Về Ca Khúc “Cho Xin Sống Lại” Của Nhạc Sĩ Hoài Linh
Ca khúc “Cho xin sống lại”, một sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh, được viết trong khoảng thời gian 1969 với bút danh là Hà Vị Dương. Ca khúc nói về những mơ ước được sống trong thanh bình, được tận hưởng hạnh phúc và cuộc sống tự do tự tại như của tiền nhân. Bởi vì thực tại của đất nước thời gian đó đầy đau thương, đang ngập tràn trong binh đao. Tác giả ước mơ để hướng về những điều tốt đẹp trong thời loạn lạc.
“Cho xin sống lại
Đời Lê Trần liêm chính
Nàng dệt tơ
Anh sách đèn chờ khoa thi đình”.
Cho xin sống lại với triều đại có hệ thống trị vì nước vì dân. Cho ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vận, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học… đã tạo nên một thời đại thịnh vượng. Người dân được sống trong yên bình: nàng dệt tơ, chàng đèn sách dự khoa thi Đình.
“Cho xin sống lại
Hồn Quang Trung nung lửa chiến
Chờ trăng đêm lên mài kiếm
Giết giặc thù cứu quê em.”
Chắc có lẽ tác giả nhìn thấy quê hương đang tràn ngập binh lửa chiến cuộc (Thời điểm này chiến tranh VN đang diễn ra rất cao trào), tác giả mong ước được như vua Quang Trung ngày xưa, nung ý chí mài kiếm đứng dậy đánh đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi, thống nhất giang san.
“Cho xin sống lại
Tình Lưu Bình, Dương Lễ
Hỏi nàng Châu Long
Mấy mùa tằm tơ nuôi chồng?”.
Tác giả muốn sống lại tình bạn của Lưu Bình – Dương Lễ, một tình bạn đẹp được ca tụng qua nhiều thời kỳ. Là hai người bạn tâm giao từ thuở thiếu thời, Dương Lễ nhà tuy nghèo nhưng rất chăm học, còn Lưu Bình nhà giàu có, cậy mình có của nên lười biếng học. Lưu Bình đã đem bạn về nhà ở, ăn cùng măm, học cùng đèn, tình bạn rất tương đắc. Sau này Dương Lễ thi đỗ khoa thi, được bổ ra làm quan. Còn Lưu Bình thì thi rớt, thi mãi không đậu nên đâm ra chán nãn, ăn chơi hơn trước, tiền của không còn… khi tìm đến Dương Lễ thì lại bị khinh bạc, lánh mặt không tiếp, dọn cơm hẩm với đĩa cà thâm tiếp đãi… nhưng đó chỉ là đòn khích tướng của Dương Lễ, nhằm vựt dậy tinh thần của người bạn Lưu Bình. Châu Long, người đã lãnh sứ mệnh cao cả giúp chồng là Dương lễ, ba năm âm thầm nuôi bạn ăn học thành tài. Sau khi nhờ sự khuyến khích, giúp đỡ của Châu Long mà Lưu Bình thi đỗ Trạng Nguyên. Khi biết được sự thật đằng sau sự giúp đỡ đó là người bạn Dương Lễ, từ đó tình bạn của họ vô cùng khắng khít và sống với nhau thân tình hơn xưa. Thử hỏi xem, bây giờ mấy ai còn có được một tình bạn đẹp cao cả như vậy nữa.
“Cho xin sống lại
Vùng hoang khai cây đầy trái
Ngủ đơn sơ không màn gối
Có nhạc rừng dỗ đêm dài”.
Cho xin sống lại vùng đất thuở ban sơ, có cây lành trái ngọt, có tiếng suối chảy róc rách, có con sông trong xanh uốn lượn quanh, có núi rừng sương giăng… sống cuộc sống lấy bầu trời làm màn, lấy mặt đất làm chiếu và có gió lộng rừng cây ru ta vào giấc ngủ. Một cuộc sống, một cách sống giản đơn, không màn thế sự, không dè dặt hay bận lòng tâm trí. Sống theo quy luật tự nhiên vốn có của tạo hóa tạo ra ai mà không muốn một lần được sống như thế.
“Từ vào đời, non sông đầy trời mây giăng
Bao lớp trai làng đi ngày thêm thưa vắng
Quê mẹ hỡi, đêm đêm nhìn vì sao hôm
Con mơ lửa thần Lam Sơn
Để thiêu tan oán hờn”.
Khi nhìn về cuộc sống của hiện, đất nước đang tràn ngập trong binh đao, bao lớp chàng trai lên đường tòng quân bảo vệ non sông. Bao đêm dài nhìn sao trời soi sáng, nhớ về quê mẹ đau thương và mơ ước đánh tan quân xâm lược. Để xóa tan căm hờn, oán hận và trả lại sự yên bình cho quê nhà.
“Cho xin sống lại
Chiều quê diều ngân sáo
Ngồi dựa mình trâu
Ngắm chiều tà rơi trên đầu”.
Bầu trời xanh cao rộng mở, những cánh diều phiêu du, dặt dìu tiếng sáo thổi ngân nga, tựa mình vào đàn trâu ở bãi cỏ bến sông, thổi hồn mình vào khung trời cao trong xanh xa thẳm. Tận hưởng một cuộc sống bình dị, ung dung tự tại đến vậy thì ai mà không muốn được sống một lần.
“Cho xin sống lại
Ngày vinh quy đi ngựa trắng
Làng ta khua ba hồi trống
Đón chàng về lễ tơ hồng”.
Một khung cảnh còn gì đẹp hơn, viên mãn hơn cho một đời người. Khi công thành danh tọai, đỗ trạng nguyên về tới cổng đình làng, thì làng sẽ đánh ba hồi trống đón trạng nguyên, hướng về nguồn cội để vinh quy bái tổ, thành gia lập thất: “Chàng cưỡi ngựa đi trước, thiếp ngồi kiệu theo sau”.
Bài hát là ước mơ để đưa ta về với thế giới tốt đẹp hơn, thoát khỏi những khó khăn, đau khổ của thực tại. Là động lực và hoài bảo, để ta tiếp tục hướng về tương lai, hướng về sự tươi sáng và hạnh phúc ta mong muốn.
Lưu Hương.