Nhạc Sĩ Văn Giảng Và Ca Khúc ‘Ai Về Sông Tương’
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương.
Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương .
Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn.
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm
Bao ngày qua, thu lại về mang sầu tới
Nàng say tình mới hồn tôi tơi bời
Nhìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng
Tình thơ ngây từ đây nát tan
Hoa ơi! Thôi ngưng cười đùa lả lơi .
Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình
Đầy bao ngày thắm dày xéo tâm hồn này lệ sầu hoen ý thu .
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Sao đành nỡ dứt tơ vương.
Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ.
Dây tình tôi nắn cung tơ, rút lòng sầu trách người mơ.
Ca khúc Ai về sông Tương được Nhạc sĩ Văn Giảng viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một câu chuyện như sau :
– Những năm cuối thập niên 1940, nhạc sĩ Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc của Văn Giảng cũng được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Một lần Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.
– Văn Giảng nghe như vậy và không trả lời. Một thời gian ngắn sau đó ông viết bản Ai về sông Tương và ký tên Thông Đạt. Ai về sông Tương được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nhanh chóng nổi tiếng. Sau nhiều lần được nghe bản nhạc đó trên đài, Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài Ai về sông Tương là ai không. Tăng Duyệt muốn tìm mua lại bản quyền để xuất bản nhạc phẩm đó nhưng Văn Giảng trả lời không biết.
– Một lần hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tới chơi và tình cờ nhìn thấy bản thảo của Ai về sông Tương. Nhờ đó Tăng Duyệt mời biết Văn Giảng chính là Thông Đạt, tác giả của bàn tình ca nổi tiếng đó. Bút danh Thông Đạt chính là tên ghép pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt của người vợ.
Nhật Hà (dongnhacvang.com)