với người vợ trẻ ở quê vừa mất, thông qua hình ảnh của những dãy đồi tím màu hoa sim. Một loài cây khá mộc mạc, dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu trên đồng quê Việt và có hoa mang màu tím buồn man mác.

…Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim

Tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví trong từ chiều, ca dao nào xa xưa
Áo anh sứt chỉ viền tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu….”

Và có thể cũng chính vì vậy, nên nội thân của bài thơ đã là nơi trú ngụ sẵn có của những mãnh lực cảm xúc  vô tận, luôn chực chờ những cơ hội tương tác….khá nhiều nhạc phẩm khác sau này được lấy cảm hứng từ đó , vd như : Áo anh sứt chỉ viền tà của Phạm Duy ,  Chuyện hoa sim của nhạc sĩ Anh Bằng, Màu tím hoa sim của Duy Khánh….Nhạc phẩm “ Những đồi hoa sim” của Nhạc sĩ Dũng Chinh đã ra đời vào thời điểm những năm đầu khói lửa ở miền Nam,  không là một ngoại lệ.  Bài hát đầu tiên được trình bày trước công chúng bởi ca sĩ Phương Dung, được biết đến với biệt danh “ Con nhạn trắng Gò Công” .Và cho mãi đến giờ chắc cũng không ai vượt qua được giọng ca chân, khá cứng và sự truyền cảm của một nội lực bắt nguồn .từ xứ sở của những kênh rạch, những cánh đồng lúa nước bạt ngàn, những vườn cây ăn trái , cội rễ  những câu hò  mộc mạc. Cũng thật là một điều đáng ngạc nghiên khi một bài thơ được khai sinh từ đất Bắc, do một nhạc sĩ miền Trung phổ nhạc và cưỡng chiếm lòng người Việt bằng một ca sĩ với chất giọng và tâm hồn đặc sệt Nam bộ. Âu đó cũng là duyên trời!

Trở lại với bài viết, tác giả Phạm Tín An Ninh cho rằng nhạc sĩ Dzũng Chinh đã ngã xuống tại chân núi Chà Bang, trong một trận phục kích vào ngày 12 tháng 1 năm 1969. Thông tin này không biết đã được kiểm chứng hay chưa và có thể tin cậy hay không, tôi không thể nói chắc. Vì khoảng thời gian đã qua quá lâu, những biến cố đầy dẫy đã xóa đi những dấu vết của một sự tồn tại và phủ lấp lên đó biết bao nhiêu thứ  dễ đánh lạc hướng và làm xiêu lòng những người mong kiếm tìm. Nhưng nếu đúng như tác giả nói, thì có lẽ tôi cũng khá may mắn khi biết được một địa danh nữa đã gắn bó trong cuộc đời ngắn ngủi của người nhạc sĩ tài hoa…..

Núi Chà Bang, hay  được gọi là Tà Kang ( theo tiếng Chăm có nghĩa là núi hai nhánh) , nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 25 Km về phía Đông Nam. Nhưng thực tế theo quốc lộ số 1, xuôi Nam, 11 cây số, rẽ lối vào làng Chăm Mỹ Nghiệp (nổi tiếng về nghề dệt thủ công), theo đường làng vào sâu khoảng 5 cây số , ta đã thấy dãy Chà Bang hai ngọn đứng sừng sững. Đây là khu dân cư của người Chăm theo đạo Bà la môn( thờ thần Siva) còn được gọi là Chăm Rặt ( Cham Jat hoặc Cham gốc). Thực tế còn hai nhánh Chăm nữa nhưng nhỏ hơn và phân tán rãi rác dọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Tây Ninh hoặc dưới Sóc Trăng, Châu Đốc…hai nhánh này , một là Chăm Bàn ni và Chăm Islam. Đất thánh của người Chăm Jat là ngôi đền thờ nổi tiếng là tháp Pklong Giarai ( hay còn gọi là Tháp Chàm) nằm cách thủ phủ Phan Rang khoảng năm cây số về phía Tây. Hàng năm vào những mùa lễ hội lớn như Tết Ka té vào ngày đầu tiên của tháng bảy Cham lịch ( vào khoảng tháng 9-10 dương lịch, người Cham Jat ở các nơi cùng một số thành phần thuộc dân tộc Raklay đổ về đất thánh để làm lễ mừng năm mới. Trong một số cuộc tiếp xúc và trái ngược với cái nhìn khách quan của một người bên ngoài, chung một dòng máu chảy trong huyết quản, nhưng những nhánh cây của tàn phả hệ Chăm pa đã chịu sự chia cắt của thời gian, khoảng cách địa lý, xung khắc tôn giáo, ngôn ngữ … để trở nên xa cách và khó lòng với hy vọng hợp nhất.

Núi Chà Bang  ( Tà Cang) nhìn từ xa là hai ngọn núi trọc ,đỉnh nhọn, sườn dốc, đầy những tảng đá lớn trơ trụi dưới ánh mặt trời. Núi có độ cao khoảng 400 met có lẽ dành cho ngọn cao hơn. Ngồi nói chuyện với một người chăm đứng tuổi, tôi biết thêm , trên núi hiện có một ngôi chùa rất nổi tiếng và hàng tháng, vẫn có những người Chăm hành hương, thăm viếng.  Trãi dài từ ngoại vi làng đến chân núi là khoảng trống cho những bụi cây dại chạy lúp xúp. Không hiểu có phải cây sim rừng hay không, nhưng cũng không thấy màu tím thường thấy của loài hoa này. Đất đai chạy thoai thoải trên một bình độ khá cao so với mặt nước biển, mắt thường nhận thấy được. Cái nóng của ánh mặt trời, sự khô cằn,  không một làn gió dù rất gần biển cho thấy sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây. Màu bụi đỏ ám đầy trên khung cảnh….. Nhà Jakar,( Tiếng Chăm gọi Jạr) nằm ở ngoại vi làng , sát chân núi Tà cang. Cậu là con trai của Inra Sara, một nhà thơ và lý luận phê bình người Chăm, người có công đem những giá trị của một nền văn hóa lâu đời bị chôn vùi, bóp nghẹt bởi sự xâm lăng, đồng hóa và phủ nhận  ra ngoài ánh sáng của văn minh nhân loại, hòa nhập bình đẳng với các nền văn hóa. Cậu đã tốt nghiệp đại học, nhưng hiện nay đã trở về làng, sống trong cộng đồng và mở một cơ sở du lịch quốc tế với một hình thái khá độc đáo, dựa trên hai yếu tố_ Sinh thái và cội rễ. Mục đích đưa con người hòa nhập với thế giới tự nhiên và quảng bá nền văn hóa Chăm pa. Nhà nghỉ thật đơn giản. Một ngôi nhà đơn sơ, giống với các ngôi nhà khác trong cộng đồng, thậm chí còn xập xệ hơn. Không có những tiện nghi hiện đại. Sân vườn đất trống , cây cỏ mọc từng bụi, vài con gà đất kéo nhau chạy, cửa nẻo chỉ bằng rào tre….một cái cộ bò xưa phủ đầy dây leo. Tại đây tôi gặp hai thanh niên người Đức, còn khá trẻ. Họ sống ở một thành phố miền Nam nước Đức, gần Stuttgart. Chàng thanh niên đang học một trường cao đẳng kỹ thuật, khoa cơ khí.

_ Bạn nghĩ sao về việc đi du lịch với hình thái này?  Tôi có hỏi.

_ Điều này thực sự hữu ích khi được gần gũi với thiên nhiên, tiếp xúc với người dân địa phương và tiìm hiểu được một nền văn hóa lớn,.

Thật là một suy nghĩ khác thường và già dặn hơn so với lứa tuổi của cậu ta. Trong khi những người giàu có ở đất nước này đang kỳ vọng một khách sạn 4 sao, 5 sao trong kì nghỉ của họ, những thanh niên này lại tìm một lối đi mới cho chính mình. Thật đáng ngưỡng mộ! Nếu có ai đó thật sự muốn tìm  về Tà Kang một lần cho biết , nên  thử một chuyến du lịch với hình thức này. Những khám phá thú vị về một dân tộc, một danh cảnh….và cũng được biết nơi nằm xuống của một tài hoa.

Núi Tà cang_ Nơi nằm xuống của nhạc sĩ Dzũng Chinh ( nhìn từ nhà Jarka) _ Ảnh tác giả

Chiều đó sâm sẫm mưa….Những cơn mưa  giữa mùa hạ luôn muốn nói đến một sự toại nguyện.

Hương lộ 46 từ Nha trang lên Bình Cang đã thay đổi. Con đường tráng nhựa và những chiếc xe hơi đã qua lại được. Những mảnh ruộng lúa hai bên đường đã biến mất, giờ dành cho xâm lấn của đô thị. Trên những mảnh đất ruộng vừa san nền đã mọc lên san sát những căn nhà. Đi qua ngã ba có đường rẽ lên Xuân Phong, cánh đây khoảng chục năm, tôi còn gặp cảnh những người đàn bà trẻ đi mót lúa….nhưng nay, mảnh ruộng ấy đã nhường chỗ cho một show room của một công ty buôn bán ô tô. Không khí của đồng quê giờ không còn. Những màu sắc của tự nhiên đã phải nhường chỗ cho những sở thích lố lăng của con người. Dù vậy, vẫn còn sót lại vài mảnh ruộng nhỏ, thật nhỏ…chưa bao giờ nhỏ hơn, đến nổi tôi tự nghĩ hoặc là nó bị bỏ rơi hoặc nó được tạo cho mục đích giải trí….Nhưng đất bây giờ là vàng , làm gì có chuyện bị bỏ rơi. Một mảnh đất như vậy kế bên đường, nơi có dăm người đàn bà đang lúi húi cắt đám rau răm. Một người đàn ông cũng khá luống tuổi cố dồn những bó rau vào cái bao tải nhựa…..

Sau vài câu chào hỏi làm quen, tôi nói:

_ Bình Cang giờ thấy đổi khác quá hả anh? Nhà cửa, đường xá tấp nập ghê!

Người đàn ông có khuôn mặt đen đúa của một người nông dân. Một con mắt bên trái bị dị tật hơi hấp háy, trả lời:

_ Ờ đất đai bây giờ có giá, nên nhiều nhà cũng khá giả…Đó cậu thấy vạt bên kia toàn nhà mới không?

_ Dân Nha Trang đổ lên hay dân xứ khác tới vậy anh?

_ Đủ hết trơn….dưới đó lên cũng có. Dân Bắc, dân miệt ngoài đổ vô cũng có.

_ Vậy bán đất xong họ cũng ở đây hay chuyển đi đâu hả anh?

_ Cũng đủ…. có người đi, có người ở. Nhưng bây giờ dân gốc không còn bao nhiêu!

Nói thật , câu nói làm tôi khá thất vọng. Gần nữa thế kỷ để đi tìm một cái tên, một gia đình đã khó rồi….huống hồ, lại rơi vào một tình thế như vầy. Ngày trước, ông bà thường nói”_ Tìm người như thể tìm chim”, giờ đi tìm di tích một người với một mẫu thông tin cỏn con trên mặt báo , xem ra khó gấp vạn lần. Mảnh đất này xem ra đã bị xáo trộn. Nhưng còn nước , còn tát ….may ra!

_ Anh năm nay bao nhiêu?

_ Tui năm  nay 63….

_ Hồi trước có đi lính bên này, bên kia không anh?

Người đàn bà từ ruộng rau bước lên, tay vẫn còn cái liềm, chen ngang:

_ Ổng mắt nhắm , mắt mở  mà lính tráng gì…Nhắm thằng này, bắn thằng kia thì sao?

Mấy tiếng cười vang . Người đàn ông ngượng nghịu:

_ Hồi đó bị con mắt nên lính nó tha…..

Biết đã thua, tôi kéo câu chuyện sang chiều hướng khác:

_ Hồi chế độ trước, vùng này an ninh không anh?

_ Cũng không an ninh đâu…Mấy ổng bên Đắc Lộc, Am Chúa ..cũng về lấy thuế hoài!

_ Còn bên Việt Nam cộng hòa?

_ Việt nam công hòa thì bắt lính… Tối tới cảnh sát áo trắng, cảnh sát dã chiến nó tới từng nhà bắt quân dịch….Nhà có con trai trốn lên, trốn xuống cũng khổ thấy mẹ!

Người nông dân Việt!….Bỗng dưng tôi lại không muốn đề cập đến vấn đề đó nữa. Câu chuyện bắt đầu xoay quanh về mảnh ruộng rau răm, việc bỏ cho thương lái một ngàn, một bó….việc mấy đứa con anh đang học ở đâu?….Chia tay anh, anh có dúi mấy bó rau, nhưng nghĩ bữa cơm gia đình có gà vịt gì đâu mà lấy rau răm. Tôi định từ chối, nhưng thấy anh nài nỉ quá, nên cũng nhận hai bó. Cũng thật cảm động. Ấn tượng Bình Cang!

Cha Nam, một người đàn ông khoảng hơn năm mươi, có khuôn mặt hiền từ, tướng người đãy đà,  nơi cổ có một vết sẹo lớn, màu đỏ thẫm, tiếp tôi trong một trạng thái khá bồn chồn. Có thể vì Cha còn bận buổi lễ chiều sắp đến.

_ Cha về giáo xứ Bình Can lâu chưa ạ?

Bằng một giọng trong trong của dân miền Trung, không phải miệt ngoài, ông trả lời:

_ Tôi cũng mới về đây… chưa tròn 5 năm.

_ Vậy ở đây luôn… hay sẽ thuyên chuyển?

_ Chỉ 5  năm thôi….rồi đi giáo xứ khác.

_ Nhà thờ mới xây dựng lại hay sao đẹp vậy Cha?

_ Ừ mới xây được khoảng chục năm….Cha khác phụ trách nên tôi không biết…

Thấy không còn thời gian, nên tôi vào chuyện luôn:

_ Con muốn tìm một nhạc sĩ. Anh này đi lính cộng hòa,. Mất vào năm sáu chín….

Giọng tôi ngập ngừng dần khi thấy ông có vẻ suy nghĩ. Sau đó ông nói:

_ Năm 69 hả? Lâu quá ….Chắc không ai biết đâu….Tôi cũng không nắm hết giáo dân…Tốt nhất anh nên hỏi mấy người phụ trách giáo dân địa phương. Họ biết rõ hơn.

Nói xong, ông chia tay tôi rồi vội vã đi chuẩn bị cho buổi lễ ban chiều.

Tôi tựa vào cái ghế đá ngoài sân, nhìn vào thánh đường. Chiều sẫm dần, ngôi thánh đường lên đèn và cái sân rộng phía trước đã  dần xuất hiện những bóng người….

Tối đó tôi ngồi đi, đọc lại bài viết một cách cẩn thận hơn và nhận ra một chi tiết quan trọng đã bỏ qua. Đó là trước kia ,ông được an táng tại nghĩa trang  Mã Thánh phường Phương sơn và ông cũng không phải người công giáo. Ông là một phật tử. Tôi biết nghĩa trang này. Ngày trước nó nằm trên đường Phương Sài, Nha Trang; sát bên vách núi, phía bên trái của Kim thân phật tổ. Vào khoảng 1987 đến 1990, tất cả những ngôi mộ đều bị di dời và người ta đã xây dựng một ngôi chợ trên nền đất cũ của nó. Đó là chợ Phương Sài ngày nay. Một chi tiết nữa, không kém phần quan trọng ( theo tác giả Phạm tín An Ninh) là di cốt ông hiện đang nằm tại chùa Tỉnh hội phật giáo ( bên cạnh chùa Hải Đức). Trong thâm tâm tôi nghĩ ,nên chuyển sang hướng tìm di mộ.

Đồi Trại Thủy hiện tại thực sự có đến ba ngôi chùa tọa lạc. Chùa Tỉnh hội phật giáo là ngôi chùa nhỏ, có lối vào là những bậc tam cấp, có thể nhìn thấy từ cây xăng Mã Vòng ngó sang. Chùa Long Sơn là ngôi chùa chính, nơi có Kim thân Phật tổ tọa lạc. Chùa này được trùng tu lại vào khoảng năm 2008-2009. Cổng chùa nằm dọc theo hướng quốc lộ 1. Chùa thứ ba là cũng nhỏ, tên là Linh Phong, nằm ngay hẻm Hải Đức, ngày trước phía dưới có một hãng nước đá, nay đã dọn đâu mất. Chùa khá cao, có những thân cây me cổ thụ….Vậy chùa Hải Đức là chùa nào???

Một vấn đề nhỏ, tưởng chừng đơn giản nhưng đi sâu vào trong là cả một mớ bòng bong. Nhưng ngẫm ra, tôi có một thuận lợi là vị trí ba ngôi chùa nằm khá gần nhau, khoảng cách xa nhất cũng khoảng 1km và trên một trục đường.

Nha Trang, một ngày nắng đẹp. Tôi khởi hành vào lúc 8h . Gửi xe tại chùa chính Long Sơn, tôi theo con hẻm dẫn qua chùa Tỉnh hội Phật Giáo cách đó khoảng 200m. Bước lên những bậc tam cấp nhỏ, trơn trượt vì nước sinh hoạt của các hộ dân chung quanh, tôi lên đến ngôi chùa. Tôi đi nhiều, cũng gặp nhiều ngôi chùa, nhưng cũng không ngờ rằng mình phải đối diện với một quang cảnh ảm đạm và buồn bã như vầy. Xét với sự nguy nga và vị thế đầy khuếch trương của chùa Long Sơn bên cạnh, một ý nghĩ  thầm kín xuất hiện trong tôi; có lẽ đây là nơi bị Đức Phật lãng quên…. Những bậc tam cấp lâu không người viếng, bị đất đá vùi lấp và cây cỏ mọc trùm lên cả lối đi. Phía trước có tượng Phật Bà quan âm choàng tấm áo khá cũ đứng bên cạnh cây khế cỗi cằn. Một cây dừa bị đuông ăn cụt ngọn là chỗ tựa cho hàng rào lưới B.40 sét rỉ. Hai cánh cổng sắt được niêm kín với một ổ khóa khá lớn. Bên trong điện là khoảng không gian tối om với ngọn đèn trái ớt lập lòe. Cũng thật đáng buồn cho nơi an nghỉ của một nhân tài nước Việt…

Ngó quanh một lúc, tôi nhận thấy có cánh cổng nhỏ bên hông nên theo lối đó đi vào. Sau một hồi gọi gọi sư ơi, sư hỡi…một người đàn bà vóc nhỏ bé bên trong, tất tưởi bước ra. Tôi trình bày ý định của tôi là đi tìm di cốt của một người chú đi lính, mất vào năm sáu chín, hiện đang nằm tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Người đàn bà vội vã xua tay:_ Vậy chú đi lộn chùa rồi! Giáo hội phật giáo khánh hòa là chùa Ông Phật trắng bên kia. Chùa này chỉ dành cho sư nữ .  Cũng không giữ kim tĩnh đâu!” . Nghe câu nói của bà, tôi cũng thoáng thấy mừng, lại vừa ngại; vậy phải đi ngược qua bên Long Sơn. Tạm biệt sư cô, tôi trả lại những bước chân mà tôi mới nhọc nhoài leo lên trước đó khoảng mười lăm phút…

Chùa Long Sơn khá lớn, sạch và đẹp. Du khách khá đông. Việt có, Nga có, Trung hoa có, Tây âu có…nhưng có lẽ đông nhất là người Việt và người Nga với khổ người to, tóc sáng, chất giọng Slave…Tôi không theo lối vào chánh điện, bên trái chùa là khu kim tĩnh_ Một người đàn ông chỉ dẫn. Theo một nhóm người nhỏ, có lẽ là những người thăm người quá cố, tôi leo lên những bậc tam cấp khá sạch và mát mẻ, do tán lá của những hàng cây trên đầu.

_ Ở đây lưu giữ đến hai ngàn rưỡi kim tĩnh lận, anh phải cho tôi biết tên, họ, thân nhân…tôi mới tra cho anh được. Người quản lý có hàm ria đen, giọng nằng nặng ngoài Bắc nói.

_ Ảnh tên Nguyễn Bá Chính, sinh ngày 18/12/1941; mất ngày 12/01/1969; trước chôn tại nghĩa trang Phương Sài, sau đó cải táng lên đây.

_ Vậy tên họ hàng, thân nhân….?

_ Họ hàng, thân nhân…tôi chịu, vì lâu quá gia đình tứ tán hết. Bây giờ chỉ có tôi quay về tìm. Tôi phịa với hắn.

_ Không có tên thân nhân tôi cũng chịu. Hay anh ra khu vô danh, không có thân nhân tìm đi…Gã chỉ về một dãy tường đá phía trước…

Khu E, F, G….rồi  E1, E2 ….Trời ! Cả ngàn hộc kim tĩnh….Mắt tôi cố lướt chầm chậm, cố tìm những chữ đầu họ Nguyễn được khắc trên tấm xi măng phía trước. Nguyễn văn…., Nguyễn trần…., Nguyễn Trung. Nguyễn vô danh…Nữ có….Nam có…Thường dân có…. lính có…..Có dung ảnh những anh lính Việt Nam cộng hòa, đội mũ nồi thiết xa, ra đi năm 1970…có cả anh Việt Cộng, mất năm 1968….nằm sát bên nhau. Người có thân nhân thắp nhang, quà bánh….người trơ lạnh, không nén hương…. Không biết từ lúc nào, tôi trãi lòng mình trên những chân dung người đã khuất hơn là một cuộc kiếm tìm có mục đích. Thời gian chắc khá lâu, mắt tôi vẫn dán trên từng dòng chữ ở những tấm bia như cố hình dung những khuôn hình kia lúc còn sống họ sinh động như thế nào???

Người quản lý quay lại với vẻ thương hại vì thấy tôi khá nhọc công, tẩn mẩn với công việc của mình. Gã hỏi:

_ Nãy giờ vẫn chưa tìm ra a anh? Hay thôi, tôi mách với anh này. Anh lên chỗ Kim thân Phật tổ ấy, trên đó  bên trái cũng có một khu kim tĩnh. Anh tìm thử xem….

Tôi cám ơn hắn và thấy một khối lượng công việc khá lớn khi nhìn lại những dãy hộc mồ mà tôi đã kiếm tìm…Thôi đành vậy, biết sao! Tôi bỏ dỡ việc , kiếm vận may mới theo hướng tay quản lý chỉ.

Kim thân Phật Tổ, sau khi trùng tu, giờ trông thật khác. Không những thế vẫn còn ngổn ngang một số công trình đang xây dở dang. Nghe bảo một số nhà đầu tư lớn có dự định mở ngay cả một trung tâm giải trí  văn hóa lớn trên này….nhưng chỉ là tin phong phanh. Không lên đây ngót hai mươi năm, dù sát bên nách, giờ tận mắt nhìn lại, mới thấy sự khởi sắc thấy rõ của Phật giáo trong thời gian gần đây. Dù cơ bản xương sống của các kiến trúc cũ vẫn còn, nhưng những công trình phụ trợ, việc tu sửa, tô điểm màu sắc làm nó trở nên sáng láng, sinh động hơn , đầy sự quảng bá….đẩy lùi sự trầm tư, tĩnh lặng của tu hành vào những vị trí thứ yếu. Nhưng mặc vậy tiếng chuông, tiếng mõ chầm chậm trong không gian cũng kéo tâm hồn du khách ra khỏi cái nhọc nhoài của cuộc sống hiện đại hàng ngày. Nhịp sinh học con người trở nên chậm hơn.

Pho tượng ông Phật khổng lồ ngồi giữa đài sen vẫn còn đó dưới bầu trời xanh khoáng đãng, ung dung vài cụm mây trắng, trầm lặng nhìn thế sự và sự đổi thay. Một sự quan sát tinh tế đi vào ngóc ngách cuộc sống của muôn vật, muôn loài nhưng lại vô ưu, vô ngã theo giáo lý nhà phật. Bên dưới là dung tượng bán thân của các vị bồ tát đã xả thân trong sự kiện “Phật giáo phẫn nộ” vào năm 1963, dưới chính quyền ông Ngô Đình Diệm, nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật tử. Dưới nữa….Trí nhớ tôi quay trở lại khá chậm….Tôi nhớ mang máng là những hộc kim tĩnh của các gia đình Phật tử….nhưng giờ đây nó đã dời đi mất. Thay thế vào đó là phần đế lát bằng đá hoa cương , được nâng cao , đầy góc cạnh .Hai con rồng chầu ngậm ngọc, lúc trước có sơn màu trắng, nhưng nay được tô vẽ bằng những màu sắc khá tương thích và hòa hợp với bối cảnh. Cảnh quan sạch sẽ và nhiều công trình phụ trợ mọc lên xung quanh, so với lúc tôi lên đây, cách hai mươi năm. Lúc ấy khá vắng vẻ , đầy cây bụi rậm rạp….

Một đám du khách đứng tuổi người Nga đi qua, với vẻ nặng nề. Tỏ ra hiếu khách, tôi hỏi bằng tiếng Anh.

_ Russian???

_ Da…( Vâng)   Một người trong đoàn đáp.

_ What city do you live in?

…..

Vài cái lắc đầu. Những đôi mắt màu xanh dương, thăm thẳm bỏ tôi hướng về pho tượng đức Phật với sự vô vọng….Không biết tiếng Anh! Chịu…

Rồi tôi cũng tìm được khu kim tĩnh mới. Nó khá gần, ngay bên tay trái của Kim thân Phật Tổ.  Kiểu bố trí cũng gần giống với khu kim tĩnh phía dưới với những bức tường đá xanh hai mặt,  xây hình vòng cung, cao cỡ đầu người, được đánh số thứ tự. Quy mô có vẻ nhỏ hơn và cũng thấy ít người đi viếng. Khách tham quan họ chỉ đi bên ngoài….Tôi lại bắt đầu công việc của mình, lần này khoa học hơn….Bắt đầu từ khu A…

Chùa Long Sơn_ Tượng Kim thân Phật tổ ngày nay ( Phía bên trái tượng là khu kim tĩnh)_ Ảnh tác giả

Di mộ của nhạc sĩ Nguyễn Bá Chính nằm tại dãy B1, cách lối đi vào khoảng vài mét. Không có vẻ gì đặc biệt so với những di mộ khác. Ngoài dung ảnh bán thân của nhạc sĩ lúc còn trẻ, trong bộ đồ dân sự, phía dưới có hàng chữ:

HL: Nguyễn Bá Chính

Tức : Dũng Chinh

Pháp danh: Tâm Pháp

Sinh: 18-12-1941 ( Tân Tỵ)

Chánh quán: Võ Cạnh- Vĩnh Trung- Khánh Hòa

Tạ Thế: 12-01- Kỷ Dậu (1969)

Anh: Đại Hiền lập mộ.

Kim tĩnh nhạc sĩ Dũng Chinh (Tác giả nhạc phẩm Những đồi hoa sim nằm tại khu B1)_ Ảnh tác giả

Ngẫm nghĩ cũng thật may mắn và cũng không ngờ kim tĩnh nhạc sĩ lại nằm ở một vị trí dễ tìm như vậy.  Thú thật tâm trạng tôi lúc ấy, không vui cũng không buồn, chỉ thấy thanh thản và nhẹ nhàng. Tôi có tìm quanh nhưng không thấy bó nhang nào bên cạnh  để thắp cho hương hồn ông. Trong tình huống đó, tôi  chỉ biết đứng nhìn, chăm chăm vào dung ảnh người quá cố . Tôi đứng khá lâu ….và một thoáng , trong tai tôi , chợt vẳng lại nhạc phẩm “ Những đồi hoa sim” với chất giọng của ca sĩ Phương Dung “…Dù một lần đơn sơ. Để không chế.t người trai khói lửa, mà chế.t người em gái nhỏ, hậu phương tuổi xuân thì…”

…..

Chào  người nhạc sĩ tài hoa nhưng vắn mệnh của dòng nhạc Việt một thời. Tôi bước theo dòng người du lịch xuống núi, tâm trí còn mơ hồ một màu tím man mác, lẫn khuất đâu đó trong đám cây bụi…

Nếu ai trong số các bạn đọc bài viết này, ở Nha Trang hoặc có dịp du lịch ghé qua chùa Long sơn ( Chùa Ông Phật trắng).  Xin đừng quên viếng thăm di mộ của ông, thắp giúp tôi nén hương mà hôm trước tôi vội đi, không mang theo….Để một trưa hay một đêm hè,  giữa xóm lao động nghèo hay vùng quê có con gió hoang hoải chạy dọc cánh đồng, ta bất chợt nghe một giọng hát thấm đẫm một tâm hồn Việt, về  câu chuyện tình trong thời khói lửa không có nơi đâu, ngoài mảnh đất Việt…”_ Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt. Vào chuyện ngày xưa, nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai. Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến, ai hẹn được ngày về. “…..

……

Để ta biết ,trong ta còn ngập đầy thương yêu……

Nguồn : tuongtri.com

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.