Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng
trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng
trong gió ngàn mừng đón xuân sang
Vui mùa xuân năm nay gần nhau,
Nhớ khi xưa lúc ngây thơ,
cầm tay hỏi nhau ngẩn ngơ,
đến bao giờ đón xuân mơ
Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng
trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng
trong gió ngàn mừng đón xuân sang
Vui mùa xuân năm nay gần nhau,
nhớ khi nào lúc ra đi,
cầm tay hẹn câu chờ nhau, đến bên cầu,
nắng xuân sau.
Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng
trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng
trong gió ngàn mừng đón xuân sang.
Vui mùa xuân năm nay gần nhau,
hát vang câu mến thương nhau
cầm tay nhìn nhau, cùng mơ
ước mơ xuân đến bao lần
Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng
trong gió ngàn, khắp chốn tiếng reo vang
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng
trong gió ngàn mừng đón xuân sang.
Khi khắp mọi phố phường không còn vang lên bài hát Jingle Bell, Jingle Bell.. mà đổi thành những giai điệu của các ca khúc hát về mùa xuân làm lòng ta xốn xang, háo hức. Ta mới giật mình nhận ra một mùa xuân nữa lại sắp đến.
Một năm với bao nhiêu sự thay đổi biến động, thế hệ thanh niên đi xây dựng tìm kiếm những ước mơ còn dang dỡ, thế hệ trẻ em quay cuồng bên trường lớp. Một năm đi qua thì tết đến là cột mốc để ta nhìn lại năm cũ, và cố gắng nhiều hơn trong năm mới. Và tết đến còn là thời gian sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè.
Trong thâm tâm mỗi người Việt Nam chúng ta, ngày xuân ngày tết chính là ngày “họp mặt” gia đình, bạn hè và hàng xóm láng giềng. Chính truyền thống sum họp đấy đã mang lại cảm hứng cho cố nhạc sĩ Văn Phụng sáng tác nên ca khúc “Xuân họp mặt” vào năm 1973.
Lời bài hát vang lên như thúc giục lòng người bồi hồi trước thềm năm mới. Xuân là thời điểm con cháu từ bôn ba từ khắp mọi miền trở về quê hương để sum họp cùng gia đình, để được ăn bữa cơm gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Xuân cũng là lúc người ta bên nhau kể cho nhau nghe những muộn phiền đã qua và cầu chúc cho một năm mới sung túc, an vui. Đó cũng là thông điệp mà nhạc sĩ Văn Phụng muốn gửi gắm đến mọi người qua ca khúc “Xuân họp mặt”.
Tôi còn nhớ thuở nhỏ ngày tết là ngày tôi vui nhất. bởi vì tết đến tôi không phải đi học, có thể chơi suốt ngày không bị la, được mặc quần áo mới, còn được ăn rất nhiều món mà chỉ tết mới có. Được ngồi vừa nghe ngoại kể chuyện vừa ngồi canh nồi bánh tét, mẹ ngồi xay bột, ông tôi ngồi nhâm nhi tách trà, cùng nhau chờ đón thời khắc giao thừa bước sang năm mới.
Những nhà có con cháu đông như nhà ngoại tôi tết đến đông vui lắm, những người làm ăn xa, hay người có chồng nơi xứ lạ, thì tết đến mới có dịp sum họp quay quần bên nhau, tôi rất thích cảm giác mọi người sum họp nói cười vui vẻ, trong cái không khí hơi lạnh lạnh còn sót lại khi mùa Noel vừa qua, cảm giác rất ấm áp hạnh phúc.
Nhưng ngày nay, cuộc sống ngày một đổi thay phát triển, con người có quá nhiều thú vui trong cuộc sống, nên cái tết ngày nay không còn được coi trọng như xưa nữa. Khi cuộc sống quá hiện đại con người thường mất đi cảm giác chờ mong, ví như kẹo mứt mà xưa chỉ có tết mới có, thì ngày nay chúng ta có thể ăn lúc nào cũng có, hay phong tục gói bánh tét, đập bánh phồng ngày tết, giờ đã không còn nữa, vì lớp trẻ ngày nay chả ai muốn học muốn làm, trẻ em không còn vui chạy đùa giỡn ngoài sân như trước, trên tay đứa nào cũng có một chiếc smartphone.
Tôi cảm nhận được không khí ngày xuân không còn nhộn nhịp như xưa nữa, mỗi năm qua đi thì cái tết năm nay lại buồn hơn tết năm ngoái. Những giá trị truyền thống ngày dần mất đi. Cái còn sót lại của ngày tết chỉ còn lại tình người, tình thân.
Ai lớn lên mà không phải xa quê hương xa gia đình, người đi tìm tương lai, người đi xây dựng gia đình mới, một năm bôn ba với bao lo toan bộn bề trong cuộc sống, chỉ có tết đến là được gặp lại cha mẹ, anh chị em bạn bè. Tôi không thể tưởng tượng được, nếu cái giá trị tinh thần này cũng dần mất đi thì truyền thống dân tộc ta đời sau sẽ còn lưu giữ được những gì.
Mong sao truyền thống “xuân họp mặt” sẽ mãi trường tồn cùng quê hương Việt Nam của chúng ta, như một bản nhạc xuân nổi tiếng viết năm 1973 của cố nhạc sỹ Văn Phụng.
Sakura.