Về Ca Khúc “Bông Điên Điển” Của Nhạc Sĩ Hà Phương

1 4.907

Hò ơi …. má ơi đừng gả con xa chim kêu vượn hú
Hò ớ …. chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

Em đi lấy chồng về nơi xứ xa
Đêm ru điệu hát, giọng hò trên môi.
Miền Tây xanh sắc mây trời
Phù sa nước nổi người ơi đừng về!

Với màu điên điển say mê
Vàng trong ánh mắt, vỗ về gót chân.
Trót thương tình nghĩa vợ chồng
Nên bông điên điển nở, cho lòng vấn vương
Tình thương em khó mà lường.

Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa
Giờ đây nhớ mẹ thương cha
Còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm.

Xa xăm nơi chốn bưng biền
Ăn bông mà điên điển
Nghiêng mình nhớ đất quê
Chồng xa em khó mà về.

Hò ơ, ơi hò! Chồng xa em khó mà về
Hò ơ, ơi hò! Chồng xa em khó mà về…!

Ca khúc “Bông Điên Điển” là một sáng tác của nhạc sĩ Hà Phương, ông viết vào năm 1998 và được ca sĩ Phi Nhung thu âm đầu tiên. Sau đó, ca khúc này trở thành một bài hát được nhiều người yêu thích lúc bấy giờ. Vì bài hát mang đặc trưng, ca ngợi vẻ đẹp của vùng Miền Tây sông nước, đất trời hiền hòa để tô điểm cho tình cảm gia đình, tình người xa xứ mà khắc họa nỗi lòng của phận người con gái phải lấy chồng xa.

Về miền quê hương Nam Bộ đi qua những nẻo đường làng, thôn xóm của những buổi trưa lộng gió, vẳng bên tai nghe đâu đó sẽ là lời ru của bà, của mẹ bên cánh võng đung đưa “ơ… ầu ơ… má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…”. Hai câu ca dao ấy như gắn liền với tuổi thơ bao người từ thuở còn nằm nôi. Và lớn lên câu ca dao ấy như là tiếng lòng chung cho thân phận của người con gái đến độ tuổi cập kê, đã được nhạc sĩ Hà Phương đưa vào sáng tác của mình thành tiếng hát câu hò “hò ơi …. má ơi đừng gả con xa chim kêu vượn hú… hò ớ …. chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.

Trai lớn lên lấy vợ, gái lớn lên gả chồng là quy luật của tự nhiên trong cuộc sống, là truyền thống của ông ba ta từ xưa đến nay. Ai rồi cũng sẽ đến giai đoạn gây dựng cho mình hạnh phúc riêng. Bài hát như là nỗi lòng của người con gái “lấy chồng về nơi xứ xa”, dù bị ép gả hay vì yêu mà người con gái chấp nhận lấy chồng xa thì trong tâm trí của họ luôn vấn vương những hình ảnh của trốn quê nhà, ở đó có cha mẹ đang chờ đợi con gái về thăm, có người anh, hay những đứa em mong về từng ngày để cùng đùa nghịch hay kể chuyện nhau nghe. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân thương làm sao nguôi. Có khi tròn mình trên giường, lẳng lặng mà nước mắt tuôn rơi thấm đẫm trên chiếc gối. Có lẽ khóc là liều thuốc tốt giúp người con gái lấy chồng xa vơi đi phần nào nỗi vấn vương, buồn thương nhớ ấy.

Người con gái trong bài hát có nỗi nhớ gia đình da diết khi nhìn “bông điên điển nở cho lòng vấn vương”, hình ảnh ấy như thôi thúc người con gái từ bỏ tất cả mà trở về nhà, về với mảnh đất “Miền Tây xanh sắc mây trời”, ở đó có tiếng hát lời ru quen thuộc, có phù sa nước nổi, có điên điển trổ vàng bông và có những người thân thương. Người con gái ấy cũng “khó mà lường” trước được cảm giác lấy chồng xa sẽ nhung nhớ gia đình đến vậy, nhưng vì tình yêu, khi nghĩ về “tình nghĩa vợ chồng” mà đành cam chịu nỗi lòng xa xứ.

Lời bài hát là những ca từ gần gũi, dễ hiểu mà đầy cảm xúc:
“Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
Giờ đây nhớ mẹ thương cha
Còn đâu mà thong thả để về nhà thăm.

Xa xăm nơi chốn bưng biền
Ăn bông mà điên điển nghiêng mình nhớ đất quê
Chồng xa em khó mà về”.

Nỗi lòng ấy mấy ai thấu hiểu giùm cảm giác nhớ nhung nhưng bị ngăn cách. Mỗi khi nhớ nhà, mỗi khi “nhớ mẹ thương cha” muốn được về thăm, được ôm vào lòng mà vỗ về, muốn được trở về nơi bình yên của gia đình. Nhưng nào có được vì khi lấy chồng ở tận nơi “xa xăm” nên “khó mà về”, vì “còn đâu mà thông thả” khi gánh nặng trên vai là gia đình nhỏ của riêng mình, của cuộc sống mưu sinh, con cái thêm vào đó là khoảng cách trở thành rào cản ngăn bước ta về. Lời bài hát là sự xót xa thay cho nỗi lòng muốn về thăm cha mẹ, thăm quê nhưng không thể về vì đã trọn kiếp “chồng xa em khó mà về”.

Lưu Hương.

1 bình luận
  1. Hiệp Tô Phan nói

    ………
    Xa xăm nơi chốn bưng biền
    Ăn bông mà điên điển nghiêng mình nhớ đất quê
    Chồng xa em khó mà về”.
    Chồng sống ở bên cạnh sao lại nói là Chồng xa ????
    Mẹ xa Em khó mà về thì còn nghe được hoặc
    Lấy chồng xa em khó mà về không thể lấy ly do vì khuôn nhạc nên phải bỏ bớt chữ …..
    Tôi xa Quê Hương gần 50 năm nhưng cũng chưa quên được Tiếng Việt.
    Không lẽ Tiếng Việt ngày hôm nay như vậy!!!??
    Xin Tác giả giải thích rõ
    Và chi biết
    Ai là Tác giả bản nhạc này? Hà Phương hay Bác Sơn???
    Vì một trang web khác nói Tác giả bản nhạc này lâ Bác Sơn???
    Hãy bấm vào đường link này để hiểu rõ:
    https://loibaihat.biz/lyric/7dxz1/bongdiendien/

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.