Đôi Nét Về Nhạc Sĩ Huỳnh Anh | Tác Giả Những Khúc : Mưa Rừng, Biết Nói Gì Đây, Loan Mắt Nhung, …..

0 3.949

Nhạc sĩ Huỳnh Anh sinh ngày 2 tháng 1 năm 1932 tại Cần Thơ, là con trai của danh cầm Sáu Tửng – Huỳnh Văn Sâm, một người chơi đàn kìm nổi tiếng của nền cải lương miền Nam. Các nghệ sĩ tuồng cổ thời bấy giờ mỗi khi thâu đĩa, đều phải đòi bằng được ông Sáu Tửng đến đệm đàn, nhưng đến thời nhạc sĩ Huỳnh Anh lại theo tân nhạc cùng với em gái là nữ ca sĩ Bạch Huệ.

Bén duyên với cải lương nhờ người cha của mình, Huỳnh Anh quen biết rất nhiều nghệ sĩ cải lương trong khi đang là nhạc trưởng của phòng trà Mỹ Phụng và là một tay chơi trống ở Sài Gòn. Nhắc tới lần đầu chơi trống của mình, ông vẫn còn nhớ đến buổi lần tiếp xúc với trống đầu tiên vào lúc phát phần thưởng lúc nhỏ có một người bạn đã kêu ông vào chơi tùy thích vì đang thiếu tay trống. Ngoài chơi trống ống còn biết một số nhạc khí khác như piano, guitar, mandolin.

Khi nhắc đến nhạc sĩ Huỳnh Anh có quá nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như Thuở ấy có em, Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Nếu ta đừng quen nhau, Biết nói gì đây …. Nhưng nhạc phẩm đầu tiên của Huỳnh Anh là “Em gắng chờ”, được xuất bản vào tháng 2 năm 1957. Tên tuổi ông gắn liền với tác phẩm Mưa rừng, Mưa rừng là một tuồng cải lương nổi tiếng được viết và ra mắt năm 1961 bởi Hà Triều – Hoa Phượng đến năm 1962 được chuyển thế thành phim. Vở tuồng này đã góp phần khẳng định tên tuổi của cố nghệ sĩ Thanh Nga cũng như nhạc sĩ Huỳnh Anh – người viết bài tân nhạc “Mưa rừng” cùng tên dành riêng cho Thanh Nga.

Có một bài báo của Huỳnh Công Minh bảo rằng lúc đó Thanh Nga chỉ mới 22 tuổi và Huỳnh Anh là một trong những người từng đeo đuổi nữ nghệ sĩ, Huỳnh Anh rất thân với anh ruột của Thanh Nga.

Huỳnh Anh cho biết ông chính là người tập ca tân nhạc cho Thanh Nga trong bài Mưa rừng, khi tuồng Mưa Rừng đã lên kịch bản và chuẩn bị xong xuôi, Thanh Nga cùng với Hà Triều- Hoa Phượng lúc đó đã đến nhờ ông viết cho Thanh Nga 1 bản tân nhạc đặc biệt để đánh dấu cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong tuồng Mưa rừng. Trước bài Mưa rừng này, ông có viết riêng cho Thanh Nga bài Kiếp cầm ca, nhưng tuồng Mưa rừng lại phát hành trước nên ông lại viết thêm cho Thanh Nga bài Mưa rừng. Thanh Nga hát đầu tiên trên đài phát thanh Sài Gòn đã mang đến rất nhiều tiếng vang cho chính nhạc sĩ.

Tuồng Mưa rừng lấy bối cảnh ở một đồn điền cà phê, trong đó con gái ông chủ đồn điền có một người chồng điên và giấu riêng ở trong phòng không cho ai biết, ông chủ đồn điền mướn 1 thầy cai đồng thời thời mướn 1 cô sơn nữ tên là K’lai để cô lo cơm nước cho người chồng bị điên của cô con gái, nhưng cô sơn nữ tên K’lai mà Thanh Nga sắm vai cùng cô con gái của ông chủ đồn điền đều yêu người thầy phu này, quá chán ngán cảnh ba đường, anh đã chọn rời bỏ đồn điền trở về thành thị sinh sống.

Từ trái sang phải là Lê Dinh, Nhật Ngân, Anh Bằng, Huỳnh Anh, và Ngọc Chánh

Huỳnh Anh phổ nhạc rất nhiều bài thơ đã tạo nên tên tuổi lớn cho ông như Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Rừng lá thay chưa, nhạc sĩ cho biết đã cảm nhận được tình cảm đặc biệt khi đọc lời tựa của bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, cũng như cảm xúc rộn ràng khi đọc “Anh đi rừng chưa thay lá. Em về, rừng lá thay chưa” trong ý thơ của nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn trong bài Rừng lá thay chưa ông viết sau khi ông ra hải ngoại,

“Bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím nó rất hay, mà nó lại hơi dài quá thành ra nếu mà mình viết hết thì tui nghĩ là không được. Rồi tối tui nói chuyện với Kiên Giang – Hà Huy Hà thì ổng nói viết vậy là được rồi. Ổng là một soạn giả mà chính ông đã là người đưa Thanh Nga nổi tiếng trong cái tuồng Người vợ không bao giờ cưới.”

Ngoài bản Mưa rừng, ông còn được người chị của nghệ sĩ Thanh Nga và đạo diễn Lê Dân mời sáng tác ca khúc “Loan Mắt Nhung” cùng với nhạc đệm cho bộ phim cùng tên năm 1970 chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Thụy Long viết cho đầu báo giấy, ông lúc ấy còn được yêu cầu hát trong phim vì trong nhạc phẩm gốc có ghi dòng chữ “Nhạc phẩm này được chính tác giả trình bày trong phim”. Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga. Còn bài Sa mạc tuổi trẻ ban đầu ông viết cho phim Điệu ru nước mắt dựa theo tiểu thuyết của Duyên Anh nhưng vì ông viết không kịp nên mới đổi tên thành Sa Mạc tuổi trẻ.

Huỳnh Anh vốn là một người khá trầm lặng, ít khi tham gia sinh hoạt văn nghệ cộng đồng. Vào năm 2004, Trung tâm Thúy Nga có tổ chức chương trình Paris By Night 74 : Hoa bướm ngày xưa cùng vình danh Huỳnh Anh, Nguyễn Hiền và Song Ngọc. Trong  đó, ông bồi hồi phát biểu: “Cám ơn quý khán giả ủng hộ, các anh chị em nghệ sĩ đã trình bày tác phẩm của tôi đồng thời tôi cũng gửi lời cám ơn đến các chị em nhạc sĩ còn ở quê nhà”.

Nhật Hà Biên Tập.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.