Bolero Và Người Việt
Trước đây khi tôi nghe những chương trình tin tức và bình luận về âm nhạc trong nước trên radio, lúc ấy vào khoảng cuối những năm 2000, người ta thường dùng cụm từ “đóng băng” để nói về nền âm nhạc thời điểm đó. “Đóng băng” có lẽ là một cụm từ tương đối chính xác để nói về một nền âm nhạc bị chững lại, dậm chân tại chỗ, không phát triển, không đóng góp thêm được một chút giá trị nào cho đời sống văn hóa, tinh thần của nước nhà. Thực tế thì cũng không đến nỗi quá tệ như vậy, âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ cũng có kha khá những ca khúc nghe êm tai, chủ yếu là pop ballad nói về tình yêu đôi lứa được các bạn trẻ ngân nga mỗi khi muốn tán tỉnh nhau, để nói thay tâm tư lúc đang say nắng ai đó hoặc đang thất tình. Âm nhạc vẫn đậm tính giải trí và không thể chạm tới cảm xúc, bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh bị tấn công ồ ạt bởi các ca khúc của trào lưu mì ăn liền, chỉ để hát cho vui nên khó đi vào lòng người.
Một dấu hiệu khác của sự đóng băng nền âm nhạc ở Việt Nam là trong khi những ca khúc cũ đã đi sâu vào lòng công chúng càng ngày càng được khai thác triệt để bởi các nhà phát hành, nhà sản xuất, các ca sĩ hoạt động độc lập thì những ca khúc mới lại khó thuyết phục được lỗ tai người nghe và sức sống của chúng mỗi ngày một èo uột, chỉ một thời gian là người nghe không ai còn nhớ tới. Những ca khúc cũ được khai thác chủ yếu là ca khúc nhạc trẻ của thập niên 90, những ca khúc ca ngợi tình yêu, cuộc sống được sáng tác trong thời kì xây dựng đất nước sau giải phóng và không thể không nhắc tới kho tàng ca khúc của các nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975, cho đến tận bây giờ lại càng được giới làm âm nhạc đào bới nhiệt tình. Như vậy nền âm nhạc đã đóng băng của Việt Nam đến nay lại càng đông cứng hơn mà biểu hiện rõ rệt nhất chính là sự trở lại mạnh mẽ của dòng nhạc thời trang đại chúng Sài Gòn cũ mà người ta thường gom chung lại để gọi bằng cái tên là dòng nhạc Bolero do phần lớn các ca khúc ấy được viết theo thể điệu Bolero.
Âm nhạc mỗi lúc một gắn bó với cuộc sống con người thời đại vốn nhiều lắng lo, ưu phiền, nhiều mỏi mệt và căng thẳng. Những lúc rảnh rỗi, một số người ăn âm nhạc, ngủ âm nhạc, đi đứng âm nhạc, làm việc nhà cùng âm nhạc,… Khi một nền âm nhạc chỉ biết khai thác cái cũ vô hình trung nó làm cho một lớp người trưởng thành cứ liên tục hồi tưởng về quá khứ và cảm thấy lạc nhịp với thời đại như thể với thời thế bây giờ, người ta chỉ có thể bám vào nó để kiếm sống qua ngày, nó không để lại được một dấu ấn, một sự hoài niệm nào cho người ta sau này. Lâu dần, nó làm gợn lên trong đời sống tinh thần của người Việt một lối sống không biết phải gọi là cũ hay mới, đó là lối sống hoài cổ. Bằng chứng là những hình ảnh xưa cũ của Sài Gòn được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội bởi những người dùng đứng tuổi có, trung niên có, thanh niên cũng có, những món đồ cổ được sưu tầm, những dịch vụ giải trí phục vụ cho lớp người hoài cổ bằng những không gian phục dựng từ quá khứ huy hoàng của một xã hội nhân văn nay đã chìm vào dĩ vãng.
Với xu hướng thông tin ngày một cởi mở và có sức lan tỏa khủng khiếp như hiện nay, những con người mang lối sống hoài cổ này đang có xu hướng trẻ hóa, tương lai không xa sẽ có những người luôn sống trong một thứ kí ức mà ở đó họ chưa sinh ra.
Khi người lớn vọng tưởng về quá khứ và mệt mỏi vào cái thời đại mà họ đang sống, những đứa trẻ mà họ sinh ra bỗng nhiên bơ vơ và sâu bên trong chúng dường như đã bị ghẻ lạnh khi là con người của hiện tại, của những đổi thay không biết nên vui hay buồn. Và khoảng cách thế hệ của con người Việt Nam càng ngày càng dài thêm, người lớn khó có thể cúi xuống để gần gũi với thế hệ sau của họ. Trong mắt họ, chúng chỉ là một lũ trẻ nít đua đòi, đeo bám xu thế, làm những điều nhố nhăng để khẳng định bản thân. Những bản bolero vang lên mỗi cuối tuần trong những cuộc vui của người Việt, những cuộc vui của những gia đình với những ông bố gia trưởng và những đứa con lạc loài trong chính tổ ấm của mình.
Đừng nói rằng âm nhạc chỉ là thứ để mua vui cho cuộc đời. Sự trì trệ của nó đang tạo ra một lỗ hổng lớn trong cộng đồng giữa các thế hệ con người và đưa chúng ta vào một cuộc khủng hoảng giá trị tinh thần khi mà thời đại này không thể cho người ta một tác phẩm âm nhạc để gọi đúng tên nỗi buồn trong lòng họ. Nhu cầu được đồng cảm và sẻ chia, đó là những nhu cầu rất con người, vậy mà xã hội này không thể đáp ứng được.
Tấn Tony (Dongnhacvang.com)