Tàu Đêm Năm Cũ Nhạc Phẩm Bất Hủ Của Nhạc Sĩ Trúc Phương

0 9.967

Nhạc sĩ Trúc Phương là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc miền Nam trước và sau 1975. Tổng số lượng sáng tác của ông khoảng trên 70 bài, có rất nhiều bài phổ biến trong suốt thập niên 1960 cho đến tận hiện nay. Nhiều ca khúc viết bằng giai điệu Bolero của ông rất nổi tiếng nên được nhiều người dành tặng danh hiệu “ông hoàng nhạc bolero”. Trong đó, bản nhạc Tàu Đêm Năm Cũ được viết vào đầu năm 1962, là bản phối tạo nên tên tuổi của nhạc sĩ Trúc Phương và đã trở thành bất hủ. Tàu Đêm Năm Cũ là nhạc khúc viết tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà vì lúc đó chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa có sắc lệnh chuyển đổi công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại.

Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn.
Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay.
Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo.

Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời.
Trở gót bâng khuâng tôi hỏi lòng đêm nay buồn không,
chuyến xe đêm lạnh không?
Để người yêu vừa lòng.

Sân ga, nơi những cuộc chia lìa và sum họp khởi từ đây. Những con tàu từng đưa đón kẻ đi người về, khuất dần trong sương lạnh để lại những dấu biệt ly. Người ra đi trong bài hát không làm kẻ giang hồ phiêu lãng mà là một chàng trai mang nặng gánh tang bồng, anh ra đi vì nhận nhiệm vụ ở biên thùy xa vắng. Khi đêm dần tàn, gần rạng sáng là lúc trời mang hơi thở lạnh lẽo, yên ắng và cô đơn nhất, đó cũng là lúc tôi tiễn người trai lính về ngàn. Bản phối đầu với tiếng nhạc hòa lẫn vòng xe lăn bánh cùng với  tiếng còi tàu vang lên như thôi thúc giục giã, quang cảnh một người đưa tiễn một người đi như hiện ra trước mắt, họ cầm chắc tay trao cho nhau những tâm tư lần cuối trước khi giã biệt.

Khi đoàn tàu lăn bánh rồi xa dần, xa dần, cả không gian như chết lặng, chỉ còn lại một dáng hình người con gái đứng lặng lẽ bước từng bước bâng khuâng, rồi tự an ủi chính bản thân mình đừng tiếc thương bởi “người ra đi vì đời”. Dẫu anh rồi sẽ băng mình qua mấy nẻo sơn khê, với mớ hành trang huyện mùi khói súng, tôi thấy lòng buồn tan nát nhưng cố vơi để người yêu an lòng.

Đêm nay lặng nghe gió lùa qua phố vắng, trăng rằm về xa xăm.
Trong giây phút này, tôi mơ ước sao nằm trọn vào tay nhau.

Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào.
Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?
Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về.

Sau đêm chia ly ấy, có lẽ đến nay cũng đã một hay nhiều năm, chuyến tàu đêm của năm cũ ấy vẫn như mới hôm nào. Để đêm nay, gió lùa qua phố vắng, gió lùa qua song cửa, vào trong khuê phòng chỉ có chăn đơn gối chiếc. Trong giây phút này, tôi mơ ước sao có người bên cạnh, giá mà được nằm trọn vào trong vòng tay nồng ấm của người. Những năm này, không có công nghệ liên lạc nên càng nhân đôi sự nhớ thương và tình yêu càng mãnh liệt hơn. Dường như thôi thúc rồi nhiều lần bất giác nàng thường dừng bước trước sân ga xưa, tìm chút hy vọng mong manh còn sót lại, biết đâu ở đó nàng sẽ được đón một người về, tàu cũ năm xưa, sẽ mang người tình ở biên khu xa trở về. Nhưng bao nhiêu năm tháng trôi qua, sân ga cũ còn đây mà bóng người yêu vẫn chưa về lại. Mỗi lần tiếng còi tàu thét vang trong đêm như cõi lòng nhói từng hồi não nùng, trắng đêm quặn thắt từng cơn nhớ nhung.

Dù xa vời vợi tôi vẫn tin anh qua bước đường tha hương còn dài.
Nợ nước đôi vai khi người tìm tương lai đời trai.
Nhớ thư anh hẹn tôi, sẽ về thăm một tối.

Và câu chuyện đời e ấp trong tim đêm ước hẹn cho nhau nụ cười.
Hình bóng thương yêu anh để vào tâm tư còn không?
Giữ trong tim được không những chuyện xưa của lòng?

Cũng như bao người yêu của lính khác, dù xa vời vợi nhưng những cô gái ấy vẫn yêu và tin lính cũng như tin vào con đường và chí hướng của những người anh hùng của tổ quốc. Những cánh thư là nhịp cầu nối để giữ vững niềm tin yêu, mỗi lá thư là một câu chuyện của quân trường, của đồng đội, của anh và tôi, rồi những ngày e ấp hẹn ước của đôi ta… và hiển nhiên tái bút anh hẹn sẽ về thăm tôi vào một tối. Những bức tâm thư của anh là niềm tin yêu trong tôi và hình bóng tôi vẫn theo anh trên các chiến địa… chúng ta giữ trong tim nhau những câu chuyện xưa của lòng, mang tình yêu tôi anh vào tình yêu tổ quốc quê hương.

Đêm qua nằm mơ thấy người trai lính chiến,
xuôi tàu về quê hương.
Vui đêm phố phường quên đi phút giây
gió lạnh ngoài biên cương.

Một đêm mùa hè tôi đến sân ga vui đón người trai lính trở về.
Tàu cũ năm xưa mang về trả cho tôi người xưa.
Để đêm nay ngồi đây viết lại tâm tình này.

Đêm qua đi và ngày sẽ đến, cứ thế kéo dài dòng thời gian, có những con tàu như tháng năm miệt mài đi mãi không về lại sân ga, để chờ đợi khát mòn tìm những vết loang xưa. Đêm qua đêm những giấc mơ tìm về, thấy người yêu lính chiến trở lại quê hương cùng nhau ôn lại những phút giây bình yên dạo bước phố phường, quên đi những đêm biên cương sương giăng gió lạnh. Và sau bao nỗi mong chờ, nhạc sĩ trúc phương đã cho người nghe thỏa mãn những cảm xúc bằng một kết thúc có hậu. Những giấc mơ đoàn viên đã thành sự thật, những ngày đông lạnh lẽo đã qua, một đêm mùa hè mang người trai lính trở về. Tôi vui mừng đến sân ga để đón người yêu, con tàu cũ năm xưa đã thật sự mang trả lại cho tôi người xưa…

Vào thời điểm sắc lệnh chuyển công tác sĩ quan và công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại, Tàu Đêm Năm Cũ ra mắt như bùng nổ, lan tỏa nhanh chóng trở thành tiếng lòng của biết bao đôi lứa yêu nhau. Bài hát cũng khởi nguồn cảm tác cho nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng viết về sân ga thời gian sau đó như: Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Buồn Ga Nhỏ, Ga Chiều, Chiều Sân Ga, Người Tình Không Đến…

Biên Soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc dongnhacvang.com

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.