Mía Ghim Ngày Xưa, Một Nỗi Nhớ Ngọt Ngào
Cây mía cách nay hơn mấy chục năm là món ăn vặt lành dạ được người bán cắt khúc cắm vào các cây tre chẻ hoa nên gọi là mía ghim,rồi được ướp đá mát rượi bỏ trong tủ kiếng bán trước cổng trường, bán dạo vào các buổi trưa hè cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ ưa thích. Miếng mía ngọt ngào được cắn giữa hai hàm răng theo sớ rồi nhai để nghe nước rịn trong miệng mà thưởng thức hương thơm lẫn vị ngọt là đủ thoải mái chất quê dân dã đang khiến cho cơ thể thú vị mà đắm đuối cho tận tuổi hoàng hôn. Chưa kể uống ly nước mía màu vàng sánh, ngọt lịm khi uống vào ngày hè nóng bỏng. Bây giờ loại mía này dường như mất hẳn, chỉ còn loại mía vỏ màu nâu, cứng hơn mía vàng xốp thủa nhỏ tôi được ăn…Ngoài ra còn có mía lau thân nhỏ màu xanh nhạt chỉ để nấu với cỏ tranh, thuốc dòi uống thanh nhiệt giải độc.
Dần dà…mía ghim không thể cạnh tranh nổi với các loại thức ăn công nghiệp nên người bán cũng bỏ và bán loại khác chỉ còn nước mía bỗng có một thời rầm rộ là “Nước mía siêu sạch” từ những xe bán nước mía ép khắp nơi, rẻ chỉ có vài ngàn một ly đủ để giải cơn khát của ngày hè nóng nực cho khách hàng mọi lứa tuổi trong đó giới trẻ rất đông đến uống vừa giải khát vừa chuyện trò “chém gió”.
Bây giờ,lâu lâu vào mùa hè tôi và bạn bè cũng thường rủ nhau đến quán nước mía vừa uống vừa tám chuyện tào lao, lòng tôi chợt bâng khuâng khi nghĩ về ngày xưa tuổi nhỏ, về nghề bán mía ghim đến nay mai một rồi chợt xót xa khi vườn mía của bà con nông dân khi trồng ra gặp khó khăn khi tiêu thụ và những nhà máy đường khắp nơi cũng chung số phận cạnh tranh khắc nghiệt với đường nhập khẩu…Chao ơi! Còn đâu danh hiệu đường Biên Hòa một thời ngọt ngon,hấp dẫn và quyến rũ? Vậy đó, sản xuất cứ quẩn quanh và người nông dân ngày một khó khăn hơn trong cuộc sống, họ không còn bình yên với đồng ruộng của mình vì đô thị hóa lấn áp khốn cùng nghĩ mà thương.
Dĩ nhiên tiếng rao : “Mía ghim…mía hấp đây” giờ chỉ còn là cổ tích hoặc tồn tại trong giấc mơ của tôi sau những giờ mệt mỏi với công việc tìm về lạ lẫm.
Phúc Ben. (Trong bài có sử dụng tài liệu của Phan Thị Vinh)